Tính đến 31/12/2022, Nghệ An có 224.141,09 ha rừng trồng, trong đó trên 80% rừng trồng thuộc quyền quản lý của các hộ gia đình. Diện tích nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ gia đình có từ 2 - 3 ha đất rừng. Để mỗi gia đình tự xây dựng đề nghị cấp chứng chỉ là không thể do không đáp ứng được các tiêu chuẩn của các tổ chức cấp chứng chỉ đặt ra. Trong khi, nhu cầu về nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ rừng đang ngày càng cao và mang tính chất bắt buộc đối với thị trường thế giới. Để các sản phẩm từ gỗ xâm nhập được vào thị trường thế giới thì các sản phẩm đó bắt buộc phải được sản xuất từ nguyên liệu gỗ có một trong các loại chứng chỉ quản lý rừng như FSC, PEFC, VFSC. Nhận thức được điều này, Nghệ An đã có các chủ trương, chính sách để mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Theo đó Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 5/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An có trên 50.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng có chứng chỉ rừng chỉ gần 16.000 ha tương ứng đạt với 30% so với mục tiêu đề ra.
Dự án AIN 8748: “Quyết định Lâm nghiệp có cơ sở, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho chủ rừng quy mô nhỏ ở Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Phần Lan thông qua Cơ quan Nông nghiệp Phần Lan và Phát triển Lương thực và Lâm nghiệp (FFD) tài trợ với các mục tiêu: (i) Đảm bảo các hộ trồng rừng quy mô nhỏ có thể tiếp cận được dịch vụ tư vấn về rừng và quản lý mô trường; (ii) Đưa hợp tác xã và thành viên vào các chương trình cấp chứng chỉ rừng; (iii) tăng cường sự tham gia của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương vào chuỗi giá trị rừng. Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, từ ngày 24 – 25/10/2023, dự án đã tổ chức tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý rừng bền vững” tại Liên minh HTX tỉnh Nghệ An. Thành phần học viên của lớp tập huấn là cán bộ quản lý và thành viên của các hợp tác xã tham gia dự án.
Hình ảnh học viên tham gia lớp tập huấn tổ chức tại Liên minh hợp tác xã Nghệ An
Khóa tập huấn đã trang bị cho các học viên kiến thức về quản lý rừng bền vững; các bộ tiêu chuẩn của một số chứng chỉ rừng phổ biến hiện nay (FSC, PEFC, VFSC); mô hình chứng chỉ rừng; cấu trúc mô hình hợp tác xã; và lập kế hoạch quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC. Qua khóa tập huấn, các học viên đã hiểu được kiến thức cơ bản về quản lý rừng bền vững, nắm được bộ tiêu chuẩn của các chương trình chứng chỉ rừng, mô hình và cấu trúc nhóm tham gia vào chương trình cấp chứng chỉ rừng phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, các học viên có thể tham gia vào việc xây dựng kế hoạch quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của chương trình chứng chỉ rừng mà nhóm đặt ra.