Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 HTX. Mặc dù số lượng HTX trên cả nước đang tăng từng năm nhưng hoạt động của các HTX còn gặp khó khăn. Nhiều HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít. Quá trình mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản của đa số các HTX còn diễn ra chậm.
“Thay máu” HTX
Muốn giải quyết vấn đề này, ngoài thu hút thêm nguồn vốn và thành viên từ bên ngoài vào thì việc hợp nhất, sáp nhập các HTX có quy mô nhỏ hoặc sáp nhập HTX đang hoạt động khó khăn với những HTX đang hoạt động hiệu quả sẽ tạo lực đẩy để khu vực kinh tế tập thể, HTX lớn mạnh; giải quyết bài toán quy mô, nhỏ lẻ của phần đa các HTX hiện nay.
HTX nông nghiệp Thạnh Tới (Kiên Giang) có 235 thành viên, vốn điều lệ 245.800.000 đồng, sản xuất trên diện tích 289,87ha. Để có số lượng thành viên và diện tích sản xuất lớn như hiện nay, HTX Thạnh Tới đã tiến hành sáp nhập với HTX Thạnh Tấn và Tổ hợp tác số 1 và số 2 (xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng) lại với nhau. Khi thực hiện sáp nhập, HTX không chỉ mở rộng các dịch vụ đầu vào, mà còn mở rộng thêm các nguồn vốn để phát triển sản xuất.
Ông Phan Đồng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết sau khi sáp nhập, bộ máy của HTX được kiện toàn, nguồn vốn được tăng lên giúp HTX chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương dù trong một xã nhưng có 3-5 HTX nông nghiệp, mỗi HTX chỉ quản lý vài chục ha đất canh tác, vài km kênh mương nên sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Việc có nhiều HTX trên cùng một xã, phường còn khiến cho hoạt động chỉ đạo sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí còn có tình trạng cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh giữa các HTX.
Tái cấu trúc bằng cách sáp nhập, hợp nhất giúp nâng cao hiệu quả của mô hình HTX. |
Trước thực tế trên, Luật HTX năm 2012 ra đời với những chủ trương, hướng dẫn các HTX quy mô nhỏ hợp nhất, sáp nhập. Chính vì vậy mà đến nay, không ít tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh nội dung này nhằm phát triển kinh tế tập thể, từ đó làm nền tảng thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.
Chẳng hạn như tại huyện Bình Giang (Hải Dương), đến năm 2015 còn 27 HTX cấp thôn nhưng đến nay hầu hết các HTX cấp thôn đã sáp nhập, hợp nhất thành HTX cấp xã. Chỉ còn 1 HTX cấp thôn và 1 HTX liên thôn (HTX Mộ Trạch ̣và HTX Tân Phong) vẫn đươc giữ nguyên do diện tích canh tác của mỗi HTX này đều đạt ̣trên dưới 200 ha, đảm bảo phát triển kinh tế hàng hóa.
Có thể thấy, sau khi được sáp nhập hoặc hợp nhất, các HTX bước đầu hoạt động hiệu quả, ổn định hơn. Có HTX khi chưa sáp nhập, nhiều năm liền rơi vào cảnh thu không đủ bù chi nhưng sau khi sáp nhập lại có đủ điều kiện cơ sở vật chất, nguồn vốn để hoạt động, số thành viên HTX tăng lên. Điều này đồng nghĩa với số người sử dụng dịch vụ của HTX tăng và HTX có thêm nguồn thu.
Đặc biệt khi hợp nhất, sáp nhập theo Luật HTX năm 2012, bộ máy quản lý của các HTX sau đó cũng tinh gọn hơn. Bởi, HTX kiểu cũ thường bộ máy quản lý có 7 người nhưng theo Luật HTX 2012 đã rút xuống chỉ còn 5 với các chức danh được quy định cụ thể trong Luật như giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát, kế toán, thủ kho và thủ quỹ kiêm văn phòng.
Xu hướng tất yếu
Thực tế, việc sáp nhập, hợp nhất HTX đã được triển khai sâu rộng ở nhiều nước trên thế giới. Cụ thể như tại Hà Lan, vào năm 1900 có khoảng 2.400 HTX nhưng đến nay đã giảm xuống còn khoảng 200. Đặc biệt, các HTX sản xuất sữa từ 750 HTX vào năm 1906 hiện xuống còn khoảng 5 HTX nhưng 5 HTX này chiếm tới 85-86% thị phần ngành sữa của cả nước.
Hay tại Nhật Bản, từ chỗ có 13.314 HTX giảm chỉ còn 712 HTX vào năm 2012 và hiện chỉ còn khoảng 600 HTX sau quá trình thực hiện sáp nhập, hợp nhất các HTX.
Ở Việt Nam, việc hợp nhất, sáp nhập HTX đã diễn ra nhiều năm nay. Có thể thấy, sáp nhập hay hợp nhất HTX xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hầu như các tỉnh, thành đều thực hiện mô hình cánh đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, sản xuất theo hướng hàng hóa, vì thế hợp nhất các HTX sẽ tạo điều kiện cho việc liên kết được thuận lợi, hạn chế sản xuất manh mún trên cùng một cánh đồng...
Tuy nhiên, quá trình hợp nhất, sáp nhập HTX ở Việt Nam chưa diễn ra mạnh mẽ và chưa thực chất. Bởi hình thức này hầu như chỉ xuất hiên ̣ở những HTX có dịch vụ, quy mô thôn/liên thôn. Nhiều HTX sáp nhập, hợp nhất chủ yếu dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương hay với sự hỗ trợ của dự án chứ ít HTX thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Nguyên nhân là nhiều nông dân, thành viên HTX vẫn còn ngại trong liên kết, hợp tác vì chưa thấy hết được những lợi ích của việc cùng nhau hợp tác. Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, Luật HTX năm 2012 tuy đã đề cập đến việc hợp nhất, sáp nhập HTX và liên hiệp HTX (Chương 6, Điều 53), tuy nhiên Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX lại không có hướng dẫn về vấn đề này, khiến nhiều HTX còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục cũng như chuẩn bị các bước để hợp nhất, sáp nhập. Đặc biệt có những HTX gặp khó trong việc xử lý nợ công, vốn, tài sản và nhiều vấn đề tồn đọng khác…
Vạy nhưng, dù là vì lý do gì đi chăng nữa thì từ thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiêṃ của các nước trên thế giới đều cho thấy, sáp nhập, hợp nhất HTX là xu hướng tất yếu. Sáp nhập, hợp nhất HTX mới giải quyết được bài toán về quy mô và nâng cao sức cạnh tranh của mô hình HTX trong nền kinh tế thị trường.
Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc