Hợp tác xã làm nông nghiệp hữu cơ lớn nhất tỉnh Đồng Nai

Thứ năm - 11/04/2024 21:59 0
HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Tâm Minh Quang (gọi tắt HTX Tâm Minh Quang, tại xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Đồng Nai có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn được cấp đạt chứng nhận hữu cơ. Trang trại rộng khoảng 35ha sản xuất theo chuẩn hữu cơ, trong đó có 15ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ cho nhiều sản phẩm nông sản với sản lượng hàng trăm tấn/năm.
Vườn dưa hấu sản xuất theo chuẩn hữu cơ tại HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Tâm Minh Quang. Ảnh: B.Nguyên
Vườn dưa hấu sản xuất theo chuẩn hữu cơ tại HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Tâm Minh Quang. Ảnh: B.Nguyên

Vốn là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, Giám đốc HTX Tâm Minh Quang Nguyễn Văn Dũng chọn rẽ ngang đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) vì ông rất quan tâm đến thực dưỡng bảo vệ sức khỏe con người.

* Làm NNHC quy mô lớn

Trang trại TamECO của HTX Tâm Minh Quang hiện được phủ xanh bởi nhiều cây rau, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm đã được cấp chứng nhận hữu cơ gồm: bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ với sản lượng hàng trăm tấn/năm. Trong đó, cây bưởi đang chiếm diện tích lớn với khoảng 13ha đã đầu tư và đang tiếp tục nhân rộng thêm 6ha. Các loại nông sản hiện có tại trang trại đều được trồng theo chuẩn hữu cơ và ngày càng đa dạng chủng loại như: chuối sứ, nấm rơm, gạo tím, gạo ST25, sầu riêng, táo…

Để phủ xanh vùng đất cằn cỗi tại xã Tân An với chất đất sét pha sỏi cằn cỗi trở nên màu mỡ là cả công trình cải tạo, làm giàu cho đất. Chị Nguyễn Ngọc Bích Huyền, người quản lý trang trại TamECo cho biết, đất ở vùng này chủ yếu trồng tràm và một số cây hàng năm cho hiệu quả kém. Nhưng với HTX, đây là điều thuận tiện vì nguồn đất, nguồn nước không bị ô nhiễm. Tuy nhiên, quá trình cải tạo làm màu mỡ đất cho cây trồng phát triển tốt tươi như hiện nay cần quá trình dài hơi. Để đất màu mỡ, HTX có nhiều giải pháp như: trồng chuối ở khu bờ rào hoặc những dải đất ngăn cách giữa các khu trong trang trại để vừa thu hoạch trái, cây chuối băm ra phủ trên đất làm phân bón; trồng nấm rơm vừa có sản phẩm, vừa giúp rơm mau mục để ủ cho vườn cây ăn trái; nuôi ruồi làm phân hữu cơ; làm IMO (sử dụng vi sinh vật bản địa, loại chế phẩm sinh học được tạo ra từ các nguyên liệu có sẵn tại địa phương)…

HTX cũng đổ vốn lớn đầu tư công nghệ cao trong các khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến nông sản. Chị Huyền chia sẻ, HTX đầu tư các trại nuôi ruồi hiện đại để tạo ra sản lượng phân hữu cơ lớn, đảm bảo chất lượng. HTX đầu tư khá hoàn chỉnh hệ thống máy móc từ kho lạnh, máy sấy, máy nghiền để bảo quản và làm nhiều sản phẩm chế biến sâu. Hiện HTX đang giới thiệu ra thị trường một số sản phẩm chế biến từ trái chuối như: kẹo chuối, bánh chuối, bánh bao chay từ bột chuối, gạo tím, trà gạo tím…

* Làm nông nghiệp xanh

Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, HTX Tâm Minh Quang được thành lập với tiêu chí đem lại sức khỏe cho cộng đồng Việt qua việc góp sức tạo ra nguồn nông sản xanh, an toàn. Giá trị cốt lõi của Tâm Minh Quang gồm: Tâm là lấy tâm thiện lành làm gốc, luôn phấn đấu hành động vì sức khỏe và lợi ích cộng đồng; Minh là sự chính trực, minh bạch trong mọi hoạt động; Quang - ánh sáng là nguồn năng lượng duy trì mọi sự sống xanh trên trái đất.

Theo Giám đốc HTX Tâm Minh Quang Nguyễn Văn Dũng, định hướng của HTX là làm NNHC gắn với mô hình du lịch sinh thái. Đối tượng được chú trọng là học sinh, là lớp trẻ vì mô hình này không đơn thuần để kiếm tiền từ du khách, mà để gặp và trao cho người tiêu dùng thông điệp, là cầu nối với thực tế sản xuất để người tiêu dùng gần mình hơn.

“Chúng tôi hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững. TamECO mong trở thành tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có tâm và tầm. Đặc biệt, tôi muốn làm ra sản phẩm đúng nghĩa hữu cơ, có sản phẩm sạch cho người bị bệnh chữa bệnh bằng thực dưỡng, thực phẩm sạch” - ông Dũng nói.

Ngoài ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ tại trang trại, HTX còn quan tâm đến việc tạo dựng nền nông nghiệp bền vững qua việc đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân tại địa phương thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường trên cây lúa, rau, bưởi và cây ăn trái khác.

Ông Dũng cho biết, để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, cần xây dựng lộ trình thay đổi thói quen canh tác của nông dân, góp phần tạo dựng nền nông nghiệp bền vững đem lại sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng; từng bước trả lại dinh dưỡng cho đất, tái tạo lại hệ sinh thái tự nhiên.

Ông Dũng chỉ ra, điều kiện để làm NNHC hiện nay là cực kỳ khó vì môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm. Rồi sản xuất ra tiêu thụ như thế nào, phân phối ở đâu, đối tượng khách hàng là ai và ai sẽ chấp nhận và có niềm tin vào sản phẩm cũng là thách thức lớn với người chọn làm NNHC. Ông Dũng khẳng định: “Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin tuyệt đối vào hướng đầu tư này vì nhu cầu của con người là phải ăn và ai cũng muốn ăn sạch, an toàn cho sức khỏe. Nhu cầu về sản phẩm NNHC là rất lớn. Thị trường của tôi là 100 triệu dân Việt Nam. Đối tượng khách hàng của tôi là những ai quan tâm đến sức khỏe”.

Bình Nguyên/ Theo báo Đồng Nai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập91
  • Hôm nay17,951
  • Tháng hiện tại401,260
  • Tổng lượt truy cập11,765,695
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây