Sinh ra và lớn lên ở cái nôi này, chị Hồ Thị Diệu Thúy, Giám đốc HTX Thanh Thủy (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) đã và đang thổi vào nghề thêu một sức sống vừa mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống. Mỗi tác phẩm ra đời đều mang đậm tính nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy tình yêu đối với non sông gấm vóc.
Các sản phẩm thêu ren HTX Thanh Thúy đã có mặt ở các Hội chợ, các điểm du lịch trong khắp cả nước, luôn được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng
Chị Thúy cho biết: Nghề thêu thủ công là nét đẹp truyền thống, là bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc, nó đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Do đó hàng năm HTX thường xuyên chú trọng tổ chức đào tạo nghề mới và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Hiện nay HTX đang tạo việc làm cho trên 50 lao động, bao tiêu sản phẩm cho người lao động. HTX cũng đang có ý tưởng hướng tới phát triển du lịch cộng đồng để thúc đẩy ngành nghề phát triển một cách bền vững.
Những bức tranh thêu tinh xảo, sinh động được làm ra từ những đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nông thôn.
Thấy được lợi ích mà nghề Thêu mang lại đã có nhiều chị em phụ nữ trong và ngoài xã theo học ngày càng đông. Đến nay không chỉ người dân xã Nam Thanh làm nghề mà nhiều người dân trên huyện Nam Đàn cũng đang theo nghề.
Đối với người dân xã Nam Thanh nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung, thêu không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là môn nghệ thuật vô giá. Trải qua những biến thiên của thời gian, nghề thêu nơi đây vẫn tồn tại cho đến ngày nay nhờ tâm huyết của những người làm nghề. Họ tâm niệm gìn giữ và bảo tồn được nghề truyền thống chính là gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền từ ngàn đời của cha ông. Vì thế không chỉ có người trung niên mà ngày càng có nhiều người tuổi còn trẻ đã theo nghề và có tay nghề rất vững vàng.
"Hướng tới Hội thi tay nghề thợ giỏi lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tỉnh Nghệ An năm 2021 do Liên minh HTX tỉnh tổ chức vào ngày 29/10, những người làm nghề nơi đây rất hăng hái và háo hức đăng ký tham gia dự thi môn sở trường của mình. Bởi họ quan niệm thi không chỉ là so tài, mà quan trọng là trao đổi học tập kinh nghiệm để giữ nghề của ông cha" , chị Thúy cho biết thêm.