Đối với Chương trình OCOP tỉnh Nghệ An xác định đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 3 năm thực hiện OCOP, đến nay tỉnh Nghệ An đã có 253 sản phẩm được công nhận đạt 03 sao trở lên trong đó có 249 sản phẩm mới và 04 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 03 của cả nước sau (Hà Nội và Quảng Ninh) và được bình chọn 1 trong 10 kết quả nổi bật năm 2021 của tỉnh, có được thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Kinh tế tập thể và HTX, trong 145 chủ thể tham gia đánh giá xếp hạng thì có 67 chủ thể là HTX (47) và tổ hợp tác (20) chiếm 46,2%% với 83 sản phẩm chiếm 33% sản phẩm toàn tỉnh, có 30 Dự án/Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn 8 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến 2021 là hơn 40 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia trong các Dự án/Kế hoạch liên kết là 8.656 hộ, tổng quy mô thực hiện liên kết là 2.844 ha. Ngoài ra các Hợp tác xã đã cùng nhau trao đổi thông tin, sáng kiến, cách làm hay, động viên nhau vượt khó, ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm của nhau… Nhờ đó mà đã có 8 HTX tham gia liên kết có sản phẩm OCOP gồm: HTX sản xuất cam sạch Tổng đội Thanh Đức; HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất & chế biến Chanh Nam Kim, HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, HTX Nông nghiệp Quyết Tiến gạo thảo dược Vĩnh Hòa; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh: HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Thanh Quỳ Hợp; HTX Công Nghệ cao Hậu Nguyên; HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp sạch Lĩnh Sơn…
Tuy nhiên, việc hợp tác liên kết sản xuất trong HTX còn một số hạn chế đó là: thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng HTX tham gia liên kết chưa nhiều chỉ có 30HTX/637HTX tham gia liên kết chiếm 0.04% và mới chỉ có 21,05% giá trị sản xuất nông nghiệp được sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết, bên cạnh đó việc góp đất, thuê đất để sản xuất, việc tiếp cận nguồn vốn, mối liên kết 4 nhà (nhà nông nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng) trong thời gian qua chưa thực sự chặt chẽ và chưa có sự phối hợp nhịp nhàng…
Để tiếp tục phát huy vai trò của HTX trong liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm (OCOP) trong thời gian tới thiết nghĩ: Cần phải nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò của HTX trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nói chung sản phẩm OCOP nói riêng, phải chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị; Đẩy mạnh các hình thức liên kết trong và ngoài theo chuổi giá trị; Đẩy mạnh chuyển đổi số xây dựng nền tảng số cho khu vực Kinh tế tập thể, HTX. Phục vụ kết nối, quản lý, điều hành thông suốt hệ thống hành chính của HTX, cung cấp và chia sẻ thông tin kịp thời về pháp luật, thị trường, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các thành viên của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Xây dựng môi trường chia sẻ và tổng hợp dữ liệu, kết nối cung- cầu, các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… Tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị để tham gia chương trình OCOP; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Từ kinh nghiệm liên kết sản xuất của HTX trong hơn 03 năm qua tin rằng trong thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi phương diện để ngày càng có nhiều sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP và được khẳng định trên thị trường./.
Sở Công Thương NA