Sáng ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp năm 2021. Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 36 đại biểu đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Sự nỗ lực vượt khó của nhiều HTX
"Lửa thửa vàng - gian nan thử sức, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", đó là chia sẻ mở đầu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính muốn gửi tới khu vực doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nắm bắt cơ hội góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp năm 2021. |
Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng đã và đang phát huy đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đề ra. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, chia sẻ nhiều HTX cung ứng, tiêu thụ sản phẩm lương thực, thực phẩm, hàng chế biến đang thể hiện rõ vai trò của mình trong chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong bối cảnh dịch bệnh. Trong khi đó, một số HTX bị thiệt hại do tác động của dịch bệnh nhưng sử dụng nguồn dự phòng để tự trang trải, chăm lo đời sống cho các thành viên, người lao động.
Đặc biệt, để ứng phó, tăng khả năng chống chịu và giảm thiệt hại, các HTX đã thực hiện nhiều giải pháp như sử dụng quỹ dự phòng để trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động; ứng dụng công cụ trực tuyến để quản trị; hỗ trợ người lao động phương tiện phòng, chống dịch bệnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; sử dụng nguồn dự phòng tài chính để trang trải....
Với vai trò của mình, Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cũng huy động các nguồn lực hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và hướng dẫn HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường.
Tuy vậy, trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, có tới 90% HTX bị giảm doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thu nhập của người lao động và thành viên gặp nhiều khó khăn. Sản lượng sản phẩm nông sản, hàng hóa của HTX, tổ hợp tác chưa thu hoạch, bị tồn kho khá lớn. HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng gặp khó khăn về tài chính và tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bị suy giảm sản xuất...
Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ trong tình hình hiện nay không thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các Hội chợ, Tuần hàng nông sản,…; chính sách về tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, Liên hiệp HTX, các địa phương và bộ, ngành thiếu nguồn lực để hỗ trợ HTX.
"Việc nắm bắt và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của HTX, số lượng HTX được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Tồn tại, bất cập này là do: Một số văn bản quy định về chính sách hỗ trợ không quy định rõ đối tượng thụ hưởng là HTX, người lao động trong HTX, cho nên gây khó khăn cho việc triển khai, phát sinh tình trạng xin - cho...", ông Bảo cho biết.
Khu vực kinh tế tập thể, HTX cần sự hỗ trợ của Chính phủ
Trước những khó khăn trên, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định các HTX, liên hiệp HTX, THT đã và đang huy động mọi nguồn lực để chống chịu, giảm thiệt hại duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, số lượng HTX ngừng hoạt động; tỉếp tục phát triển đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, sản xuất gắn với chuỗi giá trị; củng cố, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, liên hiệp HTX, THT hiện nay và khi đại dịch COVID-19 được ngăn chặn và đầy lùi.
|
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo gửi "tâm tư, nguyện vọng" của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tới Thủ tướng Chính phủ. |
Đồng thời, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị các địa phương, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương một số giải pháp khẩn trương khôi phục và duy trì các chuỗi cung ứng thị trường tiêu dùng và sản xuất trong nước, xuất khẩu, hỗ trợ các HTX và thành viên duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị các địa phương thống kê, đánh giá và thông tin thường xuyên và kịp thời về sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tồn kho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Ưu tiên tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 cho thành viên HTX và người lao động tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, giữ vệ sinh môi trường; cán bộ, nhân viên của Liên minh HTX cấp tỉnh như tổ hợp tác, HTX nông nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm và nông sản thiết yếu khác; HTX vận tải đường thuỷ, vận tải đường bộ...
Các địa phương cũng cần thực hiện các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật để hỗ trợ các HTX và DN giảm chi phí đầu vào, tăng năng lực cạnh tranh như hỗ trợ lãi suất tiền vay, bảo lãnh tín dụng, bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để mở rộng cho vay đối với HTX, giảm phí và lệ phí liên quan đến các dịch vụ logistics...
Đồng thời, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của Nhà nước từ chính sách tài khoá với lãi suất thấp (3%/năm), thời hạn 01 năm để hỗ trợ cho các DN, HTX, dự trữ nguyên liệu nông sản, dự trữ nông sản thiết yếu cho tiêu dùng, người dân và xuất khẩu, đồng thời giảm bớt tình trạng ép giá của nhà nhập khẩu.
Tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ DN, HTX giảm chi phí sản xuất, kinh doanh như rà soát giảm các loại phí do Nhà nước quản lý liên quan đến sản xuất logistics và tiêu thụ sản phẩm, khoanh, giãn nợ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình cho vay nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của các HTX; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, HTX được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi cho các HTX vay để trả lương ngưng việc đối với người lao động làm việc trong HTX, vay để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay sau khi khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước khó khăn cũng như triển vọng lớn, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất hàng loạt giải pháp hỗ trợ.
Trong đó, các nhóm giải pháp gồm: thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.
Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng, trong đó khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập cho DN với giá trị khoảng 20 nghìn tỷ và giảm tiền thuê đất khoảng 700 tỷ sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua... Tháo gỡ khó khăn về lao động bằng việc hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giá trị khoảng 26 nghìn tỷ.
Trước phản ánh của các doanh nghiệp trong đó bao gồm cả khu vực HTX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ các khu vực này lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ...
Nhật Linh