Quang cảnh buổi làm việc tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh) |
Sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số vấn đề đã được các bên rà soát và thống nhất, liên quan hoạt động tín dụng nội bộ, kiểm toán hợp tác xã; bên cạnh đó còn một số vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau.
Cụ thể là về tên gọi của dự án luật (hiện nay có các ý kiến đề nghị tên gọi dự án là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, Luật Hợp tác xã (sửa đổi); về Liên đoàn Hợp tác xã; về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã…
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, các đại biểu thống nhất cao giữ nguyên tên gọi là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); nhất trí quy định về tín dụng nội bộ không vì mục tiêu lợi nhuận và để bảo toàn vốn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. |
Cho ý kiến vào các nội dung này, đa số các đại biểu nhất trí nên giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm bảo đảm tập trung ưu tiên chính sách phát triển đối với Hợp tác xã và bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh cùng đối tượng áp dụng, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Tham gia phát biểu thảo luận, về Liên đoàn Hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu nội dung này chưa đủ rõ, đủ chín, chưa có cơ sở lý luận thực tiễn thì cũng chưa quy định trong luật; thấy cần thiết thì thực hiện thí điểm rồi tiến hành tổng kết, đánh giá.
Về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải tiếp tục củng cố vai trò hơn nữa bởi đây là tổ chức được được giao chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại buổi làm việc. |
Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập một số vấn đề lớn khác cần xem xét thêm trong dự thảo luật và cho biết nhiều chính sách phát triển đối với loại hình kinh tế hợp tác hiện nay vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống như về tiếp cận đất đai, tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội lấy thí dụ, nhiều hợp tác xã trụ sở vẫn đi thuê, chính sách thuế, bảo hiểm xã hội cũng chưa được bảo đảm, tỷ lệ cung ứng dịch vụ, vấn đề thành lập...; do vậy cần quy định cụ thể trong luật này nhằm bảo đảm tính sát thực, khả thi, làm cơ sở để triển khai.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cuộc làm việc được tổ chức để cho ý kiến sơ bộ chuẩn bị tiếp cho quy trình tiếp theo và đây là cách làm sớm, xa, chủ động, không chờ đến ngày trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo quy trình, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức lần cuối; sau đó, dự án sẽ được trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ năm sắp tới.
Dự án luật không chỉ tác động đến các hợp tác xã, mà còn tác động sâu, rộng đến nhiều thành phần kinh tế, các loại hình hoạt động khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, dự án luật đã được chuẩn bị khá công phu; nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội. Dự án luật không chỉ tác động đến các hợp tác xã, mà còn tác động sâu, rộng đến nhiều thành phần kinh tế, các loại hình hoạt động khác.
Các đại biểu cũng nhất trí cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; theo đó vấn đề quan trọng nhất là các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã phải khả thi, dễ tiếp cận, dễ đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, về thuế, bảo hiểm xã hội…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. |
Về hoạt động tín dụng nội bộ, các ý kiến cũng nhất trí bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo luật, nghiên cứu tính khả thi của các quy định về cơ quan tiến hành kiểm toán, quy trình kiểm toán, cách thức kiểm toán để tránh gây khó khăn, cản trở các hợp tác xã trong quá trình hoạt động...
Một số đại biểu cho rằng, quy định về tỷ lệ cung ứng dịch vụ cần theo nguyên tắc trước hết phải bảo đảm cung ứng cho thành viên hợp tác xã. Chính sách để hợp tác xã thành lập doanh nghiệp trên nguyên tắc không doanh nghiệp hóa hợp tác xã, không chuyển hợp tác xã thành doanh nghiệp là đúng nhưng hiện nay rất khó thực hiện.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. |
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế cố gắng thống nhất cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, tổ chức hữu quan để thống nhất một phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tổ chức xin ý kiến lại Chính phủ để sớm thống nhất các vấn đề lớn được nêu ra tại cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc sáng nay có Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, bên cạnh cho phép thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ tại các loại hình hợp tác xã có đủ điều kiện cũng cần tính toán thêm về các giải pháp để phát huy vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân đối với việc tạo các điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực của hợp tác xã, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững các loại hình hợp tác xã.
Tin: VĂN NGHIỆP CHÚC; Ảnh: DUY LINH
Nguồn tin: Theo Nhân dân điện tử:
Ý kiến bạn đọc