Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1.580 HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Hầu hết các HTX này đã áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với các tổ chức, doanh nghiệp...
Vốn điều lệ... eo hẹp
Thống kê cũng cho thấy, khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 10%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.
|
HTX Ninh Quang đã quy hoạch 20 ha diện tích sản xuất lúa để chế biến gạo chất lượng cao Ngọc Quang. |
Những mô hình HTX này đã mở rộng số lượng và quy mô HTX nhờ sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Điển hình như HTX Bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng) đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa; HTX Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) đã kết hợp nuôi với đầu tư dây chuyền chế biến sữa; HTX bưởi da xanh Bến tre đã liên kết với doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu…
Nhiều HTX khác trên cả nước cũng đang hướng đến mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các HTX vẫn còn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như HTX nông nghiệp I Ninh Quang (Khánh Hòa), đang thu hút tới 650 thành viên. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, cấp uỷ, chính quyền địa phương, hoạt động của HTX đã khởi sắc, doanh thu bán hàng tăng, nâng cao thu nhập của thành viên. Tuy nhiên, vốn điều lệ của HTX mới chỉ đạt khoảng 800 triệu đồng, đây là lý do khiến HTX luôn trong tình trạng thiếu nguồn vốn lưu động để mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đa phần cán bộ quản lý đều cao tuổi, khả năng thích nghi với hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường còn hạn chế, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại và tham gia thương mại điện tử, đầu ra chưa thực sự rộng mở.
HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị bằng đầu tư máy móc thiết bị. Chia sẻ với Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo trong chuyến công tác Khánh Hoà ngày 6-7/5/2021, Ban giám đốc HTX cho biết HTX vẫn chưa có khả năng đáp ứng được nguồn vốn đối ứng 20% (300 triệu đồng) cho khoản đầu tư máy móc. Nguyên nhân là vì HTX cần vốn mua dự trữ nguồn lúa nguyên liệu sạch để chủ động sản xuất gạo Ngọc Quang (hiện HTX dự trữ 120 tấn).
Khi đặt vấn đề vì sao HTX không tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước hiện có, Giám đốc HTX Ninh Quang, ông Lương Công Vân cho biết, do HTX không có tài sản bảo đảm nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng.
Một lý do khác cũng cần phải nhắc đến, đó là việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng là một nguyên nhân khiến việc xây dựng chuỗi giá trị của các HTX hiện nay chưa mang lại hiệu quả. Đơn cử như ở Bình Thuận, có sản phẩm chủ lực là cây thanh long, diện tích toàn tỉnh vào khoảng 33.700ha. Nhưng hiện nay mới chỉ có một vài HTX hoạt động hiệu quả nên chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Đáng nói, hầu hết các HTX thanh long ở Bình Thuận hiện nay đều sản xuất độc lập, đơn lẻ, chưa liên kết lại với nhau để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, cung cấp nguồn hàng đảm bảo xuất khẩu chính ngạch.
Còn khi có quy mô lớn như HTX Ninh Quang thì vấn đề tiếp theo đặt ra là làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất. Với diện tích canh tác lớn, phát triển theo quy mô sản xuất hàng hoá nên HTX rất cần ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phát triển thương hiệu sản phẩm gạo Ngọc Quang. "Chúng tôi rất mong muốn được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ thiết bị bay để phun thuốc trừ sâu", ông Lương Công Vân đề xuất.
Rõ ràng, khó khăn của HTX Ninh Quang hay mô hình thanh long ở Bình Thuận cũng chính là khó khăn chung của không ít HTX hiện nay khi xây dựng và phát triển chuỗi giá trị. Theo các chuyên gia, mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị đến nay dù đã có bước chuyển mình, đúng hướng, nhưng còn một số khó khăn và tồn tại. Trong đó, khó khăn về vốn, trình độ nhân lực… cũng như sự hỗ trợ đầu vào cho thành viên chưa được đầy đủ. Đầu ra cần vốn lớn nhưng vốn góp của thành viên còn hạn chế, từ đó việc xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp vẫn chưa được hình thành hoặc hình thành nhưng thiếu tính bền chặt.
Tạo nền tảng cho HTX xây dựng chuỗi
Xây dựng chuỗi giá trị nông sản là một chủ trương lớn của Chính phủ đang được Liên minh HTX Việt Nam tích cực vào cuộc để hỗ trợ cho các HTX ở nhiều địa phương. Vì vậy, rất cần kiện toàn HTX để tiếp tục đồng hành với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển.
Để tháo gỡ khó khăn cho HTX, trong buổi làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đã nhấn mạnh rằng, việc HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi là rất cần thiết để nâng cao thu nhập cho thành viên. Tuy nhiên, thiếu vốn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc xây dựng chuỗi của HTX chưa đạt hiệu quả.
Lấy ví dự từ câu chuyện của HTX Ninh Quang, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, trong tình trạng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, nguồn vốn hỗ trợ từ địa phương còn hạn chế, HTX nên đẩy mạnh huy động vốn của thành viên vì hiện nguồn vốn điều lệ của HTX còn nhỏ, trong khi số thành viên là 650 người.
“HTX cần nâng cao hơn nữa tinh thần tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Hoạt động hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính chất thúc đẩy, còn chủ yếu phụ thuộc vào sự nỗ lực của từng thành viên”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Bên cạnh đó, HTX cần đánh giá lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh để tổ chức lại cho phù hợp; có thể chuyển đổi đất được giao thành đất thuê để phù hợp với những quy định tín dụng trong hoạt động thế chấp tài sản.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng giao Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường của Liên minh HTX Việt Nam rà soát lại hoạt động của HTX để tư vấn, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị cho sản phẩm gạo Ngọc Quang.
Ông Lương Công Vân, giám đốc HTX Ninh Quang, nhận bàn giao thiết bị được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ để sản xuất theo chuỗi giá trị
Hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam xác định, đẩy mạnh phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững các HTX. Chính vì vậy, mục tiêu của Liên minh HTX Việt Nam là mỗi năm xây dựng mới khoảng 200 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của từng địa phương.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị các địa phương tiếp tục định hướng phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị, trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp để làm "đầu kéo" phát triển chuỗi theo hướng bền vững từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ hàng hóa. Liên minh HTX Việt Nam sẽ khuyến khích và hỗ trợ các địa phương thành lập các liên hiệp HTX để "kéo" các HTX thành viên tăng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế tập thể, HTX để hỗ trợ các HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đây được xem là khâu đột phá, phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả cho hoạt động của các HTX.
Đối với vấn đề sản xuất manh mún nhỏ lẻ, việc các địa phương nới lỏng chính sách hạn điền theo tinh thần Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho việc các HTX liên kết với nhau thành những mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn cấp huyện, cấp tỉnh, để có thể ký kết những đơn hàng lớn phục vụ xuất khẩu dài hạn.
Huyền Trang