Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Khai (Nghệ An), ông Nguyễn Hữu Tâm cho biết, HTX đang phục vụ thủy lợi cho 70ha nông nghiệp cho thành viên và người dân. Thế nhưng hệ thống máy bơm đã xuống cấp nên hoạt động yếu, quá trình bơm tưới nước rất khó khăn, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến mùa vụ.
Xập xệ, xuống cấp
Đi cùng với đó là mỗi năm, HTX phải bỏ ra 130 triệu đồng tiền điện. Trong khi các thành viên vận hành hệ thống máy bơm đều là “nông dân chính hiệu”, không có kỹ năng, kiến thức về vận hành máy móc nên khi xảy ra sự cố, hỏng hóc, HTX đều phải thuê người có chuyên môn về điện hoặc thủy lợi sửa chữa.
“Trạm bơm hiện không đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất cũng như chủ động tưới khi thời tiết hạn hán và tiêu úng khi gặp mưa lũ", ông Tâm nói.
Cũng giống như HTX Thanh Khai, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tân Trào (Hải Dương) cũng đang quản lý hệ thống máy bơm nhưng do đầu tư đã lâu năm nên máy móc cũ, thường xuyên hỏng hóc. Việc sửa chữa cũng theo kiểu chắp vá nên hiệu quả sử dụng không cao.
Không chỉ các máy bơm, trạm bơm mà hệ thống mương máng của không ít HTX quản lý cũng đang trong tình trạng “già cỗi” theo thời gian. HTX dịch vụ nông nghiệp Bích La (Quảng Trị) đang đảm bảo tưới tiêu cho 35 ha nhưng theo ban giám đốc HTX, hệ thống mương máng hiện đang xuống cấp. Quá trình cải tạo cũng chỉ được thực hiện theo kiểu thủ công bằng sức người nên việc tiêu, thoát nước chưa thực sự được bảo đảm.
Có thể thấy, ngoài nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thì hệ thống công trình thủy lợi còn góp phần quan trọng trong cắt giảm đỉnh lũ, hạn chế thiên tai, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương. Nhận thức rõ được vai trò của hệ thống thủy lợi nhưng khó khăn của các HTX dịch vụ nông nghiệp hiện nay chính là không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm, mương máng. Trong khi để đầu tư các hệ thống thủy lợi này, cần nguồn vốn tương đối lớn nên nhiều khi vượt khả năng của HTX.
|
Trạm bơm điện công nghệ 4.0 tại HTX Mỹ Đông là niềm khao khát của nhiều HTX hiện nay. |
“Hằng năm, HTX đều phải căn từng khoản thu để để sửa máy bơm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc HTX phải bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng mỗi năm nhưng do máy móc đã cũ, có sửa chữa thay thế cũng chỉ sử dụng được một thời gian nên nhiều khi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của thành viên và người dân”, ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc HTX Tân Trào nói.
Theo khảo sát, để đầu tư một trạm bơm, số tiền phải bỏ ra lên đến cả tỷ đồng. Đi kèm với đó là nguồn vốn đầu tư hệ thống phụ trợ như kênh mương, đê bao, đường giao thông, đường dây điện... Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận (Long An) cho biết, tổng nguồn kinh phí đầu tư đường giao thông, nhà xưởng, trạm bơm điện của HTX lên đến 6 tỷ đồng. Nhưng nếu để một mình HTX làm thì rất khó mà phải có sự hỗ trợ từ địa phương và dự án nước ngoài.
Ngoài ra, muốn được nhận hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ các dự án, các HTX nông nghiệp phải vượt qua được nhiều điều kiện như: phải có tổng diện tích sản xuất từ 500ha trở lên; có khu vực đặt trụ sở, nhà kho trên 3.000m2 và phải hoạt động hiệu quả...
Theo các chuyên gia, những điều kiện như vậy là bảo đảm tính chặt chẽ trong liên kết và vận hành cơ sở hạ tầng sau khi được hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, rất ít HTX dịch vụ nông nghiệp có thể vượt qua được những điều kiện này.
Chính sách chưa đi vào thực tiễn
Hiện nay, các HTX nông nghiệp dịch vụ chỉ có nguồn kinh phí duy trì từ thuỷ lợi phí. Tuy nhiên, nguồn kinh phí thường được thu thấp, thậm chí nhiều hộ cũng chậm nộp nên việc sửa chữa hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các HTX đều rất mong nhận được sự hỗ trợ từ địa phương, Nhà nước.
Thực tế, đầu tư trạm bơm, kênh mương là một trong những mục quan trong trong kết cấu hạ tầng của các HTX nông nghiệp. Và trong giai đoạn 2013-2021 đã có 46/63 tỉnh, thành có chính sách hỗ trợ HTX phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo Quyết định 2261/QĐ-TTg và Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT. Kinh phí hỗ trợ HTX cơ sở hạ tầng từ nhiều nguồn khác nhau như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai, một số dự án như Vinasat, QSEAP...
Tiêu biểu như HTX dịch vụ nông Mỹ Đông 2 (Đồng Tháp) đã đầu tư hệ thống hệ thống kênh mương, máy bơm điện theo công nghệ 4.0 hiện đại nhờ tận dụng được các nguồn vốn hỗ trợ. Điều này đã giúp thành viên nâng cao thu nhập, giảm giá thành sản xuất và giúp HTX quản lý tốt đồng ruộng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, khó khăn hiện nay chính là dù Nhà nước đã có chủ trương nhưng lại không có nguồn vốn riêng để hỗ trợ các HTX đầu tư cơ sở hạ tầng.
|
Hệ thống cảm biến quan trắc mực nước gắn với hệ thống trạm bơm của HTX Mỹ Đông. |
Chẳng hạn như Quyết định 2261/QĐ-TTg được ban hành từ năm 2014 nhưng không được bố trí kinh phí thực hiện. Và theo báo cáo từ các địa phương, mãi đến cuối năm 2017 mới có một số tỉnh, thành triển khai nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng cho HTX và lồng ghép từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Quyết định 1600-QĐ-TTg).
Chính vì lồng ghép các nguồn vốn nên các dự án về cơ sở hạ tầng mà HTX được hỗ trợ chủ yếu là nhỏ lẻ và hỗ trợ từng HTX gắn với quy mô cấp xã. Điều này làm hạn chế tiềm năng liên kết vùng miền, giảm quy mô và tính cạnh tranh của các công trình hỗ trợ cũng như hoạt động dịch vụ của các HTX.
Cụ thể là nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với từng xã nên các HTX nông nghiệp có trụ sở ở các phường, thị trấn không được đầu tư hỗ trợ hạ tầng. Trong khi đây là những vị trí thuận lợi để các HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm kết nối vùng nguyên liệu với doanh nghiệp, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến...
Còn theo các địa phương, hiện nay do chưa đồng bộ ở các văn bản nên một số tỉnh, thành chưa thể bố trí kinh phí để hỗ trợ HTX xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn như Quyết định 2261/QĐ-TTg và Công văn 3626/BKHĐT-HTX quy định hỗ trợ HTX nông nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn kinh phí Trung ương (chương trình xây dựng nông thôn mới). Điều này thiếu quy định cụ thể về sử dụng ngân sách địa phương đối với các tỉnh, thành phố tự chủ ngân sách ngân sách, không được ngân sách Trung ương cấp.
Chính vì vậy mà theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 2013-2021, thực hiện theo Quyết định 2261/QĐ-TTg, mới chỉ có 1.210 HTX nông nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng. Còn rất nhiều HTX đang phải hoạt động trong khó khăn vì cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ vì mong chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước.