Phát huy hiệu quả mô hình HTX, giữ gìn nghề truyền thống trên địa bàn huyện Diễn Châu

Thứ năm - 20/05/2021 02:49 0
Với sự đổi mới, năng động trong việc điều hành, các Hợp tác xã (HTX) đã hoạt động hiệu quả, giúp nông dân áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới, bên cạnh đó còn giữ gìn các nghề truyền thống.
Đầu năm 2019, HTX Tâm Tài Phát được thành lập với sự tâm huyết của một số cựu chiến binh trên địa bàn với mong muốn mang lại sự đổi thay cho nông nghiệp trên địa bàn xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Ngay khi vào hoạt động, HTX đã đầu tư nhiều loại máy móc như: Máy cày, máy lên luống, máy gieo mạ, máy cấy, máy bay, bơm thuốc sâu tự động, máy gặt… với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng để phục vụ toàn bộ các khâu làm nông nghiệp trên địa bàn.
Cũng kể từ đó, người nông dân trên địa bàn xã Diễn Nguyên đều cảm nhận được những thay đổi đáng kể trên đồng ruộng. Các khâu làm ruộng từ bắc mạ, gieo cấy, phòng trừ dịch bệnh đến thu hoạch đều được cơ giới hóa. Ngoài ra bà con còn được thu mua lúa tươi tại ruộng sau mỗi vụ thu hoạch. Vụ đông đã được phát triển diện tích với đa dạng cây trồng như hành tăm, ớt, tỏi, rau màu...
 
http://vca.org.vn/upload/images/trang%202020/11.12.2.jpg
HTX Tâm Tài Phát đầu tư máy móc, phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Phan Huy Ngọc (trú xóm 1, xã Diễn Nguyên) cho biết: HTX họ nhận cấy cày hoàn chỉnh rồi bàn giao lại ruộng cho mình. Khi lúa có sâu bệnh thì HTX đưa máy bay về phun thuốc, không phải bơm thủ công như trước đây. Khi thu hoạch, họ lại thu mua lúa tươi luôn. Khi chưa có HTX thì xã nhiều diện tích đồng ruộng trên địa bàn bị bỏ hoang, còn đến nay thì ko có nữa.
Với sự năng động, đổi mới trong hoạt động, mở rộng địa bàn phục vụ, tạo điều kiện về phân bón, liên kết thu mua nông sản cho nông dân nên từ khi thành lập đến nay, đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Liễu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tâm Tài Phát (xã Diễn Nguyên) chia sẻ: Chúng tôi liên kết với một số hộ thực sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp xã nhà, hợp tác lại để xây dựng HTX kiểu mới. Ai có vốn thì góp vốn, ai không có vốn thì có thể góp ruộng đất thì cũng được chia lợi nhuận như các thành viên góp vốn. Cố gắng ai bỏ ruộng chúng tôi tích tụ lại, làm cánh đồng lớn, vùng chuyên canh.
Giữ gìn nghề truyền thống
Là nghề truyền thống đã hàng trăm năm nhưng có thời điểm, người trồng dâu nuôi tằm ở Diễn Kim (huyện Diễn Châu) chỉ đếm trên đầu ngón tay, có nguy cơ mai một.
Do chất lượng kén làm ra thấp nên không tiêu thụ được, năm 2017 HTX ra đời đã tập hợp được 120 hộ làm nghề khôi phục sản xuất. Đổi mới cách nuôi tằm từ truyền thống sang nghề tằm đan, tằm tự dệt thảm đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu.
HTX cũng hỗ trợ để các hộ nuôi đầu tư máy ươm tơ, lắp đặt điều hòa, đảm bảo nuôi tằm được cả mùa lạnh và mùa nắng. Với đầu ra ổn định, các thành viên HTX có mức thu nhập trung bình 100 triệu đồng/hộ/năm nên bà con yên tâm gắn bó với nghề.
 
 
http://vca.org.vn/upload/images/trang%202020/11.12.3.jpg
Với nhiều cách làm sáng tạo, HTX đã giúp nghề tơ tằm ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (Nghệ An) được khôi phục và phát triền bền vững.

Ông Phạm Đăng Quang, người làm nghề xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim chia sẻ: Nghề truyền thống trước ngày càng mai một nhưng nay khởi sắc lại. Hai năm nay là phát triển, con tằm hắn tốt hơn mà đầu ra thì HTX thu mua kén tơ, củng cố về máy móc, phát phân bón cho dân nên bà con ngày càng mở rộng sản xuất.
“Việc đổi mới cách nuôi tằm của bà con xã viên là hướng đi đúng đắn, đáp ứng được tiêu chí của sản phẩm, đáp ứng được thị trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những hỗ trợ về chính sách để thúc đẩy HTX ngày một phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim ông Phạm Xuân Bang cho biết.
Trong 3 năm qua, trên địa bàn huyện Diễn Châu đã thành lập mới thêm 9 HTX với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng các khâu cơ bản của dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tham gia dồn điền đổi thửa, kinh doanh tổng hợp, sản xuất nông sản sạch gắn với chuỗi giá trị, giữ gìn phát huy nghề truyền thống...
Tuy mới ra đời nhưng các HTX đều phát huy được hiệu quả, tăng được hơn 1.200 thành viên với số vốn điều lệ hơn 10 tỷ đồng. Địa phương này cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ cho các HTX về cơ sở vật chất ban đầu, hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất...
Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT Diễn Châu cho biết: HTX mới ra đời tạo ra được một số dịch vụ rất tốt cho xã hội. Những HTX mới này hoạt động theo chuyên canh, chuyên sâu vào 1-2 dịch vụ thiết yếu nhất mà xã hội đang cần. UBND huyện đã có những hỗ trợ, tư vấn cách thức ra mắt HTX, nguyên tắc, điều lệ HTX, một số nội dung để cho ban giám đốc HTX đó hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.
“Sự ra đời của các HTX từ liên kết của những người dân đã tạo sức bật mới và đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét, nâng cao đời sống cho nhân dân, làm nên bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”, ông Hiếu cho hay.

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập79
  • Hôm nay9,838
  • Tháng hiện tại311,828
  • Tổng lượt truy cập15,452,945
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây