Tại Hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa giữa Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và các HTX, tổ hợp tác (THT) do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức trực tuyến trên toàn quốc diễn ra ngày 20/8, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op hiện có hàng loạt siêu thị trải dài từ Bắc vào Nam và đang phát triển từng ngày, nên nhu cầu thu mua các mặt hàng nông sản rất lớn.
Cung-cầu chưa gặp nhau
Bản thân Saigon Co.op cũng rất nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao để đưa vào hệ thống siêu thị. Ngoài việc bán trực tiếp nông sản tại hơn 800 siêu thị lớn nhỏ ở Việt Nam, đơn vị còn tham gia xuất khẩu một lượng lớn nông sản chất lượng cao qua thị trường Singapore, Nhật Bản... Chỉ tính riêng nông sản ở Đà Lạt, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op góp phần phân phối ra thị trường với sức tiêu thụ mỗi năm trung bình hơn 20.000 tấn nông sản, hơn 30 loại hoa tươi cắt cành, hoa chậu…
Do đó, có thể nói, khi kết nối thành công với Saigon Co.op sẽ là đầu ra thuận lợi cho các HTX ngay trong mùa dịch và cũng là cơ hội cho các HTX, THT sản xuất, cung cấp nông sản ổn định sau này.
Đến nay, đã có những HTX mở được đầu ra cho nông sản nhờ ký hợp đồng với Saigon Co.op. Tiêu biểu như HTX trái cây sinh học OCOP (Bio Fruit Coop) ở tỉnh Hậu Giang nhờ sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên đã kết nối được với 13 siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op ở miền Tây. Hiện, kho sản xuất của HTX đang trong quá trình làm giấy chứng nhận BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm).
"Với năng lực sản xuất 10-20 tấn/ngày, HTX mong muốn tiếp tục được đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh", ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX bày tỏ.
Bio Fruit Coop chỉ là một trong số ít HTX đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ với Saigon Co.op. Một trong những nguyên nhân là do HTX, THT chưa nắm rõ được quy trình ký kết hợp đồng, chưa hoàn thiện hồ sơ nên khó đưa nông sản vào hệ thống siêu thị.
|
Saigon Co.op luôn kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. |
Đại diện HTX nông sản du lịch Tam Điệp (Ninh Bình) cho biết, HTX đang có nhiều mặt hàng nông sản như cây ăn quả, rau màu, dược liệu, nuôi trồng thủy sản…, trong đó có thực phẩm tươi sống là thịt dê. Hiện, HTX đã có giấy chứng nhận vệ sinh thú y nhưng chưa có chứng nhận VietGAP nên chưa thể tiếp cận hệ thống Saigon Co.op.
Trong khi đó, bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng (Yên Bái) thông tin, sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của HTX đã được công nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Vùng trồng chè nguyên liệu cũng đã được chứng nhận hữu cơ. “Tuy nhiên, khu vực nhà máy sản xuất của HTX hiện chưa đạt chứng nhận hữu cơ. Vậy, quy trình vào siêu thị Saigon Co.op có bắt buộc phải có giấy chứng nhận nhà máy hữu cơ không?”, bà Thoa băn khoăn.
Ngoài việc chưa nắm rõ quy trình và chưa hoàn thiện hồ sơ, một hạn chế khác là các HTX, THT chưa nắm rõ được nhu cầu thị trường, nên khó tiếp cận hệ thống siêu thị cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thông, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ, vùng nguyên liệu sachi của HTX đã có các chứng nhận. HTX cũng có thể bảo đảm hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của siêu thị nên rất mong sản phẩm có thể có mặt trên kệ hàng của Saigon Co.op.
Hay như theo đại diện của Liên hiệp HTX dược liệu Thái Bình, việc thu mua dược liệu tươi của người dân, thành viên về chế biến giúp giải quyết bài toán về đầu ra nông sản trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm của HTX mới chủ yếu tiêu thụ ở các cửa hàng, nhà phân phối ở các tỉnh, thành.
Bảo đảm quy trình thu mua chặt chẽ
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Giao dịch Nhà cung cấp của Saigon Co.op chia sẻ, việc sản xuất, chế biến của HTX Kim Thông, Liên hiệp HTX dược liệu Thái Bình theo quy trình và đã được chứng nhận là rất tốt. Tuy nhiên, những mặt hàng về dược liệu có mức độ kinh doanh, doanh số thấp nên khi ký kết hợp đồng, Saigon Co.op sẽ nghiên cứu để nhập với số lượng cụ thể. Bà Tuyền cũng đưa ra lời khuyên là “trước khi sản xuất bất kỳ một sản phẩm nào, HTX, THT nên nghiên cứu thị trường để biết được nhu cầu, sức tiêu thụ của sản phẩm trên thị trường, từ đó chọn lựa mặt hàng sản xuất phù hợp để tránh khó khăn trong khâu tiêu thụ”.
Còn về vấn đề bảo đảm quy trình ký kết hợp đồng thu mua, bà Tuyền cho biết, việc yêu cầu đầy đủ giấy chứng nhận sản xuất, bảo đảm hồ sơ là theo đúng yêu cầu của Nhà nước. “Chẳng hạn, với yêu cầu về tiêu chuẩn nấm men, nếu HTX không bảo đảm được tiêu chuẩn này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và hình ảnh, thương hiệu của chính HTX”, bà Tuyền phân tích.
Hiện nay, để đưa nông sản vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, cũng như các doanh nghiệp, các HTX phải bảo đảm các yếu tố về mẫu mã; hồ sơ; chất lượng được kiểm soát; bao bì thu hút và tem nhãn đúng quy định; giá cả cạnh tranh, giao hàng đúng thời hạn; chính sách hậu mãi tốt. Chỉ cần một trong những nội dung này không bảo đảm thì rất khó đưa nông sản vào siêu thị.
Theo bà Tuyền, nếu mẫu mã, tem nhãn không rõ ràng, sau kinh doanh 3 tháng, Saigon Co.op sẽ xem xét và dừng hợp đồng với HTX để bảo đảm chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Ông Hoàng Hải, Quản lý ngành hàng cấp cao của Saigon Co.op cũng thông tin, ngay trong khâu đóng hàng cũng được Saigon Co.op chú trọng. Chẳng hạn như bắp cải phải đảm bảo các yêu cầu ngoại quan như nhỏ hơn 700 gam, lá bao bên ngoài không bị rách; bí đao cũng phải nhỏ hơn 700 gam, vỏ không bị dập thì mới đủ điều kiện lên kệ.
Hiện nay, nhằm bảo đảm có đủ sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng nhưng cũng hỗ trợ HTX một cách thuận lợi trong tiêu thụ nông sản, Saigon Co.op ưu tiên các sản phẩm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, những sản phẩm có hương vị đặc trưng theo vùng miền, những sản phẩm tiện lợi hơn, thân thiện môi trường, đặc biệt là những sản phẩm mang tính chất gắn kết cộng đồng.
Có thể thấy, trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nông sản bị dồn ứ thì hệ thống siêu thị chính là một trong những kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Việc chú trọng mở rộng hệ thống siêu thị trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước như Saigon Co.op đang không chỉ tạo thêm những kênh phân phối quan trọng cho nông sản của HTX trên thị trường nội địa, mà còn tạo cơ hội để xuất khẩu nông sản vào hệ thống siêu thị, bán lẻ ở nhiều nước khác. Theo thống kê, 90% lượng hàng hóa mà Saigon Co.op đang phân phối và tiêu thụ là hàng Việt.
Đặc biệt, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Saigon Co.op đã sớm có phương án phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam thực hiện thu mua, vận chuyển và phân phối nông sản để chủ động hỗ trợ đầu ra cho nông dân, HTX. Hoạt động của Saigon Co.op còn góp phần cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân ở những vùng đang bị giãn cách xã hội.
Chú trọng hàng nhãn riêng
Với mong muốn có thể liên kết được với các nhà cung cấp là các HTX uy tín để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, Saigon Co.op rất quan tâm đến việc xây dựng hàng nhãn riêng. Đây cũng là định hướng giúp Saigon Co.op hiện thực hóa mục tiêu đem đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm tốt hơn. Bên cạnh đó, phát triển hàng nhãn riêng còn hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước gia tăng sản lượng, từng bước khẳng định uy tín thương hiệu với người tiêu dùng. Đến nay, Saigon Co.op đã có hơn 2.000 mã hàng nhãn riêng.
Theo chia sẻ của ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Nhãn hàng riêng Saigon Co.op, hàng nhãn riêng là sản phẩm mang thương hiệu của Saigon Co.op, được sản xuất bởi các nhà máy, các trang trại, các HTX theo tiêu chuẩn chất lượng và theo thiết kế bao bì của Saigon Co.op.
|
Một sản phẩm hàng nhãn riêng được phát triển bởi Saigon Co.op. |
Trên các sản phẩm hàng nhãn riêng vẫn có tên của nhà sản xuất nên khách hàng vẫn biết ai là đơn vị sản xuất ra vùng nguyên liệu. Hiện, Saigon Co.op đang phát triển các dòng hàng nhãn riêng như Co.op Happy (mặt hàng tiết kiệm dành riêng cho người lao động), Co.op Select (dòng nhãn hàng phổ thông), Co.op Finest (dòng nhãn hàng cao cấp) nhưng trên bao bì vẫn có tên của nhà cung cấp (là doanh nghiệp, HTX, THT)…
“Mục tiêu mà Saigon Co.op hướng đến phát triển hàng nhãn riêng không phải là để cạnh tranh với các nhãn hàng của các nhà cung cấp, mà chúng tôi mong muốn qua đó làm tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng, mang đến cho khách hàng sự lựa chọn mới, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”, ông Võ Hoàng Anh nói.
Khi phát triển hàng nhãn riêng sẽ giúp cho khách hàng an tâm mua sắm, đảm bảo an toàn chất lượng cho khách hàng và giúp cho khách hàng tiết kiệm.
Phát triển hàng nhãn riêng sẽ giúp tối ưu hóa công suất của HTX; giúp HTX không tốn các chi phí liên quan đến xây dựng thương hiệu, chi phí quảng cáo, chi phí tổ chức đội ngũ chăm sóc khách hàng, chi phí về bao bì nhãn mác sản phẩm.
Khi phát triển hàng nhãn riêng, HTX sẽ được tư vấn, đánh giá từ các chuyên gia của Saigon Co.op. “Những sản phẩm được Saigon Co.op lựa chọn làm nhãn hàng riêng sẽ có chuyên gia đến trực tiếp cơ sở để khảo sát, thẩm định, góp ý, đánh giá theo các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến”, ông Võ Hoàng Anh chia sẻ.
Đặc biệt, khi liên kết với Saigon Co.op phát triển hàng nhãn riêng, HTX có thể tận dụng lợi thế về logistics của Saigon Co.op trải dài trên cả nước. Điều này giúp HTX có thể vận chuyển hàng hóa, giao hàng tại các điểm bán gần nhất giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Theo ông Võ Hoàng Anh, Saigon Co.op cũng có các kho, trung tâm phân phối ở các khu vực. Các HTX có thể giao hàng tại các kho này mà không phải giao trực tiếp ở các điểm bán, từ đó tiết giảm được chi phí, thời gian...
Tuy nhiên, để được chấp nhận phát triển nhãn hàng riêng, sản phẩm của HTX phải được sản xuất ở vùng quy hoạch, bảo đảm đủ điều kiện cho ra sản phẩm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Khu sơ chế đóng gói phải đạt tiêu chuẩn theo quy định để bảo đảm có sản phẩm tươi ngon.
“Ngoài ra, sản phẩm phải do trực tiếp HTX sản xuất hoặc có đại diện HTX tham gia. Nguồn hàng phải ổn định về chất lượng, sản lượng để bảo đảm cung cấp số lượng lớn và thường xuyên cho Saigon Co.op”, ông Võ Hoàng Anh cho biết.
Với mong muốn được đem sản phẩm vải vào kệ hàng của Saigon Co.op, tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Tiến, Giám đốc HTX Ameii Việt Nam (Hải Dương) vẫn còn băn khoăn trong việc xây dựng hàng nhãn riêng vì chưa biết nên tham gia hàng nhãn riêng ở phân khúc nào và yêu cầu riêng của từng dòng hàng nhãn riêng như thế nào.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Tuyền cho biết, nếu HTX Ameii Việt Nam kinh doanh sản phẩm vải hộp thì tùy theo chất lượng sản phẩm có được, Saigon Co.op sẽ tư vấn để HTX xây dựng dòng hàng nhãn riêng phù hợp. "Nếu trái vải có độ giòn, căng, tươi thì đưa vào dòng cao cấp, còn nếu vải không tươi, nhiều nước thì đưa vào dòng trung cấp", bà Tuyền phân tích.
Trước những chia sẻ từ các đại diện của Saigon Co.op, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho HTX ngay trong mùa dịch, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai chương trình số 503/Ctr-LMHTXVN ngày 4/8/2021 của Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về việc kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX, THT sản xuất theo chuỗi cung ứng; đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội (Chương trình 503).
Liên minh HTX Việt Nam đã cùng với Saigon Co.op bàn bạc và nhận thấy, mỗi tỉnh cần phải có một HTX thương mại đứng lên liên kết, thu mua nông sản cho các HTX, sau đó Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu Tư, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) sẽ thu mua trực tiếp của HTX này và giao cho Saigon Co.op.
“HTX đứng ra thu mua các mặt hàng có cùng chất lượng, cùng loại sẽ hạn chế được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Song song đó là đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử thì sẽ có thêm nhiều hợp đồng với Saigon Co.op”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường định hướng.
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền (Giám đốc Giao dịch Nhà cung cấp Saigon Co.op) chia sẻ về quy trình chào hàng và tiếp nhận của hệ thống:
|
Quy trình chào hàng của hệ thống gồm: HTX tải hồ sơ chào hàng tại web saigonco-op.vn hoặc co-opmart.com.vn sau đó Truy cập thông tin tại mục Liên hệ -> Hướng dẫn chào hàng -> Chọn ngành hàng-> Tải và chuẩn bị hồ sơ pháp lý, sản phẩm mẫu theo hướng dẫn.
Sau đó, HTX mang mẫu và hồ sơ pháp lý đến phòng giao dịch nhà cung cấp của Saigon Co.op tại địa chỉ (131 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) để chào hàng. Lúc này, phòng giao dịch nhà cung cấp sẽ trao đổi, hướng dẫn Nhà cung cấp hoàn thiện hồ sơ (nếu chưa đạt) và xuất biên nhận chào hàng, hẹn ngày phản hồi kết quả.
Còn nếu HTX chọn hình thức chào hàng tại khu vực (Áp dụng đối với sản phẩm có lượng sản xuất nhỏ) thì HTX tải hồ sơ web saigonco-op.vn hoặc co-opmart.com.vn. Sau đó truy cập thông tin tại mục Liên hệ -> Hướng dẫn chào hàng -> Chọn ngành hàng -> Tải và chuẩn bị hồ sơ pháp lý, sản phẩm mẫu theo hướng dẫn. HTX sẽ mang mẫu và Hồ sơ pháp lý đến các văn phòng khu vực phù hợp để chào hàng. Lúc này, các văn phòng khu vực sẽ trao đổi, hướng dẫn Nhà cung cấp hoàn thiện hồ sơ (nếu chưa đạt) và xuất biên nhận chào hàng, hẹn ngày phản hồi kết quả.
Hiện, đang là thời điểm dịch Covid-19: đối với sản phẩm chào hàng hệ thống: Nhà cung cấp gửi Hồ sơ pháp lý và hình ảnh sản phẩm (theo hướng dẫn) qua địa chỉ mail: phonggdncc@saigonco-op.vn và ngan-ld@saigonco-op.com.vn để được trao đổi và tiếp nhận hàng.
Còn đối với sản phẩm chào hàng khu vực: Nhà cung cấp gửi Hồ sơ pháp lý và hình ảnh sản phẩm (theo hướng dẫn) qua địa chỉ mail của từng khu vực để được trao đổi và tiếp nhận chào hàng.
|
Huyền Trang