Nghệ An tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp các HTX phát triển bền vững

Thứ năm - 21/12/2023 22:04 0
Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tăng về cả chất và lượng

Sau nhiều năm triển khai đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã của tỉnh Nghệ An đã có sự chuyển biến tích cực về cả chất và lượng, thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh nói chung và vùng nông thôn nói riêng. Đến nay, 21/21 huyện, thành, thị, mỗi đơn vị đều có ít nhất 01 mô hình hợp tác kiểu mới gắn với chuỗi giá trị.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 9 tháng đầu năm 2023 đã phát triển thêm 16 HTX, nâng tổng số HTX của toàn tỉnh lên 832 HTX. Số HTX hoạt động có hiệu quả tốt là 493 HTX (chiếm 59%). Cùng với đó, tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình HTX mới có sự đổi mới, năng động trong cơ chế thị trường, huy động được các nguồn lực để đầu tư, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, mạnh dạn kết nối để thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các thành viên HTX, khẳng định khá rõ nét hướng đi và hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX.

17 xã viên HTX Sen quê Bác hiện nay có thu nhập đều đặn từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/tháng.

Số HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tăng; trong tổng số 403 sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên đã có 131 sản phẩm của 78 HTX và 36 sản phẩm của 32 tổ hợp tác.

Các mô hình kinh tế tập thể, HTX đã giúp thu nhập của người lao động được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên (thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX là 4,56 triệu đồng/tháng; mức thu nhập của một lao động trong Tổ hợp tác khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng, cá biệt thành viên tổ hợp tác đánh bắt thủy sản đạt 9 - 10 triệu đồng/tháng); góp phần đáng kể trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thiết lập mô hình kinh tế và quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 1.433,71 triệu đồng/năm/hợp tác xã. Điển hình như mô hình HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (huyện Yên Thành) cho lợi nhuận bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Lâm (xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu), doanh thu hàng năm của HTX đạt 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 499 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, với mức lương trên 4,5 triệu đồng/người/tháng…

Ngoài các điển hình trên, có nhiều HTX khác được củng cố hoạt động, hạn chế được rủi ro do giá cả thị trường biến động, tăng cao thu nhập cho các thành viên viên khi áp dụng phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, như: HTX Nông nghiệp Nghi Lâm (Nghi Lộc), HTX 19/5 (Nghĩa Đàn), HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Sơn (Đô Lương), HTX Dịch vụ nông nghiệp Diễn Phong (huyện Diễn Châu); HTX Nông sản sạch xứ Nghệ (TX Hoàng Mai), HTX Sen Quê bác, HTX Công nghệ cao Chanh Nam Đàn (huyện Nam Đàn), HTX Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông),...

Nhiều HTX đang hoạt động cầm chừng

Mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng sự phát triển của hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng thời gian qua còn rất hạn chế. Ở Nghệ An, tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả tuy cao hơn bình quân chung cả nước, song chỉ chiếm 59% số hợp tác xã toàn tỉnh với 493 đơn vị. Và đến nay mới chỉ 215 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 32,04%) có các hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, song việc triển khai trên thực tế còn vướng mắc. Một thực trạng đặt ra là các hợp tác xã nông nghiệp đa số có quy mô nguồn vốn hoạt động rất hạn chế, việc vay vốn ngân hàng theo các chính sách tín dụng hết sức khó khăn do không có tài sản thế chấp nên không đủ tiềm lực đầu tư các loại máy móc có giá trị lớn cũng như nhà xưởng, bến bãi, kho tàng sơ chế, chế biến, mở rộng liên kết sản xuất.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn được đánh giá là một trong những HTX hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện nay. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thực tế mới biết, HTX này gặp không ít bế tắc, dẫn đến hoạt động mang tính cầm chừng. Ông Hà Xuân Niệm – Giám đốc HTX trăn trở: HTX thành lập cách đây 23 năm, trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt giai đoạn từ năm 2013 đến nay rất khó hoạt động, lợi nhuận hàng năm từ dịch vụ không đáng kể, nguyên nhân là HTX chưa cạnh tranh được với kinh tế thị trường.

Hiện có nhiều chuỗi liên kết có sự tham gia của HTX như HTX Rau củ quả an toàn Nam Anh – Nam Đàn. Tuy nhiên, tình trạng HTX khó khăn, bế tắc, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả là khá phổ biến trên địa bàn tỉnh.

Đề cập vấn đề kinh doanh dịch vụ của HTX, ông Hà Xuân Niệm cho biết: Hiện nay HTX chỉ có dịch vụ phân bón, giống cây trồng các loại cho nông dân trên địa bàn xã, với hình thức, HTX cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào của mỗi vụ sản xuất, đến cuối vụ thu nợ. Nhưng do chi phối bởi kinh tế thị trường nên thị phần của HTX đối với nhu cầu của nông dân chưa nhiều. Trong quá trình hoạt động, mặc dù HTX cố gắng liên hệ với các doanh nghiệp để cung ứng trực tiếp, giảm khâu trung gian, nhưng do vốn ít và số lượng cung ứng chưa nhiều, nợ đọng trong dân cao, nên chưa mang lại hiệu quả. 

Tình trạng HTX khó khăn, bế tắc, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả là khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là các HTX đều có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ còn manh mún; vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế còn mờ nhạt và chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của thành viên. Hình thức hoạt động của các HTX nhìn chung không thay đổi so với trước đây, chủ yếu mới lo được khâu dịch vụ đầu vào, chưa bao tiêu được sản phẩm đầu ra cho các thành viên; chưa tham gia vào chuỗi hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm kết nối nông dân với doanh nghiệp

Mặt khác, trình độ của cán bộ hợp tác xã chưa bắt kịp yêu cầu, chưa được đào tạo bài bản nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách và lập hồ sơ thanh toán kinh phí hỗ trợ. Là chủ thể chính làm ra các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên với 78 hợp tác xã (chiếm 33,6%) với 131 sản phẩm song việc tìm kiếm thị trường của các hợp tác xã đang theo lối mòn cũ, thiếu tư duy đột phá nên hiệu quả phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra sản phẩm chưa cao.

Khó tiếp cận nguồn vốn

Huyện Yên Thành là một trong số địa phương có số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhất tỉnh, với 50 HTX, trong đó có 46 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nói về số lượng HTX hoạt động hiệu quả, ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng, chỉ đếm đầu ngón tay, phần lớn là hoạt động cầm chừng.

Theo tìm hiểu tại một số HTX nông nghiệp cho thấy, hiện nay thành viên là nông dân của các HTX còn ít. Điều đó có nghĩa, khi ít thành viên tham gia HTX thì vốn cho HTX hoạt động sẽ hạn chế. Không những vậy, nhiều HTX rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn nhưng không có tài sản là văn phòng (bất động sản) để thế chấp, không có tài sản thì không thể vay ngân hàng với số tiền lớn để mở rộng kinh doanh dịch vụ. Thành ra, nhiều HTX nông nghiệp đang rơi vào tình cảnh “bình mới, rượu cũ”.

Nhiều HTX rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn nhưng không có tài sản vay ngân hàng để mở rộng kinh doanh dịch vụ.

Liên quan đến vấn đề về vốn, ông Hồ Sỹ Quảng - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thọ Thành cho rằng: Để giải quyết bài toán về vốn, một số HTX đã xây dựng tín dụng nội bộ. Hiện nay, HTX hoạt động tín dụng nội bộ theo cách thức huy động nguồn vốn nhàn rỗi góp từ các thành viên để cho các thành viên trong HTX vay vốn phát triển sản xuất.

Cũng theo ông Quảng, tín dụng nội bộ rất phù hợp với các thành viên, đặc biệt là thành viên ở nông thôn. Tín dụng nội bộ trở thành "cứu cánh" cho các thành viên hợp tác xã trong bối cảnh khó vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp phải nhiều khó khăn vì chưa có thông tư hướng dẫn, do đó hợp tác xã rất dễ làm sai, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã trong việc nâng cao năng lực lập phương án sản xuất kinh doanh. Luật Hợp tác xã sửa đổi cần ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động tín dụng nội bộ.

Đề xuất chính sách vay vốn cho các HTX, ông Tạ Đình Quán - thành viên HTX Cói mỹ nghệ xã Thọ Thành cho biết: HTX thành lập 5 năm, thông qua hoạt động đây là mô hình phù hợp, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đề nghị Luật HTX (sửa đổi) nên xác định quy mô, tạo điều kiện cho các HTX nhỏ, siêu nhỏ được tiếp cận vay vốn ưu đãi. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các HTX thuê đất, mượn đất theo quy hoạch, khoanh vùng khu vực xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường để các HTX yên tâm sản xuất.

Liên quan đến bố trí đất đai cho các HTX thuê, ông Tăng Tiến Huệ - thành viên Hợp tác xã Thủ công nghiệp mây tre đan Thắng lợi ở xã Thọ Thành cho biết, Hợp tác xã đã thành lập 20 năm, có hơn 500 thành viên và 20 làng nghề chuyên sản xuất cung ứng bao tiêu sản phẩm mây tre đan. Việc thực hiện chủ trương thu hồi đất của Hợp tác xã để xây dựng sân vận động xã, dẫn đến hiện tại Hợp tác xã chưa có đất để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đề nghị các cơ quan ban ngành các cấp tạo điều kiện cho Hợp tác xã có quỹ đất để tiếp tục sản xuất.

Tháo gỡ vướng mắc

Chia sẻ với những khó khăn chung của các HTX, đặc biệt là việc thiếu vốn sản xuất, khó tiếp cận các chính sách,… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ khẳng định: Trong thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, để hỗ trợ HTX phát triển sản xuất. Đồng thời định hướng về nhiệm vụ trong thời gian tới, đề nghị Liên minh HTX cũng như các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT, nhất là Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh để tập trung làm tốt công tác tuyền truyền, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế tập thể của tỉnh và cả nước, gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án “Tiếp tục đổi mới và phát triển Hợp tác xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1958/QĐ-UBND ngày 18/6/2021.

Liên minh HTX tỉnh cần làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các HTX. Tập trung rà soát hiệu quả hoạt động của các loại hình HTX, Liên hiệp HTX, các mô hình đã đầu tư, xây dựng và các chính sách đã triển khai để tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. 

Tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn cho các HTX trong chuyển đổi mô hình hoạt động, trong sản xuất kinh doanh theo hướng xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị, trong đó chú trọng vào việc phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Mặt khác, tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX; kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề cho người lao động để bổ sung nguồn lao động có tay nghề cho các HTX, các làng nghề. Kịp thời triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống HTX.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện các văn bản có liên quan để xin ý kiến các ngành, trình UBND tỉnh phương án chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo tinh thần Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với các HTX, cần phát huy tốt nội lực, chủ động, mạnh dạn đầu tư mở rộng dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất kinh doanh, chú trọng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đối với các sở, ngành và các địa phương, cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa về kinh tế hợp tác, HTX, quan tâm bố trí các nguồn lực cho việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX...; bố trí ngân sách xây dựng và thành lập các HTX kiểu mới gắn với liên kết chuỗi giá trị và công tác đào tạo tập huấn nâng cao trình độ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, giúp đỡ, phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KTTT cũng như để Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các Hợp tác xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong xây dựng nông thôn mới, HTX đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; phát huy vai trò của các thành viên trong việc triển khai các Đề án, Dự án xây dựng nông thôn mới. Cùng với hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ đã, đang và sẽ được ban hành, việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết nêu trên của Chính phủ thực sự sẽ là đòn bẩy để góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo./.

Nguồn tin: Theo Kinh tế nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay15,299
  • Tháng hiện tại369,084
  • Tổng lượt truy cập11,733,519
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây