Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, giảm 10% số hộ cận nghèo hàng năm.
Thực hiện vai trò đỡ đầu hộ nghèo
Theo đại diện Liên minh HTX Hà Nội, khu vực KTTT, HTX Hà Nội, mặc dù phải chịu những tác động không nhỏ trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường và quá trình đô thị hóa, nhưng nhiều HTX trên địa bàn đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đồng thời tìm cơ hội mới để phát triển.
Nhiều HTX đã đạt hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho thành viên người lao động. |
Từ đó đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đóng góp có hiệu quả vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Các HTX đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Một số HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường.
Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào GRDP mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Tiêu biểu như HTX Cuối Quý, HTX Hoa lan Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX Công nghệ cao Thăng Long; HTX Rau củ quả Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; HTX Sông Hồng, huyện Đông Anh; HTX Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm…
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá, để thực hiện chiến lược giảm nghèo nhanh, bền vững đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cần khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
“Cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình HTX trở thành kiểu mẫu nhằm tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX phát triển phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Ngoài ra, cũng cần tăng cường huy động nhiều nguồn lực khác nhau để phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong làm ăn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, khẳng định vai trò, vị thế của thành phần kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế của thủ đô”, bà Liên Hương cho hay.
Gương sáng trong chương trình giảm nghèo
Một trong những hoạt động hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo được các HTX triển khai hiệu quả nhất đó là tài chính.
Trong bối cảnh thành viên, người dân luôn có nhu cầu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, việc thành lập các tổ hợp tác, HTX tín dụng hay tổ chức các hoạt động tín dụng nội bộ trong các HTX nông nghiệp là giải pháp phù hợp nhất.
HTX có vai trò rất quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, đây còn là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững nhất. |
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Dịch Vụ Tổng Hợp Yên Duyên, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai chia sẻ, Trong các dịch vụ điểm của HTX, tín dụng nội bộ đang là dịch vụ hiệu quả nhất, mở ra những cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu cho thành viên.
Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, HTX giải ngân trên 5 tỷ đồng hỗ trợ vốn sản xuất cho thành viên và người dân trên địa bàn.
Từ những nguồn vốn hỗ trợ của HTX, thành viên, người dân trên địa bàn đã xây dựng được một mô hình vườn, ao, chuồng, hình thành các mô hình nông nghiệp chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng như một số mô hình chăn nuôi thủy sản theo công nghệ cao với quy mô lớn.
“Trước đây, khi chưa có tín dụng nội bộ thì thành viên phải cầm cố sổ đỏ để vay vốn từ các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn, thủ tục lại rườm rà, mất nhiều thời gian. Riêng những hộ cần nguồn vốn nhỏ, không có tài sản thế chấp thì không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vậy nên từ khi có tín dụng nội bộ, thành viên đã tìm đến vay vốn rất đông. Hiện nguồn vốn của HTX đã giúp nhiều thành viên có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn kịp thời để đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định cuộc sống thành viên, đặc biệt giúp nhiều hộ thành viên khôi phục được sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, ông Ngọc nói.
Ðể ổn định và phát triển sản xuất, nhiều hộ thành viên còn thường gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Ở đây, HTX có vai trò là cầu nối giữa kinh tế hộ và thị trường. Trong mấy năm gần đây, khi thị trường dịch vụ ở các địa phương hoạt động theo cơ chế mở, bản thân các HTX đã nỗ lực vươn lên làm tốt và hiệu quả hơn các lĩnh vực dịch vụ điện thắp sáng, thủy lợi, dịch vụ đầu vào, nước sạch...
HTX Nông nghiệp Phú Mãn, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, ngay từ ban đầu, HTX xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, HTX đã vận động bà con thành viên xây dựng bờ bao khép kín kết hợp xây dựng hệ thống giao thông kiên cố. Giúp cho hệ thống thủy lợi hiện nay được hoàn chỉnh, ổn định sản xuất. Hơn nữa, HTX còn góp vốn tổ chức các dịch vụ ngành nghề kinh doanh như nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả đồi… phục vụ hỗ trợ thành viên nâng cao thu nhập giải quyết việc làm tham gia xóa đói giảm nghèo.
Ông Quách Phúc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, ngoài thực hiện liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, HTX còn giúp bà con thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào như dịch vụ bơm tát tưới tiêu, dịch vụ thu hoạch, dịch vụ sấy, dịch vụ sản xuất giống để cung cấp lúa giống cho thành viên.
Bên cạnh đó, HTX còn vận động bà con cải tạo vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái và các loại hoa màu phụ ngắn ngày có giá trị kinh tế.
Minh Thành
Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc