Sự kết hợp khả quan giữa sản phẩm OCOP và phố đi bộ thành Vinh

Thứ tư - 15/11/2023 08:51 0
Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An tổ chức thành công Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Nghệ An" tại phố đi bộ thành phố Vinh. Các sản phẩm OCOP trưng bày ở đây đã bán rất chạy...

OCOP - Cuộc cách mạng ở nông thôn

Mấy năm gần đây, người tiêu dùng bắt đầu quen dần với các loại sản phẩm có dán mác OCOP – là chữ viết tắt tiếng Anh của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (One Commune One Product).

Chương trình OCOP được khởi động từ năm 2018, nằm trong hệ thống các giải pháp để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ và để thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới.

Chương trình OCOP có mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Mới triển khai trong hơn 4 năm nhưng có thể thấy, OCOP là một bước ngoặt có tính “cách mạng” làm thay đổi về chất cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, từ đó, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân. Nó giúp nông dân hướng đến sản xuất hàng hóa trên chính mảnh đất của mình, với nguồn nhân lực sẵn có và cây, con truyền thống.

may tra .jpeg
Mặt hàng mây, tre đan của Nghệ An đạt chứng chỉ OCOP 5 sao. Ảnh: T.P

Chỉ riêng ở Nghệ An, từ OCOP, đã có hàng trăm mặt hàng chất lượng lần lượt tiến ra thị trường. Đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có 422 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó, có 380 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao.

Những mặt hàng này được chế biến từ nông sản địa phương, có sự kết hợp giữa văn hóa bản địa và công nghệ hiện đại trong nhiều sản phẩm, tạo nên nét độc đáo, riêng biệt và rất hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Các sản phẩm được tinh chế từ những nông sản quen thuộc như củ nghệ, củ gừng, từ lạc, ngô, khoai, sắn, lúa gạo, từ các loại dược liệu bản địa, từ các thực phẩm truyền thống của các địa phương như thịt bò, lợn, gà, thủy, hải sản…

bna_hải sản Cửa Lò. tại phố đi bộ VinhJPG.JPG
Sản phẩm OCOP hải sản Cửa Lò tại phố đi bộ Vinh. Ảnh: Thanh Phúc

Điều đặc biệt hơn, sự phát triển các sản phẩm OCOP đã làm sống lại những nghề truyền thống tưởng chừng sắp mai một, như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn… OCOP cũng khơi dậy nỗ lực bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc qua các sản phẩm du lịch cộng đồng. OCOP thực sự đã làm được điều mà nhiều năm qua các cấp, các ngành chức năng vẫn trăn trở là thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh của các chủ thể.

OCOP cũng là cơ hội để cho nhiều hợp tác xã đang loay hoay tìm hướng tồn tại nay đã có định hướng để phát triển. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nhỏ và vừa ra đời từ nông dân và gắn sự tồn tại, phát triển của họ với các sản phẩm OCOP, với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sự kết giữa nông dân với các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ và vừa đã gỡ được cái khó nhất từ trước đến nay của nông nghiệp, nông dân, đó là đưa nông sản tiếp cận thị trường.

phuc .jpg
Sản phẩm lươn OCOP của Nghệ An được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: Thanh Phúc

Toàn tỉnh có 215 hợp tác xã có sản phẩm thực hiện sản xuất liên kết chuỗi giá trị, có 79 hợp tác xã có sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Các đơn vị này đã kết nối, hỗ trợ và làm "bà đỡ" cho nhiều sản phẩm OCOP.

Nhiều hợp tác xã có vai trò lớn như: Hợp tác xã chanh Thiên Nhẫn, Hợp tác xã chuối sạch Tân Kỳ, Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Thái Hoa Tiến, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Môn Sơn (Con Cuông), Hợp tác xã Dược liệu Phủ Quỳ, Hợp tác xã Tinh bột sắn Nam Anh, Hợp tác xã Sen Quê Bác, Hợp tác xã mật ong Tiên Hội, Hợp tác xã Hương Sơn (Kỳ Sơn)…

Đằng sau các hợp tác xã đó là bao nhiêu hộ nông dân thoát nghèo, trở nên sung túc. Như Hợp tác xã Hương Sơn mỗi năm thu mua, tiêu thụ cho nông dân Kỳ Sơn từ 1,5 đến 2 nghìn tấn gừng tươi, đồng thời, sản xuất trên 10 sản phẩm từ củ gừng để tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu một số nước trên thế giới.

Và phố đi bộ

Việc tổ chức các tuyến phố đi bộ vào các buổi tối cuối tuần trên đường Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trung Ngạn và Nguyễn Tài ở thành phố Vinh vài năm gần đây cũng là một chủ trương rất ý nghĩa đối với đời sống tinh thần của người dân thành phố và vùng lân cận. Thật ngẫu nhiên, hoạt động nơi trung tâm đô thị này lại rất liên quan đến các sản phẩm OCOP từ các làng quê xứ Nghệ.

bna_Gian hàng OCOP trưng bày trên phố đi bộ Vinh thu hút khách mua sắm. Ảnh Thanh Phúc.jpg
Gian hàng OCOP trưng bày trên phố đi bộ Vinh thu hút khách mua sắm. Ảnh Thanh Phúc

Phố đi bộ chạy thử nghiệm trong 1 năm và đến tháng 5/2023 thì chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, những đêm sôi động nhất của phố đi bộ lại là những khi có các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp và hợp tác xã trong các chương trình kết nối, giao lưu do các cơ quan như Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND thành phố Vinh, Hà Nội… tổ chức.

Vào các dịp này, phố đi bộ đông hơn, sôi động hơn bởi người bán, người mua tấp nập, phấn khởi. Nhiều người tiêu dùng bày tỏ nuối tiếc bởi hoạt động trưng bày và bán sản phẩm OCOP này rất ít khi được tổ chức.

bna- măt trận .jpeg
Lễ hội sắc màu văn hoá các dân tộc Nghệ An tổ chức ở phố đi bộ. Ảnh: Thành Cường

Vừa qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các huyện trong tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hoá các dân tộc tỉnh Nghệ An" tại phố đi bộ trong 2 ngày (10 và 11/11), đã thu hút hàng ngàn người đến dự chung vui. Các mặt hàng OCOP Nghệ An đã được tiêu thụ mạnh mẽ, các chủ thể sản xuất và bán hàng rất phấn khởi.

Từ sự kiện này có thể thấy các hợp tác xã, doanh nghiệp muốn được bày bán thường xuyên ở phố đi bộ nhưng chưa thể thực hiện. Được biết, mỗi lần dựng các gian hàng thì chi phí bỏ ra cũng khá cao, từ 6-12 triệu đồng/gian, nhưng chỉ hoạt động trong vài ngày lại kết thúc. Vậy nên, hoạt động này mang ý nghĩa quảng bá nhiều hơn là hiệu quả kinh doanh. Nhiều người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất và cả các cơ quan đứng ra tổ chức hoạt động này đều mong muốn tỉnh, thành phố quy hoạch, đầu tư hẳn các dãy quầy hàng cố định để cứ mỗi dịp cuối tuần, các hợp tác xã, các doanh nghiệp lại đưa sản phẩm của mình ra bán, giới thiệu.

Phố đi bộ vì thế sẽ phong phú hơn, sinh động hấp dẫn hơn, đồng thời, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ được lượng hàng hóa đáng kể và quảng bá sản phẩm OCOP tới du khách.

Nguồn tin: Theo Bao Nghe An:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay16,316
  • Tháng hiện tại306,317
  • Tổng lượt truy cập15,447,434
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây