HTX cần thay đổi tư duy trong huy động vốn

Thứ hai - 15/08/2022 06:33 0
Nguồn vốn chính là "dòng máu" giúp các HTX hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, làm sao có thể huy động vốn từ một và nhiều nguồn khác nhau để đầu tư cho nông nghiệp thì việc đổi mới tư duy của HTX về các nguồn vốn cũng như cách tiếp cận vốn là điều hết sức cần thiết.

Mô hình HTX hoạt động trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong quá trình hoạt động, nguồn vốn của HTX có hạn bởi ảnh hưởng từ quy định góp vốn trong Luật HTX năm 2012. Ngoài ra, HTX cần phải huy động vốn từ các nguồn khác nhau để mở rộng quy mô, triển khai kế hoạch, ý tưởng…

Chưa định vị giá trị sản phẩm

Và ngay trong Thông tư 83/2015/TT-BTC đã có quy định: “HTX, Liên hiệp HTX được quyền huy động vốn theo quy định của pháp luật để phục vụ sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động…”.

Theo các chuyên gia, việc làm thế nào để có vốn cho sản xuất kinh doanh luôn là câu hỏi khó với nhiều HTX nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, khó khăn trong huy động vốn lại bắt đầu ngay ở tư duy, suy nghĩ của các thành viên HTX.

Nhiều HTX cho rằng, huy động vốn chính là huy động tiền mặt. Điều này, theo các chuyên gia, không sai nhưng chưa đủ. Bởi trên thực tế, HTX có thể huy động vốn bằng nhiều cách khác như tài sản, máy móc, nguồn nhân lực..., chứ không riêng là tiền mặt.

Chẳng hạn như nếu HTX không có nhân lực giỏi thì phải mất tiền thuê người tài về hỗ trợ. Nhưng nếu ai đó có thể góp vốn bằng chất xám thì sẽ giúp HTX bớt một khoản tiền, từ đó giảm gánh nặng về vốn.

Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất kinh doanh của mô hình kinh tế tập thể, nhiều HTX vẫn rất cần huy động vốn từ các tổ chức, vì điều này giúp HTX giải được bài toán thiếu vốn (đặc biệt là thiếu tiền mặt) và tạo "lá chắn thuế".

HTX thủ công mỹ nghệ Trung Kiên (Thanh Hóa) cho biết, việc vay vốn đúng và trúng sẽ đáp ứng được nhu cầu thiết thực và có thể giúp HTX nắm bắt được cơ hội để phát triển. Chẳng hạn như, các thành viên HTX nhìn thấy cơ hội xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ sẽ mang về lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm. Nhưng để làm được điều đó, HTX phải đầu tư máy móc lên đến 1 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn của HTX chỉ có 500 triệu đồng. Nếu không vay được vốn đầu tư máy móc, HTX sẽ mất cơ hội nhưng nếu ngược lại, cơ hội “làm giàu” sẽ đến với HTX.

lang-hoa-sa-dec-3-1660039958-5353-166003

Thay đổi tư duy sẽ giúp HTX dễ tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp.

 

Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, nếu HTX chỉ sử dụng vốn tự có thì việc phát triển sản xuất kinh doanh sẽ chậm hơn so với đi vay, vì vậy cần có các ngân hàng, các tổ chức tài chính... hỗ trợ về vốn cho các HTX.

Tuy nhiên, điều khó khăn mà các HTX hay gặp phải khi tiếp cận nguồn vốn hiện nay chính là chưa tạo được niềm tin đối với các đơn vị cho vay vốn. Để giải quyết điều này, TS Hoàng Sỹ Thính, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn các tổ chức tín dụng hay các tổ chức, doanh nghiệp… “chi tiền” hay góp tiền, tài sản cho HTX đầu tư thì chính các thành viên HTX cần phải trả lời được câu hỏi “tại sao các đơn vị này lại đưa vốn cho mình?”.

Thông thường, muốn huy động được vốn, HTX phải mang lại được những lợi ích khác nhau như có thể mang lại lợi nhuận kinh tế hoặc mang lại lợi ích xã hội hoặc cả hai. Chẳng hạn như các HTX phát triển các dự án về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, organic, nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp giảm phát thải nhà kính… sẽ dễ dàng huy động vốn hơn, vì đây là mô hình kinh doanh tiềm năng, mang lại nhiều lợi ích và giá trị cho cộng đồng.

Ngoài ra, HTX cũng cần xác định rõ sản phẩm mà các thành viên tập trung đầu tư sẽ mang lại những giá trị gì cho con người, xã hội. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, HTX sản xuất ra một quả dưa lưới, người trồng đã xác định quả dưa này không chỉ để ăn mà còn để... ngắm nên dưa được trồng bằng quy trình nghiêm ngặt (mát xa dưa bằng tay 2 tiếng) để tạo ra quả dưa đẹp không tì vết về hình dáng và còn có độ ngọt, thơm... vượt trội. Ngoài ra, các HTX ở Nhật còn khuếch trương sản phẩm ở các hội chợ một cách bài bản để nâng giá trị cho sản phẩm, từ đó thu hút và tạo niềm tin đối với các tổ chức cho vay vốn.

Đây chính là cách mà HTX ở Nhật định vị giá trị cho sản phẩm nên dễ dàng tạo được niềm tin, từ đó thu hút các nguồn vốn vào đầu tư. Nếu đối chiếu với các loại nông đặc sản ở Việt Nam hiện nay thì cho thấy sự chênh lệch lớn về cách sản xuất, kinh doanh. “Vì chưa chú trọng đến chất lượng, chưa xác định được giá trị cốt lõi của sản phẩm nên chưa có nhiều HTX huy động được các nguồn vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp”, TS Hoàng Sỹ Thính nói.

Đa dạng kênh tiếp cận vốn

TS Nguyễn Tân Lộc (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết, làm thế nào để có vốn cho sản xuất kinh doanh luôn là câu hỏi khó với các HTX nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, huy động vốn không phải là vấn đề quá khó, cái khó trước hết nằm ở khả năng hiểu về vốn, đặc tính của các nguồn vốn và những điều kiện để huy động vốn.

Chẳng hạn như nếu HTX không xác định tỷ lệ phần trăm rủi ro trong việc triển khai, mở rộng sản xuất ra sao và quản trị rủi ro đó thế nào thì rất khó huy động vốn. Bên cạnh đó, nếu HTX chưa trả lời được câu hỏi mình tạo ra được những giá trị gì sau khi được vay vốn thì cũng không nên vay vốn, vì tỷ lệ thất bại là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, để đạt được ý tưởng kinh doanh, HTX nên để ý đến các chính sách vốn mà tại địa phương đang có. Dễ dàng nhất là nguồn hỗ trợ HTX thành lập mới, đào tạo nhân lực; xúc tiến thương mại; hỗ trợ tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia...

Thế nhưng không dừng lại ở việc đợi các cơ quan chức năng ở địa phương phổ biến chính sách, mà HTX phải chủ động “thân” với cơ quan chuyên môn cơ quan quản lý địa phương. Ngoài ra, cần tìm hiểu các thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, Bộ NN&PTNT... để được hướng dẫn kịp thời.

“Thực tế đã có nhiều HTX đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ về vốn từ chính sách của Nhà nước nhưng do không chịu nắm bắt thông tin nên tuột mất cơ hội”, TS Nguyễn Tân Lộc nói.

Còn TS Hoàng Sỹ Thính cho rằng, HTX cần đa dạng các kênh huy động vốn. Ngoài các tổ chức tín dụng chính thống, HTX có thể tiếp cận các loại hình tín dụng bán chính thống như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, các dự án... hay các loại hình tín dụng phi chính thống như vay cá nhân, vào hội (hụi), gọi vốn cộng đồng... Thực tế nhiều HTX hiện nay thỏa mãn được "cơn khát" vốn là nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng phi chính thống và bán chính thống vì thủ tục nhanh gọn, đơn giản...

Ngoài ra, các HTX cũng cần thay đổi tư duy sản xuất để định vị lại giá trị nông sản và hơn hết là định vị lại chính mình, từ đó gia tăng niềm tin đối với các tổ chức cho vay vốn. Anh Lê Hữu Nhiệm, Phó Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm (Cà Mau) cho biết, để khẳng định niềm tin với các tổ chức cho vay vốn, ngoài thay đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, HTX còn tự bỏ tài chính ra để tham gia các hội chợ, đầu tư bao bì nhãn mác... “Nếu các HTX cùng cố gắng thực hiện điều này thì các ngân hàng sẽ có cách nhìn khác về kinh tế tập thể”, anh Nhiệm nói.

Tuy nhiên, để việc huy động vốn của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào nông nghiệp được thuận lợi hơn, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó có thể số hóa việc tiếp cận tín dụng đối với khối HTX. Ngoài ra, cần tổ chức các lớp học đào tạo cho giám đốc HTX nắm rõ về vấn đề tài chính, kế toán để xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể hơn nhằm tiếp cận nguồn vốn nhanh, hiệu quả hơn.

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay9,265
  • Tháng hiện tại261,227
  • Tổng lượt truy cập14,633,906
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây