Giải mã nguyên nhân HTX vẫn khó liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản

Thứ ba - 24/05/2022 04:54 0
Để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP) đã được triển khai. Nhưng đến nay, vẫn còn đó những HTX chịu “thiệt thòi” khi chưa nhận được hỗ trợ từ chính sách.
Sản xuất nông nghiệp thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Nếu người dân, HTX còn sản xuất tự phát, không liên kết trong sản xuất kinh doanh thì thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Giải pháp được đưa ra chính là người dân cùng nhau liên kết để tham gia HTX và HTX liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị.
Vẫn khó tiếp cận chính sách
Để hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, Nhà nước đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP nhằm hỗ trợ chi phí tư vấn liên kết, cơ sở hạ tầng, khuyến nông, giống, bao bì, nhãn mác…
Theo một số HTX, Nghị định 98 ra đời chính là động lực để các HTX đẩy mạnh đầu tư theo mô hình chuỗi giá trị. Đến nay, các tỉnh, thành đều có những mô hình, điển hình các HTX nông nghiệp thành công trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tiêu biểu như HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp xã Yên Bình (Vĩnh Phúc), nhờ nhận được hỗ trợ, HTX đã tham gia mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm gà thịt an toàn sinh học với doanh nghiệp. Tổng số đàn gà của các thành viên tham gia mô hình trên 3.000 con. Nhờ đó, đầu ra và đầu vào được bảo đảm, thành viên cũng yên tâm sản xuất.
Có thể thấy, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống. Chẳng hạn như ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ha lúa sản xuất liên kết theo cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10% - 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20% - 25%, thu lời thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha (theo Bộ NN&PTNT).
Tuy nhiên, bên cạnh những HTX đã nhận được hỗ trợ, không ít HTX vẫn khó khăn trong quá trình tiếp cận chính sách. Chẳng hạn như HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (Hà Nội) cũng chưa thể tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị định số 98. Nguyên nhân được đưa ra là hồ sơ để xin hỗ trợ còn rất phức tạp, các quy định chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thực tế địa phương.
 
Nếu có nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sẽ thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
Ví như việc, muốn nhận được hỗ trợ, các bên tham gia liên kết phải có dự án sản xuất phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường...
Theo ban giám đốc HTX An Phát, do tốc độ đô thị hóa tại địa phương diễn ra rất nhanh nên quỹ đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp bị điều chỉnh. Vì thế mà có những vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả như của HTX nhưng vẫn khó nhận được phê duyệt quy hoạch sản xuất…
Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (Đồng Nai), cũng cho biết “Đã có doanh nghiệp đến liên kết và cam kết bao tiêu quả bưởi VietGAP của HTX với giá hợp lý. Nhưng sau một thời gian, doanh nghiệp đã tự rút khỏi dự án. Chính vì vậy mà HTX không bảo đảm điều kiện về thời gian liên kết từ 3-5 năm, tùy từng đối tượng sản xuất và quả bưởi hiện nay vẫn chủ yếu tiêu thụ qua thương lái”, ông Trường tâm sự.
Tháo gỡ khó khăn
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, ngoài các tổ chức khoa học, các hộ nông dân, thì đến nay có 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. So với chính sách hỗ trợ vốn, giống và chính sách hỗ trợ chế biến thì chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn. Điển hình một số địa phương đã ban hành chính sách mới hoặc cụ thể hóa chính sách Nghị quyết 98 của Trung ương như: Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình, Tuyên Quang...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã tăng dần qua các năm nhưng số lượng vẫn còn nhỏ so với một đất nước coi nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực như Việt Nam.
Việc này ngoài do cơ quan chuyên môn ở một số tỉnh, thành chưa chủ động phối hợp và đồng hành với địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP thì còn đó một số địa phương chưa quan tâm, chưa hiểu hết tầm quan trọng của mối liên kết theo chuỗi giá trị nên chưa có đề xuất, tham mưu tốt trong công tác triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các bên tham gia liên kết phải đáp ứng điều kiện đảm bảo thời gian liên kết ổn định tối thiểu 3 năm (gồm lúa, rau sạch chuyên canh, nấm rơm sạch, sen, hoa kiểng, vịt, heo, cá tra giống, cá sặc rằn, cá điêu hồng, cá lóc) và 5 năm đối với các cây trồng, vật nuôi lâu năm như xoài, nhãn, cây có múi, bò.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông (Bộ NN&PTNT), cho rằng điều kiện về thời gian liên kết rất khó để thực hiện khi nhận thức của một số nông dân, thành viên HTX về liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, đồng thời chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đối với HTX, doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp khó khăn trong đầu tư vùng nguyên liệu vì thiếu nguồn đất từ địa phương, khó dồn điền đổi thửa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp còn vướng bởi Luật Đất đai…
Ngoài ra, các hợp đồng liên kết giữa người dân-HTX-doanh nghiệp vẫn còn thiếu bền vững, chưa có tính ràng buộc pháp lý. Các bên tham gia còn thiếu tin tưởng, chia sẻ với nhau, nhất là trong thời điểm giá cả thị trường có sự biến động. Và thực tế đã có không ít câu chuyện về sự đứt gãy của chuỗi liên kết khi doanh nghiệp lặng lẽ rút lui khỏi dự án đầu tư với người dân, HTX hoặc ngược lại, nông dân cũng vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng phá vỡ giao kèo, không thực hiện theo cam kết của hợp đồng.
Chia sẻ về điều này, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Đồng Nai) nói rằng, dù đã nhiều năm cố gắng nhưng đến nay, HTX vẫn chưa thực sự xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ vì giá nông sản hiện biến động quá lớn, khi thương lái trả cao hơn một chút, nông dân sẵn sàng bán ra bên ngoài khiến HTX khó đảm bảo về sản lượng khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Lê Đức Thịnh cho rằng việc triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cần được đẩy mạnh triển khai và thực hiện đầy đủ ở tất cả các tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố có thể đứng ra thuê đơn vị tư vấn để xây dựng khung dự án/kế hoạch liên kết chung cho các địa phương, đơn vị để đáp ứng được điều kiện: dự án tham gia liên kết phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tiết giảm chi phí, từ đó có tính lan tỏa cao hơn.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần xem xét điều chỉnh một số quy định để phù hợp với tình hình thực tế. Các địa phương cũng cần xác định được sản phẩm chủ lực, từ đó có những đầu tư thích đáng về đất đai, nguồn vốn từ đó thúc đẩy quá trình thực hiện liên kết của HTX, doanh nghiệp được hiệu quả, nhanh chóng.

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay18,686
  • Tháng hiện tại296,544
  • Tổng lượt truy cập15,017,602
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây