Châu Bình vốn là một vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản, theo số liệu công bố trên trang web của Tổng hội địa chất Việt Nam, chất lượng đá Ruby ở đây thuộc loại đẹp nhất thế giới. Chính vì vậy, nhiều người từ các miền quê khác nhau đã ôm mộng đổi đời lao vào tìm kiếm, đào bới làm cho con người và nùi rừng của xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu trở nên tiêu điều xơ xác. Ngày nay, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đã được cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ; người dân đã ổn định tâm lý và trở lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, cái nghèo vẫn đeo bám nhiều hộ gia đình do nơi đây điều kiện khí hậu khắc nhiệt, nắng nóng và mưa lũ thường xuyên xảy ra.
Để góp phần hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại xã Châu Bình, ban chủ nhiệm dự án của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đi khảo sát lập phương án tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nhằm khai tác tối đa những tiềm năng lợi thế của địa phương. Trong đó, dự án đặt mục tiêu phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải rác ra môi trường. Để triển khai dự án, bước đầu Viện đã hỗ trợ cho 9 hộ nghèo với 4 con bò nái, 25 con dê nái để tổ chức chăn nuôi. Sau khoảng 6 tháng, đàn dê, bò đủ tuổi sinh sản sẽ cho ra thế hệ F1 và được nuôi làm gia súc thương phẩm. Trong suốt quá trình chăn nuôi, các hộ chăn nuôi sẽ được cán bộ dự án, cán bộ thú y của Hợp tác xã Bò sữa Châu Bình đồng hành, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nái bầu, nái đẻ và con non.
Ngoài ra, để có thức ăn cho đàn gia súc, ban chủ nhiệm dự án cũng hỗ trợ 4800 m2 giống cỏ voi cho các hộ nghèo giảm gánh nặng tài chính, giúp các hộ nghèo có đủ điều kiện tham gia sản xuất. Cùng với đó, các hộ nghèo cũng được hỗ trợ kỹ thật và chế phẩm vi sinh để xử lý mùi hôi cho chuồng trại chăn nuôi cũng như xử lý chất thải hữu cơ làm phâm bón tại chỗ giảm chi phí mua vật tư sản xuất và quay vòng nguyên liệu.
Có mặt tại lễ bàn giao, Ông Nguyễn Bá Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã Bò sữa Châu Bình cho biết: người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, do thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật sản xuất, sản phẩm không có đầu ra ổn định, sản phẩm sản xuất nhỏ lẻ thường bị thương lái ép giá. Để giúp cho bà con xã Châu Bình vươn lên lên thoát khỏi nạn đói nghèo đeo bám, Hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư, dịch vụ và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.
Kết thúc buổi bàn giao, Đại diện lãnh đạo Viện khoa học Công nghệ và môi trường, Đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, Giám đốc Hợp tác xã Bò Sữa Châu Bình cùng các hộ dân tham gia dự án đã cùng ký biên bản thỏa thuận về việc cung ứng vật tư con giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các hộ tham gia dự án.