HTX sản xuất thương mại - nông nghiệp sạch Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hoằng Hóa hiện có 56 HTX nông nghiệp đang duy trì nhiều dịch vụ phục vụ sản xuất, như thủy lợi, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, phun thuốc trừ sâu bệnh, mạ khay máy cấy, sản xuất và tiêu thụ nông sản, cung ứng thực phẩm tươi sống, cung ứng rau an toàn... Với mục tiêu luôn đổi mới trong tổ chức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với thực tiễn, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã phát triển theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Giám đốc HTX sản xuất thương mại - nông nghiệp sạch Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) Lê Thị Quyên cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất cho các xã viên, người dân trên địa bàn xã, HTX đã đầu tư xây dựng nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để trồng dưa Kim Hoàng Hậu, dược liệu và một số loại rau màu dễ tiêu thụ, lại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, HTX nhân rộng mô hình cho xã viên và người dân có đủ điều kiện sản xuất.
Hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, HTX đã sản xuất và cung ứng chế phẩm sinh học EM để diệt sâu bọ, khử mùi hôi thối chuồng trại, làm sạch môi trường, trộn vào thức ăn chăn nuôi để tăng sức đề kháng và tiêu hóa cho vật nuôi, giúp các vật nuôi lớn nhanh, ít bệnh tật... HTX còn nhận thu mua chất thải từ các trang trại chăn nuôi để sản xuất phân hữu cơ và là đầu mối tiêu thụ lúa, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân và các HTX trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiều năm nay HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường (Nga Sơn) đã trở thành địa chỉ tin cậy, là “bà đỡ” cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Khi mới thành lập, HTX chỉ có dịch vụ bảo nông, thủy lợi và khuyến cáo bà con phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, với mục tiêu luôn đổi mới trong tổ chức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với thực tiễn, HTX đã mở rộng các dịch vụ cạnh tranh như kinh doanh giống cây trồng, cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, liên kết sản xuất và các dịch vụ nông nghiệp liên quan... Hằng năm, HTX còn tìm kiếm doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu khoai tây, rau...
Để nâng cao chất lượng hoạt động, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các khâu dịch vụ; sản xuất theo hướng công nghệ cao, an toàn. Đa phần các HTX đều có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - HTX - hộ dân để sản xuất, chủ động tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp. Nhiều HTX đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như nhà màng, nhà lưới, ứng dụng hệ thống tưới tự động, xây dựng chuồng trại quy mô lớn... Nhiều HTX cung cấp các khâu dịch vụ như cơ giới hóa, làm đất, thủy nông, điện năng, máy cấy - mạ khay, tu sửa và làm mới kênh mương nội đồng, mở rộng diện tích vườn ươm, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất rau quả an toàn, sản phẩm OCOP, vệ sinh môi trường, cung ứng vật tư nông nghiệp... Gần đây, nhiều HTX tích cực mở rộng các dịch vụ phi nông nghiệp như vệ sinh môi trường, tín dụng nội bộ...
Các HTX nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, theo chuỗi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên.
Để giữ vững vai trò là nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, các HTX trên địa bàn tỉnh cần chủ động đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, mở rộng thành viên, huy động thêm vốn, tiếp tục đầu tư phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, giải quyết được nhiều việc làm cho các thành viên, hộ thành viên và Nhân dân trên địa bàn.
Bài và ảnh: Lê Ngọc/ Theo báo Thanh Hóa
Ý kiến bạn đọc