Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024: Phát triển bền vững chuỗi giá trị

Thứ năm - 11/04/2024 21:38 0
Tới dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, trong khuôn khổ Tháng hành động vì hợp tác xã năm 2024, sáng 11/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”. 


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực kinh tế tập thể không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Hiện nay, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73 nghìn tổ hợp tác. Bên cạnh đó, kể từ tháng 7/2024, Luật Hợp tác xã năm 2023 sau khi được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành gồm 12 Chương, 115 Điều, với nhiều điểm mới nổi bật giúp các tổ chức kinh tế tập thể phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các hợp tác xã. Ngoài ra, kinh tế tập thể và hợp tác xã cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

“Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững", bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, hiện nay, trong hơn 31.000 hợp tác xã, hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Đáng lưu ý, trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

Riêng ở cấp độ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bà Cao Xuân Thu Vân kỳ vọng với những ý kiến đóng góp, những giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững được đưa ra một cách thiết thực tại Diễn đàn, sẽ nhận được sự quan tâm, tiếp thu sâu sắc từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Để từ đó, việc phát triển bền vững trong chuỗi giá trị của hợp tác xã sẽ mang lại kết quả cụ thể, đồng bộ và hữu ích hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi giá trị, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách về ưu đãi tín dụng, hợp tác xã được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hơn nữa, hợp tác xã còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay theo Điều 16, Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…

Tuy nhiên, ông Lê Đức Thịnh cũng chỉ ra rằng, hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc thực hiện liên kết do không tìm được hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.

Vì vậy, ông Lê Đức Thịnh cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của hợp tác xã về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã; trong đó, doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy hợp tác xã tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua hợp tác xã. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và liên kết.

Cùng quan điểm này, ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, với nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn đối với cộng đồng hợp tác xã.

Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP), thực hành nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; truy xuất nguồn gốc; cải tiến năng suất (áp dụng công cụ 5S - Kaizen); áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 22000. ISO 14000, tiêu chuẩn hữu cơ, 4C (Bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê), Rainforest (Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững đối với trang trại và nhà máy chế biến nông sản), UTZ (nông nghiệp bền vững), Fairtrade (thương mại công bằng), tiêu chuẩn Halal…

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ đối với các hợp tác xã, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng cần tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển hợp tác xã, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất.

Đồng thời, một trong những giải pháp được đề cập là thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ cho hợp tác xã, nhất là các thị trường về mua bán bản quyền giống cây, con; đặt hàng của hợp tác xã với tổ chức khoa học và công nghệ. Ngoài ra, mở rộng hoạt động hội chợ, sàn giao dịch công nghệ, techmart, kết nối cung cầu... để tạo điều kiện tốt nhất cho cho người sản xuất, người làm khoa học công nghệ có được cơ hội gặp gỡ để liên kết cùng phát triển.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cũng lưu ý việc tăng cường phối hợp trong tổ chức nghiên cứu triển khai giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ ngành, địa phương có liên quan; tăng cường nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và các công cụ nâng cao năng suất.

Theo Bnews/TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay12,137
  • Tháng hiện tại297,811
  • Tổng lượt truy cập15,438,928
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây