Sản phẩm dưa lưới của HTX NN Nghi Trung (Nghệ An)
Các hợp tác xã đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước.
Quy mô hợp tác các hợp tác xã cũng tăng lên, nhất là hợp tác xã trên 50 thành viên. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hợp tác xã dưới 50 thành viên đã có sự giảm khá từ 30% xuống còn 25%, thời gian tới sẽ giảm hợp tác xã nhỏ, tăng hợp tác xã quy mô lớn.
Theo ông Lê Đức Thịnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã thành lập mới 610 hợp tác xã nông nghiệp, giải thể 190 hợp tác xã, nâng tổng số lên 77 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và trên 18.760 hợp tác xã nông nghiệp.
Trong số hợp tác xã nông nghiệp trên có khoảng 60% được xếp loại khá, tốt; có trên 4.200 hợp tác xã thực hiện dịch vụ sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên và nông dân; trên 2.200 hợp tác xã đã liên kết đầu tư thành lập dự án, doanh nghiệp trực thuộc.
Bên cạnh việc phát triển các hợp tác xã, đến nay, cả nước có 19.667 trang trại; trong đó: 4.325 trang trại trồng trọt, 12.013 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.267 trang trại nuôi thủy sản, 3 trang trại sản xuất muối, 1.930 trang trại tổng hợp.
Số lượng trang trại giảm nhiều do các tỉnh rà soát đánh giá lại trang trại theo tiêu chí mới quy định của Thông tư số 02/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 quy định tiêu chí kinh tế trang trại.
Cùng với đó, số doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm là 677 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 14.895 doanh nghiệp, tăng hơn 9,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, trên cả nước đã phát triển mô hình chuỗi với 1.668 chuỗi, tăng 24 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021. Trong số các chuỗi này có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 hợp tác xã, một số tập đoàn lớn tham gia chuỗi như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà...
Đến nay, có trên 6.925 chuỗi liên kết nông nghiệp; huy động 293 tổ chức khoa học, 4.393 hợp tác xã, 777 tổ hợp tác, 1.910 doanh nghiệp và gần 700.000 hộ nông dân tham gia.
Về tổ chức sản xuất, ông Lê Đức Thịnh cho biết, một trong những giải pháp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo là phát triển vùng nguyên liệu theo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 với các sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, gỗ lớn rừng trồng, tôm.
Đây là giải pháp quản trị chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị, giảm giá thành, đặc biệt là đào tạo nông dân, cấp mã số vùng trồng… Hiện nay, đề án đã được triển khai, bắt đầu số hóa vùng nguyên liệu, đào tạo nghề…
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trong định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng quản lý hợp tác xã. Việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường chuyển đổi số cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; thí điểm xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án nâng cao vai trò vị thế của hợp tác xã trong các chuỗi giá trị và vùng nguyên liệu đạt chuẩn./.
Theo TTXVN