Cô gái 9x đưa 'món lạ vườn nhà' của HTX lên sóng livestream triệu view

Thứ năm - 06/06/2024 05:26 0
Cất 2 bằng cử nhân một chuyên ngành kinh tế, một chuyên ngành hóa học, Nguyễn Thị Tường Thảo nghe theo tiếng gọi của con tim trở về quê hương, tham gia HTX, đưa nông sản lên sóng livestream, tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng.

Tốt nghiệp ngành công nghệ hóa học, Đại học Nông - Lâm TP.HCM, Nguyễn Thị Tường Thảo được nhận vào làm việc tại một phòng thí nghiệm ở TP.HCM với mức lương cao. Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm việc nơi thị thành, tình yêu với ruộng đồng quê hương chưa bao giờ nguôi trong trái tim cô gái sinh năm 1995.

Thảo cho biết, tình yêu với cỏ hoa đồng nội đã có trong trái tim cô từ khi còn rất nhỏ, lớp 3 đã theo cha đi làm vườn, cùng mẹ đi bán rau củ trong những phiên chợ truyền thống ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Vào đại học, Thảo tiếp tục nhận nông sản sạch của mẹ gửi từ Đà Lạt xuống TP.HCM bán kiếm thêm tiền trang trải cho việc học tập, chi phí sinh hoạt. Đây cũng là quãng thời gian cô được gặp nhiều người, học được nhiều điều về bán hàng online.

Với hành trang trong quá trình vừa học vừa làm, lại sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, một trong những “thủ phủ” nông sản lớn nhất cả nước, nên ngay khi vừa tốt nghiệp cử nhân, Thảo đã nung nấu ý định trở về quê hương khởi nghiệp. Nhưng từ ý tưởng đến thực tế là một quá trình không hề dễ dàng.

Nhớ lại những ngày đầu đầy khó khăn khi quyết định “bỏ phố về làng”, Thảo chia sẻ, quyết định của cô bị không ít người nghi ngại, nhiều bạn bè khuyên cô suy nghĩ lại, có người bảo cô “khùng” bởi công việc đang làm là mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường.

Chưa kể, khởi nghiệp với nông nghiệp sạch chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt với những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, tiền bạc như Thảo.

Hầu hết mọi người đều phản đối, chỉ có mẹ là một trong những người ủng hộ cho quyết định của Thảo. Và chính lời động viên “về quê lương 3 triệu thì mẹ nuôi” là động lực để cô gái trẻ 27 tuổi quyết tâm bỏ lại sau lưng phồn hoa đô hội, trở về quê hương lập nghiệp.

Ngày trở về, vì chưa có đủ tiền để khởi nghiệp riêng, Nguyễn Thị Tường Thảo nộp đơn xin vào làm tại HTX Vườn nhà Đà Lạt (xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt), một trong những tên tuổi nổi bật về sản xuất nông nghiệp sạch ở địa phương, để học hỏi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, vì HTX không có chế độ riêng cho những cán bộ trình độ cao, Thảo phải chấp nhận làm tại vị trí công nhân đóng gói sản phẩm. Việc một cử nhân có 2 bằng đại học đứng đóng gói sản phẩm tại HTX là một “chuyện thật như đùa”, nhưng theo Thảo, chính việc đảm nhiệm công việc ở vị trí thấp, gắn bó hàng ngày với người nông dân, trải nghiệm trực tiếp các khâu sản xuất, giúp cô học được rất nhiều điều, tích lũy nhiều kinh nghiệm, phục vụ cho quá trình bán hàng sau này.

Từ vị trí nhân viên đóng gói sản phẩm, Nguyễn Thị Tường Thảo bắt đầu đưa ra những ý tưởng mới, rồi thuyết phục những người đứng đầu HTX Vườn nhà Đà Lạt ứng dụng vào thực tế. Trước tiên là cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm.

Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, trước khi biết đến chất lượng, điều gây chú ý với người tiêu dùng là mẫu mã. Mẫu mã không đẹp thì rất khó để giữ chân khách hàng dù nông sản của HTX có chất lượng tốt như thế nào.

Với quan điểm đó, Thảo cùng những người điều hành HTX Vườn nhà Đà Lạt bắt tay vào công cuộc đổi mới mẫu mã đóng gói nông sản. Nhiều hôm, cô gái 9x thức tới 1-2 giờ sáng để nghiên cứu, thiết kế tem nhãn, bao bì mới cho sản phẩm, làm sao cho vừa đẹp, vừa thu hút.

Sau khi hoàn thành quá trình “khoác áo mới” cho sản phẩm của HTX, Nguyễn Thị Tường Thảo tiếp tục lên ý tưởng về việc đưa hàng hóa lên “chợ mạng” để lan tỏa thương hiệu, tìm kiếm những đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ban đầu, ý tưởng của Thảo chưa thực sự nhận được sự đồng thuận lớn, bởi HTX lúc này đang có những đối tác bán hàng lớn, không quá lo về đầu ra cho thành viên, nông dân liên kết. Nhưng rồi, sự quyết tâm của Thảo đã thuyết phục được đội ngũ lãnh đạo của HTX.

Ý tưởng được thông qua, Thảo bắt tay ngay vào xây dựng kênh bán hàng trên nền tảng TikTok, vốn đang là mạng xã hội “hot” nhất thời điểm đó và cho đến hiện tại.

Thế rồi, một ngày đầu tháng 10/2022, kênh TikTok “Món lạ vườn nhà” của Thảo và HTX Vườn nhà Đà Lạt chính thức ra mắt, và phần còn lại, như mọi người vẫn hay nói, là lịch sử. Kênh “Món lạ vườn nhà” liên tiếp tạo ra hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.

Clip đầu tiên giới thiệu về sản phẩm ớt trái cây Sweet Palermo của HTX thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Đây cũng là khởi đầu tuyệt vời để sau đó 1 tháng, kênh TikTok được mở chế độ bán hàng. Ngay phiên livestream đầu tiên, chỉ trong vòng 15 phút, Thảo tạo thêm kỷ lục cá nhân khi chốt 1.000 đơn hàng.

“Số lượng đặt hàng quá lớn, tôi phải dừng nhận đơn vì sợ HTX không đủ nguồn hàng. Sau phiên livestream, HTX phải huy động hết nhân lực làm việc trong 2 ngày để đóng hàng và gửi hàng cho khách lẻ”, Thảo hào hứng kể lại.

Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, kênh TikTok “Món lạ vườn nhà” đã thu hút hơn 286 nghìn lượt theo dõi, gần 2,3 triệu lượt thích.

Hình ảnh cô nông dân 9X bất kể sáng sớm hay chiều tối, trời mưa cũng như nắng lăn lộn trong khu vườn để quay clip giới thiệu các mặt hàng độc đáo của HTX đã thu hút hàng trăm nghìn tới hàng triệu lượt xem.

Nhìn lại những thành công hiện tại, bên cạnh sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của bản thân, Nguyễn Thị Tường Thảo không quên cảm ơn sự đồng hành của các thành viên HTX Vườn nhà Đà Lạt, đặc biệt là người sáng lập HTX - chị Lương Thị Yến Vân.

Bản thân câu chuyện khởi nghiệp của “thuyền trưởng” HTX Vườn nhàĐà Lạt cũng hấp dẫn và truyền cảm hứng không kém hành trình bỏ phố về quê của Nguyễn Thị Tường Thảo (VnBusiness xin hẹn kể cho quý độc giả trong một bài viết khác trong thời gian tới).

Ở HTX Vườn nhà Đà Lạt, theo lời kể của Thảo, từ người đứng đầu là chị Yến Vân, đến những thành viên đều là nông dân, họ hiểu và yêu từng cành cây, ngọn cỏ trong vườn, vậy nên tạo ra những sản phẩm có chất lượng tuyệt vời, vừa thơm ngon, vừa xanh, sạch, thân thiện môi trường.

Chị Lương Thị Yến Vân, Chủ tịch HĐQT HTX, cho hay: “Dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng chúng tôi hiểu để nông sản Đà Lạt có sức cạnh tranh trong thời kỳ mở cửa và hội nhập thì sản phẩm phải ngon, số lượng lớn, giá phải rẻ và có chiến lược thị trường tốt.

Vì vậy, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp nâng cao giá trị lợi ích của những người tham gia chuỗi giá trị. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số, đẩy mạnh quảng bá, bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội".

Từ quan điểm đó, HTX Vườn nhà Đà Lạt đã hình thành, xây dựng mạng lưới nông sản tại Đà Lạt bằng việc liên kết với 225 hộ nông dân và cam kết bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân liên kết với giá đã ký kết trước mỗi vụ mùa. HTX luôn đặt lợi nhuận của người nông dân lên hàng đầu với phương châm "Nông dân phải giàu được với nghề nông thì mới đi cùng và đi xa với HTX".

Ngoài các loại nông sản truyền thống, thời gian qua, HTX cũng tìm hiểu thêm các giống cây trồng mới, độc lạ như bí sợi mì, bông cải nhiều màu, ớt trái cây Sweet Palesmo... Hiện, có trên 150 sản phẩm nông nghiệp được HTX và các hộ liên kết đưa vào sản xuất với quy trình áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Thành công của HTX Vườn nhà Đà Lạt, cùng với câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của Nguyễn Thị Tường Thảo cho thấy làm nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, thậm chí đầy sỏi đá chông gai, tuy nhiên nếu đủ quyết tâm, đủ nhiệt huyết, không ngừng học hỏi, sáng tạo, thì thành công sẽ đến.

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập105
  • Hôm nay14,358
  • Tháng hiện tại96,859
  • Tổng lượt truy cập13,847,684
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây