'Trụ đỡ' giảm nghèo của bà con vùng cao Nghệ An

Thứ ba - 03/10/2023 12:50 0
Những năm qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo tại tỉnh Nghệ An đã luôn đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích thành lập các mô hình HTX. Cũng nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hỗ trợ bà con xóa đói giảm nghèo mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa của cả vùng.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích; đồng bào DTTS gần 500.000 người, chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 40% dân số trên địa bàn miền núi.

Phát huy vai trò HTX trong xóa đói, giảm nghèo

Huyện Quế Phong là một trong 64 huyện nghèo của cả nước, địa bàn rộng, đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn. Đời sống của phần lớn người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Việc phát triển các mô hình kinh tế được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nơi đây.

Do đó, huyện đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình HTX, tổ hợp tác. Trong số đó, nổi bật nhất là việc xây dựng thành công HTX Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na tại bản Tục, xã Đồng Văn để tận dụng “đặc sản” của địa phương - phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na.

-4477-1693971071.jpg

HTX không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hỗ trợ bà con xóa đói giảm nghèo mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa của cả vùng.

Anh Lang Văn Mão, Giám đốc HTX chia sẻ, từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ có rất ít lồng cá, sau khi thành lập HTX vào năm 2019, các hộ dân tham gia vào HTX được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá.

“Việc nuôi cá trên hồ thủy điện Hủa Na đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân vùng lòng hồ. Với việc nuôi trồng đúng quy trình kỹ thuật, đạt chuẩn VietGAP sẽ tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS tham gia HTX nâng cao uy tín chất lượng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”, anh Mão chia sẻ.

Còn ở HTX Sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiêu biểu Quế Phong, thị trấn Kim Sơn, khi chưa có HTX, các sản phẩm lá, rễ cây rừng, dược liệu được người dân khai thác cũng chỉ phục vụ cho các thương lái thu mua phục vụ cho hoạt động đông y gia truyền hoặc tự tiêu thụ tại địa phương.

Bà Sầm Thị Yến – Giám đốc HTX cho biết: Khi HTX thành lập và được huyện tạo điều kiện mở quầy hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của huyện, thì nhiều dược liệu vùng đất Quế Phong như chè hoa vàng, rễ cây mú từn, nấm lim xanh, cà gai leo, cỏ máu, chuối hột rừng…, đã vượt không gian, vươn tới các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát huy lợi thế địa phương

Tại huyện miền núi Tương Dương, nhiều năm nay, với lợi thế về nguồn nước mặt, nhiều hộ dân ở xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông, Tam Đình đã tận dụng để nuôi thả cá lồng trên lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố.

Tuy nhiên, do thiếu kiến thức phòng bệnh cho cá, thiếu kỹ thuật nuôi cá và đặc biệt là do "mạnh ai nấy nuôi", thiếu sự liên kết giữa các hộ nên cá chậm lớn, sản lượng thấp, thất thoát nhiều và đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Vậy nên, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng mang lại không cao.

Bà Hà Thị Hương, Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đình Phong, xã Tam Đình chia sẻ, từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ có rất ít lồng cá, sau khi thành lập HTX, các hộ dân khi tham gia vào HTX đã được hướng dẫn các kỹ thuật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao.

"Từ chỗ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thuỷ điện Khe Bố, nhiều hộ đồng bào vùng cao, hộ DTTS nơi đây đang chuyển sang nuôi cá hàng hoá như: cá leo, cá lăng đen, cá trắm đen, cá bọp, cá vược… đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Thị trường tiêu thụ cá của HTX không chỉ trong nội huyện mà còn có mặt dưới xuôi”- bà Hương chia sẻ.

Ông Ngân Văn Nội, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đình Phong hiện được đánh giá là hoạt động tốt, hiệu quả cao. Ngoài hỗ trợ thành viên kiến thức chăn nuôi, hướng dẫn bà con cách nuôi gối vụ để có cá bán quanh năm thì HTX đã kết nối để tạo đầu ra ổn định cho cá lồng của thành viên.

-1446-1693971071.jpg

Thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương.

"Mỗi năm, 800kg cá lồng của các hộ đồng bào nơi đây được các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng thực phẩm ở Nghĩa Đàn, TP.Vinh, Anh Sơn, Con Cuông bao tiêu, cá đạt trọng lượng là xuất bán hết, không tồn đọng. Đặc biệt, gần đây, nhiều thành viên trong HTX còn mạnh dạn đầu tư dịch vụ ẩm thực từ cá, phục vụ du khách ngay trên các lồng bè. Nhờ vậy, thu nhập ngày càng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập mỗi thành viên đạt gần 100 triệu đồng/năm”, ông Ngân Văn Nội nói.

Nâng cao năng lực HTX

Hiện nay, tại 11 huyện miền núi vùng DTTS ở Nghệ An có gần 300 HTX, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập trung bình đạt 3,6 triệu đồng/lao động/tháng.

Trong đó, số lượng HTX hoạt động hiệu quả chiếm gần 60%, tại các địa phương vùng cao, vùng DTTS, các HTX đã mở rộng phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, thu hút nhiều thành viên là đồng bào DTTS tham gia. Đồng thời tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao.

Đặc biệt, các HTX đã xây dựng các website, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến nhằm tìm kiếm thị trường, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng từ các vùng miền khác nhau… Bên cạnh đó, thông qua HTX đã phát huy được thế mạnh của các địa phương miền núi, “chắp cánh” để các sản vật vùng cao được quảng bá và trở thành hàng hoá, mang lại thu nhập cao cho đồng bào DTTS nơi đây.

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ, nhiều HTX vùng miền núi Nghệ An do người DTTS làm lãnh đạo quản lý, không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa cho nông sản của vùng.

HTX đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi trình độ sản xuất của người dân, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển. Thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan toả sản phẩm đến với thị trường trong tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, theo ông Bùi Đình Long, để kinh tế tập thể, HTX ở Nghệ An đi vào thực chất, đóng góp chung vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thì cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng DTTS và miền núi, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS, thu hút nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi.

Đồng thời, cân tập hợp ý kiến nguyện vọng của đồng bào DTTS, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác để đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng sâu, vùng xa và miền núi.

Trong điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực miền núi đang còn khó khăn, thì giải pháp trước mắt là tập trung nâng cao năng lực hoạt động của của HTX hiện có và thành lập thêm các HTX mới để thực hiện vai trò “bà đỡ” cho đồng bào và thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Minh Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay16,316
  • Tháng hiện tại306,734
  • Tổng lượt truy cập15,447,851
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây