Bước 1: Xác định nhu cầu hợp tác
Các vấn đề cần được xác định:
– Đối tượng cần hợp tác.
– Điều kiện sản xuất kinh doanh, lợi thế và mối quan tâm của địa phương.
– Các thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của HTX.
Các vấn đề trên cần được phân tích, đánh giá nhằm định hướng phát triển cho HTX và giải quyết tốt hơn những vấn đề trong cộng đồng địa phương.
Bước 2 : Sáng lập và công tác vận động
Nhiệm vụ 1: Tìm sáng lập viên
Sáng lập viên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với HTX, là cá nhân, hộ gia đình hoặc pháp nhân khởi xướng việc thành lập HTX và tham gia HTX.
Sáng lập viên phải là người có ý tưởng hình thành việc hợp tác, có hiểu biết về Luật và tổ chức HTX, có nhiệt tình, uy tín, khả năng, hiểu biết về những vấn đề mà HTX dự định sản xuất kinh doanh dịch vụ, có khả năng đề xướng các chương trình và lập kế hoạch hoạt động của HTX.
Nhiệm vụ 2: Vận động và chuẩn bị
Sáng lập viên báo cáo bằng văn bản với UBND cấp xã nơi dự định đặt trụ sở chính của HTX về việc thành lập, địa điểm đóng trụ sở, phương hướng sản xuất, kinh doanh và kế hoạch hoạt động của HTX.
Sáng lập viên tiến hành tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân khác có nhu cầu tham gia HTX.
– Tài liệu tuyên truyền:
o Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã
o Nghị định số 107/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
o Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã
Nhiệm vụ 3: Xây dựng dự thảo Điều lệ HTX
Sáng lập viên xây dựng Điều lệ hợp tác xã theo quy định tại Điều 21 Luật Hợp tác xã năm 2012.
Nhiệm vụ 4: Xây dựng dự thảo phương hướng sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX
Nhiệm vụ 5: Xác lập danh sách những người có nhu cầu tham gia HTX
Nhiệm vụ 6: Lấy ý kiến đóng góp của dân (những người sẽ là thành viên) về dự thảo Điều lệ và Phương hướng sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX.
Nhiệm vụ 7: Họp bàn cơ cấu tổ chức HTX, đề cử các chức danh Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Trưởng Ban Kiểm soát hoặc kiểm soát viên.
– Hội đồng quản trị hợp tác xã: là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín.
o Hội đồng quản trị gồm chủ tịch và thành viên, số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.
o Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị do điều lệ quy định, nhưng tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.
– Giám đốc: là người điều hành hoạt động của hợp tác xã.
– Ban kiểm soát, kiểm soát viên: hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ.
o Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên theo thể thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát do đại hội thành viên quyết định nhưng không quá 07 người.
o Hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát. Đối với hợp tác xã có dưới 30 thành viên việc thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do điều lệ quy định.
o Trưởng ban kiểm soát do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số các thành viên ban kiểm soát; nhiệm kỳ của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị.
– Chuẩn bị báo cáo tuyên truyền và vận động thành lập HTX
Bước 3: Tổ chức Hội nghị thành lập HTX
Hội nghị thành lập HTX do sáng lập viên tổ chức.
Thành phần: sáng lập viên là cá nhân, người đại diện hợp pháp của sáng lập viên; người đại diện hợp pháp của hộ gia đình, pháp nhân và cá nhân khác có nguyện vọng gia nhập HTX.
Khách mời: đại diện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, huyện, đại diện sở, phòng, ban chức năng, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang…
Nội dung chính:
– Thông qua dự thảo Điều lệ (xây dựng theo Điều 21 Luật HTX năm 2012).
– Thông qua Phương án sản xuất kinh doanh (Phụ lục I-2 – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).
– Thông qua danh sách thành viên (Phụ lục I-3 – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).
– Bầu cử hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, trưởng ban kiểm soát (Phụ lục I-4 – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).
– Thông qua nghị quyết hội nghị thành lập HTX.
Bước 4: Đăng ký HTX
– Khi thành lập HTX, HTX gửi tới cơ quan đăng ký HTX nơi HTX dự định đặt trụ sở chính 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập HTX, gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký thành lập HTX theo mẫu quy định tại Phụ lục I-1;
– Điều lệ của HTX được xây dựng theo Điều 21 Luật HTX;
– Phương án sản xuất kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I-2;
– Danh sách thành viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I-3;
– Danh sách hội đồng quản trị, giám đốc, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I-4;
– Nghị quyết của hội nghị thành lập về những nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật HTX đã được biểu quyết thông qua.
HTX được cấp giấy chứng nhận đăng ký khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;
– Hồ sơ đăng ký theo quy định Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT.
– Tên của HTX được đặt theo quy định tại Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.
– Có trụ sở chính: là địa điểm giao dịch của HTX trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Người đại điện hợp pháp của HTX, liên hiệp HTX phải kê khai đầy đủ, trung thực và chính xác các nội dung quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã kê khai.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
HTX có tư cách pháp nhân, có quyền hoạt động theo nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký HTX kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, HTX được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.