Theo thống kê, đến nay, cả nước có 1.168 HTX vận tải (đường bộ có 949 HTX, hàng hải có 7 HTX, đường thủy nội địa có 212 HTX). Tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, nhưng để tồn tại và hỗ trợ người dân và thành viên, các HTX vận tải đang căng mình tìm cho mình những hướng đi khác nhau như chuyển đổi từ vận chuyển hành khách sang vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ vận chuyển nông sản vào vùng dịch, chở người bệnh… thay vì để xe một chỗ.
Khó chồng khó
Gần đây, Sở Y tế TP. HCM đã cho phép sử dụng xe buýt của HTX Vận tải 19-5 (TP. HCM) để vận chuyển người bệnh Covid-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ từ khu cách ly về bệnh viện chuyên điều trị Covid-19. Đồng thời, chở người bệnh xuất viện từ bệnh viện điều trị Covid-19 về trung tâm y tế và các tình huống chống dịch Covid-19 khác khi cần thiết.
Để bảo đảm hoạt động, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ kết hợp với HTX 19-5 thực hiện hợp đồng thuê xe vận chuyển người bệnh, đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác phòng, chống dịch đảm bảo an toàn hiệu quả tại TP HCM. Theo Ban giám đốc HTX 19-5, việc chuyển đổi này của HTX nhằm giảm bớt những khó khăn triền miên trong 2 năm qua cho các thành viên. Tuy nhiên, theo quy định, thành viên HTX là các lái xe lại không nằm trong danh sách ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19.
|
Lái xe là nghề phải tiếp xúc với nhiều người và di chuyển nhiều địa điểm nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. |
Tương tự, HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) đang có 348 tàu thuyền, sà lan, 16 xe ben, 4 cần cẩu dây, 8 máy đào đất, 6 máy đóng cọc. Hiện, HTX đang tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa nông sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhưng điều lo lắng của Ban giám đốc HTX là hơn 1.200 lao động (lái xe, người bốc xếp hàng hóa…) vẫn chưa được tiêm phòng vaccine Covid-19.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Rạch Gầm, Chủ tịch Hội vận tải thuỷ nội địa Việt Nam cho rằng vận tải là khâu không thể tách rời trong chuỗi logistics phục vụ đời sống nhân dân thường ngày mà trước tiên phục vụ người đang ở tuyến đầu chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy trong và sau dịch bệnh. Do đó, cần tập trung các biện pháp phòng chống cho lực lượng này không bị nhiễm, ít bị nhiễm và không lây lan phát tán ra xã hội khi không may bị nhiễm.
“Chúng tôi đã làm việc với rất nhiều ban ngành nhưng nỗi lo vẫn rình rập vì thành viên có thể mắc Covid-19 bất cứ lúc nào. Trong khi, chỉ cần HTX buông tay một chút thôi thì chắc chắn chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ bị đứt gãy”, ông Đỗ Trần Liêm, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Rạch Gầm cho biết.
Không chỉ gặp rủi ro lây nhiễm dịch bệnh, các HTX vận tải còn phải chịu nhiều áp lực vì gia tăng chi phí sản xuất. Để đủ điều kiện đi lại, lái xe của HTX vận tải buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Nếu test nhanh, chi phí dao động từ 280-350 nghìn đồng/lần, còn kiểm tra bằng biện pháp PCR, chi phí là khoảng 700 nghìn đồng/lần. Trong khi đó, giá trị giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 theo hình thức test nhanh chỉ có thời hạn trong vòng 72 giờ.
Ông Lý Văn Hòa, Giám đốc HTX vận tải Trường Thịnh (An Giang) cho biết, mặc dù đã có thẻ nhận dạng phương tiện luồng xanh nhưng nếu thực hiện test nhanh với những xe đi theo tuyến Bắc- Nam nhiều khi không kịp quay đầu thì giấy chứng nhận Covid-19 đã hết hạn. Từ đó, lái xe vẫn bị cách ly tại các trạm.
Hiện hoạt động sản xuất, doanh thu của HTX vận tải đang bị thu hẹp. Dịch vụ vận tải hành khách sụt giảm sâu đến 80-90%, dịch vụ vận tải hàng hóa giảm 40-60%. Trong khi việc làm giấy xét nghiệm, hoặc lái xe bị cách ly đã làm tăng chi phí cho HTX. Bởi, không chỉ tốn chi phí làm xét nghiệm, các HTX phải tốn thêm chi phí phun thuốc khử trùng, mua bảo hộ lao động. Ngoài ra, lái xe khi chở hàng về phải thực hiện cách ly tại nhà gây ra tình trạng thiếu hụt lái xe.
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ tiêm vaccine trong thời gian sớm nhất có thể, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về chi phí xét nghiệm Covid-19 cho các HTX. Bởi lẽ, hiện nay các HTX vận tải phải trả rất nhiều chi phí khác nhau như: phí phun khử khuẩn, phí mua bảo hộ....
Ông Lý Văn Hòa cho biết, dù có dừng hoạt động đi chăng nữa thì HTX vẫn phải trả các chi phí về hệ thống điều hành PGS, về chi phí khấu hao, thậm chí là tiền vay ngân hàng để mua xe… “Trong khi chi phí làm giấy chứng nhận Covid-19 đều do lái xe là thành viên bỏ ra vì xe là của thành viên góp vốn, HTX đóng vai trò liên kết, hỗ trợ thành viên”, ông Hòa nói.
Ông Trần Đỗ Liêm cũng cho rằng hiện nay vận tải không thể tăng giá trong mùa dịch trong khi các chi phí khác vẫn phải bỏ ra như tăng lương cho lao động, chi phí khử trùng xe, tàu và mọi trang bị an toàn dịch (5k) cho người lao động, tốc độ vận chuyển lại bị chậm do nhiều khâu (kiểm, xét nghiệm, khai báo,...). Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ về tài chính cho các HTX vận tải, nhất là các HTX vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu bao gồm: giảm, miễn phí, thuế , tiền thuê đất; giảm lãi suất tiền vay của ngân hàng, Quỹ đầu tư; giãn thời gian trả vốn, lãi vay cho HTX trong thời gian dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, hàng hoá, nguyên vật liệu, phương tiện vận tải các loại đều không phải là nguyên nhân, và cũng không phải là đối tượng của việc lây nhiễm, phát tán virus nCoV. Chính người làm vận tải là các lái, phụ xe, thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên phục vụ bốc xếp có đặc thù công việc thường xuyên di chuyển, tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ nhiễm dịch Covid-19 rất cao.
Chia sẻ về vấn đề này tại tại Hội nghị ban chấp hành (BCH) Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 3, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 30/7, ông Trần Đỗ Liêm, uỷ viên BCH Liên minh HTX Việt Nam đã đề nghị Liên minh HTX Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố đưa nhóm lái phụ xe, thuyền trưởng, thuyền viên, công nhân bốc xếp vào vị trí ưu tiên tiêm vaccine, chỉ sau nhóm tuyến đầu theo quyết định 21 của Thủ tướng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, chủ trương của Chính phủ xác định, trong các đối tượng ưu tiên được tiêm phòng thì lái xe nằm trong nhóm cuối cùng. Tuy nhiên, trên thực tế do tình trạng khó khăn về nguồn cung vaccine nên các lái xe, thuyền viên, nhân viên bốc xếp chưa được tiêm vaccine.
Hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp mà các HTX vận tải đã có kiến nghị lên cơ quan chức năng về việc đưa đội ngũ lái xe vào đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vắc xin. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải cần đưa đội ngũ lái xe vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, cần được tiêm phòng vaccine.
Theo các chuyên gia, với thực tế nhu cầu cần được tiêm vaccine trong nước đang rất lớn, trong thời gian chờ đến nhóm đối tượng được tiêm là các lái xe, các HTX vận tải cần chủ động hơn về các giải pháp đảm bảo an toàn cho lực lượng này.
Trước những khó khăn của các HTX vận tải, tại Hội nghị ban chấp hành (BCH) Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 3, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 30/7, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Liên minh HTX Việt Nam sẽ có văn bản gửi các Bộ, ngành xem xét đưa lái xe, người lao động trong HTX vận tải là một trong những nhóm ưu tiên và được tiêm vaccine trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó là văn bản kiến nghị, có thể giảm hoặc không thu phí xét nghiệm Covid-19 cho các lái xe, người bốc vác, thuyền viên của các HTX. |