HTX thích ứng để phát triển bền vững

Thứ ba - 18/01/2022 21:09 0
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các HTX vẫn chủ động trong sản xuất, từ đó tạo niềm tin cho người dân và thành viên về mô hình kinh tế tập thể. Tuy nhiên, để HTX cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế thuận lợi, việc đồng hành cùng mô hình này sẽ là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị ở nhiều ngành hàng trên cả nước.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam lần thứ tư, tổ chức ngày 10/1, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, nhờ linh hoạt trong sản xuất, chủ động chuyển đổi số, không ít HTX đã vươn lên, góp phần hạn chế đứt gãy chuỗi giá trị hàng hóa. Đặc biệt, các thành viên và người lao động trong khu vực KTTT, HTX đã phát huy hiệu quả, tối đa công suất sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chuyển hướng linh hoạt
Tiêu biểu là các HTX nông nghiệp đã chủ động điều chỉnh định hướng sản xuất gắn sản lượng phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, nhờ thực hiện việc duy trì sản xuất kết hợp cung ứng tiêu thụ nội vùng, các HTX đã cung cấp 81,1% tổng lượng lương thực, thực phẩm cho vùng giãn cách xã hội, vùng cách ly, vùng ổn định, vùng có nhu cầu cứu trợ, vùng sâu, vùng xa.
Một số HTX (17-22,8%) đã kịp thời trong chuyển đổi phương thức tiêu thụ sản phẩm tập trung, đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ sản phẩm (OCOP, hữu cơ, GlobalGap,...).
Các HTX cũng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua phương thức thương mại điện tử (Facebook, Zalo, fanpage, group, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart,... ). Có HTX chủ động xây dựng hoặc tham gia các trang bán hàng điện tử của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, giúp ổn định doanh thu và thu nhập đối với thành viên HTX.
 
HTX 3T nông sản Cao Phong mong muốn tiếp tục nhận được các hỗ trợ về máy móc đề đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm từ cam.
Nhờ đó, một số HTX nông nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, một số HTX thu tăng 5-24,8% (do tăng sản lượng, giá sản phẩm, nhu cầu thiết yếu) như HTX Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh), HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội). HTX Trường Anh, (Cao Bằng)…
Chia sẻ về hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, bà Vũ Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, nhờ đẩy mạnh bán hàng bằng nhiều kênh kết hợp bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX đã vượt qua khó khăn, đưa sản phẩm ra thị trường nhiều hơn so với năm 2020.
Không chỉ các HTX nông nghiệp, các HTX phi nông nghiệp cũng kết hợp với HTX nông nghiệp trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, phục vụ nhu cầu thiết yếu, kết hợp sản xuất kinh doanh truyền thống để thích ứng với thị trường, hạn chế đứt gãy chuỗi giá trị cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, cho biết tổng kết năm 2021, HTX hoàn thành 98% kế hoạch đặt ra, cao hơn năm 2020 là 5%. Ngoài ra, HTX còn đóng thuế gần 4 tỷ đồng, hạ thủy 6 sà lan mới, sửa chữa trên 60 sà lan.
Có được những kết quả trên, ngoài sự chủ động của HTX, nhờ sự vào cuộc của Liên minh HTX Việt Nam, một số chính sách của Nhà nước đã bắt đầu có hiệu lực và được triển khai. Tiêu biểu như Nghị quyết số 105/NĐ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 97/NQ-CP, Nghị quyết số 89/NQ-CP; Nghị định số 45/2021/NĐ-CP...
Nhiều HTX được tiếp cận chính sách, vay vốn tín dụng (Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và địa phương, Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch Covid-19,...
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện có 16.500 HTX được tư vấn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, 2.700 HTX được miễn lệ phí môn bài, 1.200 HTX được gia hạn nộp thuế, 20 HTX được giảm thuế nhập khẩu, 5.000 HTX được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ hưu trí và tử tuất, 100% HTX được hỗ trợ chi phí tiền điện,...
Vô vàn khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực KTTT, HTX năm qua bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. Cụ thể là hơn 41,6% HTX giảm doanh thu và lợi nhuận; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm hơn 42,8% tổng số lao động.
Đặc biệt, sản lượng lương thực, thực phẩm và nông sản khác do THT, HTX, Liên hiệp HTX sản xuất bị tồn đọng và khó tiêu thụ. Trong đó, sản lượng tồn đọng của HTX, THT sản xuất chiếm khoảng 30% - 70% đối với các loại nông sản.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng tiêu dùng, chế biến trong nước và xuất khẩu. Các HTX, THT thiếu nhân lực và thời gian thu hoạch các nông sản do giãn cách xã hội; các dịch vụ logistics phần lớn bị hạn chế.

 

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay16,903
  • Tháng hiện tại287,157
  • Tổng lượt truy cập15,008,215
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây