Quang cảnh buổi Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp trong mùa dịch Covid-19” do Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức
Phóng viên: Xin ông cho biết một số đánh giá cụ thể về những khó khăn của các hợp tác xã phải đối phó trong mùa dịch Covid-19 hiện nay?
Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường: Từ thực tế đặt ra thì tôi thấy các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã có một số khó khăn đang gặp phải chính là công tác tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm sản xuất ra, đang bị ùn ứ, không tiêu thụ được, phải lưu kho, thuê bãi thời gian dài, chi phí lớn, giá bán lại thấp dẫn đến hiệu quả không cao. Từ đó khó khăn đến công tác tài chính. Cùng với đó là những khó khăn trong khâu logistics, bảo quản kho lạnh. Đây là nhiệm vụ cấp bách với cả hệ thống chính trị. Đặc biệt phải phát huy được vai trò của các tổ chức đại diện cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, chính là hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phải vào cuộc.
Phóng viên: Các biện pháp hiện nay trong mùa dịch như kêu gọi giải cứu hay hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, cho hợp tác xã không phải là giải pháp lâu dài. Vậy chúng ta cần có những giải pháp nào căn cơ ổn định hơn trong thời gian tới, thưa Ông?
Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay thì giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho bà con hiện nay chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Tôi mong muốn chúng ta tìm ra được giải pháp hết sức căn cơ và lâu dài để tình trạng ùn ứ nông sản cùng như việc giải cứu nông sản không xảy ra trong thực tiễn.
Thứ nhất, theo tôi để làm được điều đó phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, cho đến cơ sở. Thứ hai, phải có hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, hoàn thiện cùng với đó là nguồn lực để bố trí tương xứng với các chính sách để tổ chức thực hiện cho khả thi trong thực tiễn. Đây là một thực tế chúng tôi đã chứng mình trong thời gian vừa qua, đó là nhiều cơ chế chính sách nhưng nguồn lực chưa bố trí tương xứng, do đó triển khai chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thứ ba, đó là tập trung giải quyết tốt mối liên kết giữa các nhà với nhau trong quá trình sản xuất. Đó là Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, hợp tác xã và bà con nông dân trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia quá trình này. Một vấn đề nữa theo tôi cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng đó là giải quyết tốt mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thị sản phẩm. Cùng với đó là giải quyết tốt công tác dự báo thị trường.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa thì yếu tố thị trường là hết sức quan trọng, chúng ta phải tôn trọng và tuân theo những quy luật kinh tế thị trường, đó là quan hệ cung cầu, quan hệ hệ giá cả xoay quanh giá trị. Để làm sao sản xuất phải xuất phát từ thị trường, thị trường là yếu tố quyết định đến sản xuất, có thị trường thì với có sản xuất. Theo tôi thì yếu tố thị trường là yếu tố quyết định nhất. Muốn thế, Nhà nước phải vào cuộc, các hiệp hội ngành hàng, các cấp các ngành phải vào cuộc và làm tốt công tác dự báo thị trường cho nông sản trong nước, ngoài nước cả ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. Trên cơ sở đó, thì với có cơ sở để quy hoạch các vùng sản xuất, tạo hệ sinh thái trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng của từng khu vực, từng vùng cho phù hợp. Có quy hoạch tốt thì với tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh. Có quy hoạch tốt rồi thì phải tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu thị trường. Thị trường mỗi nước, mỗi nơi khác nhau cho nên các hợp tác xã nắm chắc nguyên lý chung, thị hiếu, yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện đối với mỗi loại sản phẩm khác nhau, trên cơ sở đó sản xuất cho đúng, cho trúng.
Còn một yếu tố nữa theo tôi là hết sức quan trọng đó là giải quyết, xóa bỏ được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ manh mún hiện nay. Không còn con đường nào khác là phải phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là nơi phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể của nhiều người của nhiều nông hộ thông qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng như hiện nay. Để làm sao nông nghiệp phát triển, phát huy được tiềm năng thế mạnh của đất nước Việt Nam chúng ta bởi hiện nay nông nghiệp vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng và có khoảng 60 -70% dân cư sống ở đó.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã trong mùa dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Thu hoạch vải thiều ở Bắc giang (TTXVN)
Phóng viên: Những vướng mắc cần giải quyết để nông sản có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh Covid19 hiện nay là gì thưa Ông?
Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường: Nhận thức được những khó khăn đó, với vai trò là cơ quan đại diện, bảo vệ lợi ích cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian qua chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cũng như toàn hệ thống phát huy sức mạnh tập thể và đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ cho các hợp tác xã cũng như thành viên hợp tác xã.
Thứ nhất, đó là khó khăn về tài chính, chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống quỹ hỗ trợ hợp tác xã từ trung ương đến địa phương áp sát cơ sở, nắm bắt rõ các khó khăn, vướng mắc từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhu cầu vay vốn cho các hợp tác xã trên địa bàn cả nước. Đối với những hợp tác xã đã vay vốn, gặp khó khăn về tài chính thì có giải pháp để cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng như giãn nợ, hoặc giảm lãi, tùy tình hình thực tế của các hợp tác xã cũng như khả năng của các quỹ hỗ trợ.
Thứ hai, chúng tôi chỉ đạo Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tìm kiếm các đối tác là doanh nghiệp lớn, xuất khẩu, tập đoàn, hệ thống bán lẻ lớn để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nông dân. Chúng tôi cũng phối hợp với các Liên minh hợp tác xã trên cả nước mở nhiều điểm bán hàng để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid 19. Đồng thời hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số cho các hợp tác xã để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số. Cùng với đó chúng tôi cũng chỉ đạo Liên minh hợp tác xã các tỉnh thành phố nắm sát khó khăn vướng mắc của các hợp tác xã thành viên để kịp thời đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ. Chúng tôi cũng tổng hợp toàn bộ khó khăn của hợp tác xã trên cả nước để báo cáo với Chính phủ, đồng thời đề xuất các giải pháp để Chính phủ có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã trong thời gian tới.
Phóng viên: Ông có mong muốn gì từ chính sách để cho các hợp tác xã nông nghiệp ngày một phát triển, để người nông dân không còn lao đao vì nông sản rớt giá thảm, đặc biệt trong dịch Covid 19 hiện nay?
Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường: Trên thế giới hiện nay có thể khẳng định phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã là xu thế phổ biến không chỉ ở những nước phát triền mà còn ở những nước đang phát triển. Nó phù hợp với kinh tế bao trùm và kinh tế chia sẻ.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Việt Nam cũng có vai trò và đóng góp hết sức quan trọng với phát triển kinh tế xã hội, và là một nhân tố đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế tập thể, hợp tác xã tại nước ta trong những năm vừa qua đã có những bươc phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Theo tôi, cần phải có chính sách riêng cho hợp tác xã nông nghiệp ngoài chính sách chung cho hợp tác xã đang có. Chính sách này phải thể hiện sự ưu đãi hơn trên các phương diện như hỗ trợ về mặt đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề, kỹ thuật cho các thành viên hợp tác xã cũng như ưu đãi về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở cả trong và ngoài nước. Cùng với đó cần có chính sách về tuyên truyền, thuế, đất đai,… để có thể phát huy thế mạnh từng vùng.
Trong bối cảnh nước ta, tôi mong muốn, kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian tới sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, quan tâm kỳ vọng của các cấp, các ngành. Để đạt được điều đó cần rất nhiều yếu tố phải làm. Một trong yếu tố hết sức quan trọng đó là phải có một hệ thống chính sách đầy đủ, toàn diện, đồng bộ và có nguồn lực tương xứng để đảm bảo chính sách đó đi vào thực tiễn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông
Lê Huy (ghi)