HTX DV NN, TTCN HƯƠNG SƠN: Xây dựng liên kết chuỗi sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho thành viên

Chủ nhật - 18/10/2020 21:38 0
HTX dịch vụ nông nghiệp, TTCN Hương Sơn thành lập ngày 26/10/2009 gồm 11 thành viên tham gia với mong muốn cùng nhau liên kết làm ăn đưa lại lợi ích phát triển kinh tế hộ gia đình.
Qua hơn 10 năm hoạt động, đến nay đã có 45 thành viên tham gia, HTX ngày càng hoàn thiện, bổ sung vào bộ máy điều hành nhiều thành viên có năng lực, có trình độ, góp phần tạo nên nhiều việc làm cũng như thu nhập cho nhân dân huyện miền núi Kỳ Sơn và Tương Dương.
Trong quá trình xây dựng phát triển ở vùng miền núi biên giới, HTX gặp rất nhiều khó khăn, sau thành lập HTX đã mạnh dạn thử nghiệm nhiều hướng đi nhưng gặp nhiều thất bại như hợp đồng ươm giống cây lâm nghiệp, hợp đồng liên kết trồng sắn cho nhà máy Sắn Intimex, nguyên nhân là do trình độ quản lí của đội ngũ cán bộ HTX còn nhiều hạn chế nên các hoạt động đó chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Sau năm 2013, được sự hỗ trợ tư vấn của Liên minh HTX tỉnh đào tạo bồi dưỡng về quản lí điều hành HTX, bồi dưỡng về kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị cho đội ngũ cán bộ HTX, HTX đã từng bước chủ động tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tổ chức thành viên là các hộ đồng bào dân tộc H.Mông trên địa bàn tiến hành trồng gừng, tỏi với cách làm: hộ thành viên trồng gừng theo quy trình kỹ thuật của HTX hướng dẫn, HTX làm công tác tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ cho thành viên.

Mô hình trồng Gừng trâu của HTX
Với phương châm và cách làm đó, năm 2017 đến năm 2019 HTX đã hợp đồng tiêu thụ được trên 1500 tấn gừng củ cho thành viên và nông dân đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. HTX còn phối hợp các chuyên gia Nhật Bản thuộc nghiệp đoàn HTX nông nghiệp tỉnh Kagawa liên kết trồng tỏi Nhật Bản thuộc dự án Jaica. Phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn chuyển đổi giống Gừng Trâu vào trồng đại trà có năng suất cao và đáp ứng xuất khẩu. Đưa các chế phẩm sinh học, công nghệ enzim vào sản xuất nhằm cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng, hạn chế sâu, dịch bệnh hại.
            HTX đã chủ động, mạnh dạn thuê đất sản xuất, liên kết sản xuất và ký các hợp đồng tiêu thụ theo chuỗi được gần 30ha tại 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương; Chủ động xây dựng kho bãi tại vùng nguyên liệu, mua sắm thiết bị máy móc bảo quản sau thu hoạch; Xây dựng một số hệ thống cáp treo vận chuyển Gừng từ trên núi xuống và vật tư từ dưới lên; Thay đổi công nghệ rửa Gừng và phơi khô trước khi đóng hộp, cải tiến mẫu mã bao gói phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời phối hợp với chính quyền huyện Tương Dương, xã Nhôn Mai vận động các hộ tham gia thành viên liên kết với HTX để sản xuất và tiêu thụ Gừng cho thành viên và cho nông dân trên địa bàn
HTX cũng đã nỗ lực rất nhiều trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, với số lượng xuất kho khiêm tốn hàng ngàn tấn /năm. HTX liên kết với các Công ty xuất khẩu có uy tín xuất đi các nước ở khu vực Tây Á như Bangladesh, Quata, Barain, Nepan và một số quốc gia Châu Âu, Nhật Bản… như Công ty Cseco, Công ty Dragon Việt Nam; Công ty CP SX Đông Dương, Công ty Visimex, Công ty Jimex, Liên minh HTX Việt Nam; Viện ATTP và DD ở Hà Nội, Công ty than Vinacomin; công ty Hàng Xanh; Công ty Richmon… ở Thành phố Hồ Chí Minh và các công ty tại chợ đầu mối Thủ Đức Sài Gòn và tỉnh Bình Dương
Hiện nay, nhờ có sự quan tâm của các ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện; Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng chỉ “chỉ dẫn địa lý” cho sản phẩm Gừng củ thuộc về huyện Kỳ Sơn.  Đồng thời huyện tin tưởng giao cho HTX Hương Sơn được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Kỳ Sơn” cho sản phẩm Gừng củ. Từ chỗ bị động trên thị trường đầu vào và đầu ra của sản phẩm Gừng, đến nay HTX đã bắt đầu lấy lại thế cân bằng, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động là dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi. Có được kết quả đó là nhờ HTX được tổ chức và hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh trong công tác tư vấn hỗ trợ điều hành quản lí và tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất kinh doanh..
Mục tiêu sắp tới của HTX là phối hợp với các địa phương thành lập mới một số tổ hợp tác trồng Gừng làm vệ tinh cho HTX; Vận động thêm nhiều người sản xuất tham gia vào chuỗi liên kết; Tiếp tục đề xuất huyện tuyên truyền người sản xuất trồng Gừng củ to phục vụ xuất khẩu cả Gừng 6 tháng (gừng non) và Gừng đủ tuổi theo nhu cầu thị trường; Trang bị thêm nhiều máy móc công nghệ phục vụ cho việc xuất khẩu Gừng sấy thái lát và công nghệ bảo quản; Và đặc biệt là hướng tới trực tiếp xuất khẩu sản phẩm.
Do đó thời gian tới, HTX mong muốn các cấp các ngành tăng cường công tác tuyên tuyền về HTX kiểu mới, phổ biến các chính sách của Đảng và nhà nước về kinh tế tập thể HTX đến tận bà con đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa miền núi cao; Có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các HTX, thành viên HTX là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ, chuyển giao công nghệ máy móc, thiết bị sơ chế nông sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lí và kỹ thuật trồng trọt; và được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đưa đơn vị ngày càng lớn mạnh...

 

Tác giả bài viết: Phòng KTTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay10,818
  • Tháng hiện tại281,072
  • Tổng lượt truy cập15,002,130
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây