Giá xăng dầu tăng ở ngưỡng cao và vượt đỉnh nhiều năm qua đã khiến các HTX vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Nhiều chuyến xe đang ở trong tình trạng "chở gió" vì... không có khách.
Khó chồng khó
Ông Phan Hữu Khánh, Giám đốc HTX vận tải Đoàn Kết (Hà Nội), cho biết đối với lĩnh vực taxi, cứ 100km, xe taxi thông thường chạy tốn khoảng 7 lít xăng, giờ xăng tăng giá, hàng ngày mỗi thành viên HTX phải mất thêm vài chục ngàn đồng tiền chi phí nhiên liệu.
|
Xăng tăng liên tiếp những lần gần đây đồng nghĩa với việc HTX vận tải phải bỏ ra số tiền không nhỏ để duy trì mỗi chiếc xe. |
“Vận tải là ngành nghề chịu rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Cảnh xe để một chỗ hay thành viên sang nhượng, chuyển đổi ngành nghề không hiếm vì dịch bệnh kéo dài, giờ thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các HTX vận tải đẩy mạnh hoạt động trong tình hình mới vì chi phí xăng, dầu chiếm tới 30-40% chi phí hoạt động”, ông Khánh nói.
Ông Bùi Đức Huỳnh, Giám đốc HTX vận tải Cầu Mè (Hà Giang) cho biết, hiện vẫn đang trong thời kỳ dịch bệnh, HTX chỉ hoạt động được 40% số lượng phương tiện, doanh thu chỉ đạt 20-30% so với trước dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác.
“Dịch bệnh cùng với lượng xe cá nhân tăng nên lượng khách đi xe khách giảm sút. Ngành du lịch cũng mới bắt đầu khởi động nên dịch vụ đưa đón khách tham quan không nhiều. Trong khi giá xăng dầu lại tăng, số xe có hoạt động thì cũng rơi vào tình trạng càng chạy càng lỗ nặng”, ông Huỳnh chia sẻ.
Có thể thấy, giao thông vận tải là lĩnh vực chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19. Thế nhưng khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay lại càng khiến các HTX rơi vào khó khăn, thậm chí cạn kiệt nguồn lực vì đây là lĩnh vực phải đầu tư tiền tỷ nhưng thu tiền lẻ.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc HTX Vận tải Thăng Long, cho biết các đơn vị vận tải từ taxi đến hàng hóa, hành khách đều chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Giá xăng tăng cao ở mức kỷ lục gây ra những tác động lớn tới ngành vận tải, tác động trực tiếp đến chi phí kinh doanh, sản xuất của HTX, doanh nghiệp, đặc biệt trong khi những tác động của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đó.
Khảo sát thực tế tại các bến xe khách cho thấy, lưu lượng người, hàng hóa vận chuyển rất ít, nhiều nhà xe thuộc các HTX vận tải dù chạy các tuyến ngoại tỉnh hay nội tỉnh, nội thành đều không có khách hoặc chỉ một vài hành khách trên xe khi xuất bến, thậm chí nhiều tuyến các nhà xe phải hủy chuyến do không có khách.
Nhiều HTX dù đã túc tắc hoạt động trở lại nhưng các xe luôn trong tình trạng “chở gió”, "đói khách". Đặc biệt, việc giá xăng dầu tăng kỷ lục lần này như một "cú bồi" vào kết quả kinh doanh cũng như đời sống của thành viên, người lao động.
Khó tăng giá cước
Giá xăng dầu tăng, HTX vận tải muốn cân đối thu chi sẽ phải điều chỉnh giá cước vận tải mới phù hợp với đầu vào. Tuy nhiên, theo các HTX việc điều chỉnh giá cước cũng không dễ, do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng các phương tiện chở đông người. Cùng với đó, việc HTX phải tăng giá cước khiến lượng khách đã ít lại càng ít hơn.
“Người dân còn dè dặt với việc đi lại thì các HTX vận tải không thể tính đến việc tăng giá cước”, ông Phan Hữu Khánh cho biết.
Được biết, việc tăng giá vận chuyển phải theo lộ trình. Trước tiên là doanh nghiệp, HTX phải gửi đề xuất lên cơ quan quản lý giá địa phương, nếu được đồng thuận thì HTX sẽ thực hiện cài đặt lại đồng hồ tính cước, in lại giá vé… Tất nhiên, việc tăng giá cước cũng sẽ đi đôi với phản ứng của khách hàng.
Ông Bùi Đức Huỳnh cho biết thêm, những lần tăng giá xăng gần đây, giá cước của HTX vẫn không thay đổi. Bởi, tăng cước là vấn đề không đơn giản do sự cạnh tranh từ chính các doanh nghiệp, HTX vận tải. Khách hàng luôn chọn những xe có mức giá thấp hơn để di chuyển hoặc thuê chở hàng hóa. Riêng những HTX có xe chạy tuyến cố định cũng ngại điều chỉnh giá bởi mỗi lần thay đổi rất phức tạp vì tốn thời gian, chi phí…
Đặc biệt khi muốn cạnh tranh bình đẳng, nếu muốn tăng giá cước thì các HTX vận tải phải cùng ngồi lại với nhau, bàn tính tăng thế nào cho phù hợp, tránh trường hợp HTX này tăng nhưng HTX khác lại không tăng sẽ dẫn đến xung đột trong kinh doanh. Trường hợp điều chỉnh theo hướng tăng giá quá cao thì cũng bị cơ quan chức năng xem xét, có ý kiến điều chỉnh lại sao cho phù hợp.
Trước những khó khăn đang gặp phải, các HTX vận tải đều mong muốn các ngành chức năng xem xét giảm giá xăng, dầu nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển vì hiện dù có được hoạt động thì các HTX vẫn phải bù lỗ do lượng hàng hóa, khách đi lại giảm mạnh. Nếu tình hình dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài thì nhiều đơn vị vận tải sẽ phải tạm thời đóng cửa.
|
"Xe chở gió" là tình trạng chung của vận tải hành khách hiện nay. |
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết để hỗ trợ các HTX vận tải lúc này, Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện mức thu loại thuế này đang khá cao, từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ ít gây xáo trộn, tác động dây chuyền đến các lĩnh vực có liên quan.
“Nếu hỗ trợ bằng việc giảm thuế, phí thì cũng khó thực hiện vì sẽ tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực. Ví dụ nếu giảm mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ (phí BOT) sẽ liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng”, ông Quyền chia sẻ.
Trong lúc đợi giá xăng giảm, để tồn tại, nhiều HTX phải tự điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, chi phí. Có những HTX không có cách nào khác là phải tiết kiệm nhiên liệu bằng kiểu trả khách ở đâu thì đỗ luôn xe ở đó để đón khách, hạn chế chạy lòng vòng. Có những HTX phải tính toán và chỉ nhận những chuyến hợp đồng đường dài, bởi chạy đường ngắn chi phí nhiên liệu tốn hơn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp khắc phục khó khăn trước mắt và cũng là cảnh “cực chẳng đã”.