Theo thống kê, đến cuối năm 2021, cả nước đã thành lập 103 Liên hiệp HTX, trong đó có 79 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 24 liên hiệp HTX phi nông nghiệp, tăng 56 liên hiệp HTX (tương đương 119%) so với năm 2013.
“Ba cây chụm lại...”
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang hướng đến phát triển theo hướng hàng hóa nhưng bảo đảm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, phát triển các mô hình Liên hiệp HTX sẽ tạo ra sức mạnh trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản hàng hóa, giúp các HTX thành viên giảm bớt và khắc phục được những khó khăn khi sản xuất, kinh doanh đơn lẻ.
Tiêu biểu như Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình (Thái Bình) được thành lập gồm 5 thành viên: HTX nông nghiệp công nghệ hữu cơ Thái An, HTX chế biến bánh đa Quỳnh Côi, HTX nông dược Thái Giang, HTX rượu thảo dược Thái Bình và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng.
Từ khi thành lập đến nay, Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình đã xây dựng và đưa vào vận hành 1 nhà máy sản xuất trà thảo dược đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, 2 cơ sở nấu rượu thủ công và 1 cơ sở chế biến bánh đa; mở chuỗi cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Liên hiệp HTX đã tạo việc làm cho 300 lao động trực tiếp và hơn 1.200 lao động gián tiếp. Đi liền với đó là Liên hiệp HTX đã giúp địa phương hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn về dược liệu, lúa gạo… gắn liền với chế biến. Từ đó khẳng định giá trị của mô hình kinh tế tập thể trong quá trình liên kết, phát triển.
Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, Liên hiệp HTX chính là bước phát triển của các HTX. Đây là mô hình cao nhất của khu vực kinh tế tập thể, gồm: THT, HTX và Liên hiệp HTX. Liên hiệp HTX được mở rộng và phát triển tùy thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ quy mô địa phương đến vùng, có thể liên kết với những tập đoàn kinh tế lớn để hình thành các chuỗi giá trị bền vững. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên thị trường, mang lại thu nhập cho thành viên, người dân.
Đặc biệt, trên thực tế hiện nay, mỗi địa phương lại có nhiều HTX trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề nhưng khi liên kết với doanh nghiệp lại đặt ra khó khăn đó chính là không đủ nguyên liệu để cung cấp theo hợp đồng. Nhưng nếu các HTX trong cùng lĩnh vực này liên kết được với nhau sẽ tạo được sức mạnh về vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng được nhu cầu liên kết với doanh nghiệp.
Chẳng hạn như tại Hậu Giang hiện có hơn 100 HTX nông nghiệp, trong đó 50% HTX chuyên về trồng lúa nhưng diện tích lúa được ký hợp đồng với doanh nghiệp cũng rất khiêm tốn. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tính chung diện tích sản xuất lúa cả năm của Hậu Giang khoảng 208.000ha nhưng diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp chưa tới 12%.
Nhà kính phơi dược liệu của Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung (Long An) cho biết khi vào vụ thu hoạch, HTX không thể gom hết lượng lúa theo hợp đồng với các thành viên nên không đủ lượng hàng để cung cấp cho doanh nghiệp, nhất là tất cả diện tích trong cánh đồng lớn. Nếu liên kết được với các HTX cùng lĩnh vực, trên cùng địa bàn theo mô hình Liên hiệp HTX sẽ giúp giải quyết những khó khăn trên, đồng thời giúp mô hình sản xuất lúa gạo được triển khai theo hướng chuyên nghiệp.
Được đánh giá là mô hình phù hợp, thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển nhưng từ khi thành lập đến nay, ông Nguyễn Hoàng Ân, Giám đốc Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp Cà Mau (Cà Mau) cho rằng, khó khăn nhất của Liên hiệp HTX chính là thiếu vốn để đầu tư máy móc, phục vụ chế biến thủy sản theo hướng chuyên sâu. Bên cạnh đó, do sản xuất theo mùa vụ nên lượng hàng hóa cung ứng cho các đại lý, doanh nghiệp không được đều.
Quy định pháp lý còn bó buộc
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do hạn chế về trình độ quản lý cũng như sự liên kết giữa các cán bộ là thành viên Liên hiệp HTX còn chưa cao.
Ngoài ra, sự bó buộc về các quy định pháp luật cũng khiến hoạt động của các Liên hiệp HTX cũng không mấy dễ thở. Do việc pháp luật quy định vốn góp của các HTX thành viên trong Liên hiệp HTX được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ Liên hiệp HTX nhưng không quá 30% vốn điều lệ.
Theo các chuyên gia, quy định này được cơ quan quản lý đưa ra là nhằm bảo đảm cho nguồn vốn của Liên hiệp HTX vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều khi không may có một HTX thành viên xin ra khỏi Liên hiệp. Từ đó, Liên hiệp HTX vẫn có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh sau khi thiếu thành viên. Tuy nhiên, điều này này vô hình chung khiến Liên hiệp HTX khó huy động vốn của các thành viên để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các thành viên là doanh nghiệp, tập đoàn.
Ngoài ra, trong Nghị định số 193/2013/NĐ-CP còn quy định tổng mức đầu tư của việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp không được vượt quá 50% vốn điều lệ của Liên hiệp HTX được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất.
Việc vẫn còn những Liên hiệp HTX hoạt động chưa thực sự hiệu quả cần cơ quan quản lý nhìn nhận rõ xem nguyên nhân từ đâu để tháo gỡ kịp thời. |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, quy định như vậy cũng đồng nghĩa với việc không cho các Liên hiệp HTX mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài…
Cùng với đó, quy định “tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của Liên hiệp HTX cho khách hàng không là thành viên không được vượt quá 50% tổng giá trị cung ứng” tại Nghị định 93 cũng là điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của hầu hết các Liên hiệp HTX ở các lĩnh vực. Bởi khách hàng của các Liên hiệp hiện nay phần lớn là người tiêu dùng, tức là không phải thành viên góp vốn.
Trước những khó khăn của các Liên hiệp HTX hiện nay, các chuyên gia cho rằng ngoài sự chủ động của các Liên hiệp HTX trong việc nâng cao chất lượng quản lý, lập kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh thì các cơ quan quản lý cần nhanh chóng thay đổi, bổ sung một số quy định trong Luật HTX năm 2012 nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho các Liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
PGS. TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng các cơ quan quản lý có thể xem xét bỏ quy định chi tiết về tỷ lệ vốn góp của Liên hiệp HTX, thay vào đó, quy định cho đại hội thành viên Liên hiệp HTX tự quyết định mức tỷ lệ vốn góp tối đa, tối thiểu và được ghi trong Điều lệ. Hoặc có thể nâng mức tỷ lệ góp vốn điều lệ tối đa của thành viên đối với Liên hiệp HTX lên 40% và quy định tỷ lệ góp vốn tối thiểu của thành viên để vừa bảo đảm được nguồn vốn cho HTX, vừa để HTX không bị động khi thành viên rút vốn.
Bên cạnh đó, mô hình Liên hiệp HTX tuy phát triển ở các nước nhưng lại là mô hình kinh tế tập thể còn non trẻ ở Việt Nam. Chính vì vậy, các Liên hiệp HTX rất cần sự quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ hơn nữa của ngành liên quan để vươn lên phát triển.
Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc