Những làng nghề Tây Nghệ vươn ra thế giới

Thứ bảy - 11/11/2023 02:22 0
Thổ cẩm Hoa Tiến, mây tre đan làng Diềm… đã vượt ra khỏi “lũy tre làng”, vươn ra chinh phục thị trường thế giới. Những đơn hàng triệu đô chính là “quả ngọt” của sự đam mê sáng tạo, nhạy bén nắm bắt của những người làm nghề.

MÂY TRE ĐAN BẢN DIỀM XUẤT NGOẠI

bna__may_tre_dan6571101_212022--n1.jpgCác thành viên HTX làng nghề mây tre đan bản Diềm đan các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Ảnh: Thanh Phúc

Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, bản Diềm (xã Châu Khê, Con Cuông) có 153 hộ đồng bào Thái và Đan Lai sinh sống. Đất canh tác ít nên người dân chủ yếu sống dựa vào rừng, vào cây mây, cây mét. Nghề đan lát có tự xa xưa, là nghề truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Trước, bà con chủ yếu đan các vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày như rổ, rá, thúng, mủng... Cuộc sống hiện đại, các vật dụng này từ chất liệu mây, tre đã dần bị thay thế bằng chất liệu nhựa, nghề đan lát bản Diềm phải trải qua những bước thăng trầm, có những lúc bị mai một và đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Năm 2016, thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, Hợp tác xã (HTX) mây tre đan bản Diềm được thành lập. Đây chính là bước đánh dấu sự phục hồi và đi lên mạnh mẽ của làng nghề truyền thống này. Từ bàn tay khéo léo, sáng chế ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt của các nghệ nhân, sản phẩm đan lát làng nghề bản Diềm dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm truyền thống mỹ nghệ làng nghề bản Diềm có mặt tại các Hội chợ thương mại lớn, cuộc triển lãm… và được nhiều người biết đến.

bna_ghep7178433_212022.jpgCác sản phẩm mây tre đan bản Diềm cải tiến mẫu mã, hướng đến những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Ảnh: Thanh Phúc

Bên cạnh những sản phẩm với các loại vật dụng truyền thống, HTX mây tre đan bản Diềm đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công chất lượng cao. Những chiếc đĩa đựng hoa quả, bánh trái với đủ hình dạng, hoa văn; những chiếc hộp để bút, những chiếc túi xách xinh xắn được làm từ những sợi mây, sợi mét, được nhuộm màu tự nhiên và những hoa văn là kết tinh văn hóa truyền thống của người Thái, rất phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới.

Năm 2018, những đơn đặt hàng từ nước ngoài như Đức, Pháp, Nhật… đến với bà con bản Diềm. Mỗi tháng, có 5-7 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm xuất ngoại đã đem lại thu nhập khá cho bà con làng nghề, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.

Bà Lang Thị Hoa - Giám đốc HTX mây tre đan bản Diềm chia sẻ: “Các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao gấp 3-4 lần so với các đơn hàng khác. Do đó, thu nhập của các thành viên trong HTX cũng cao hơn, ổn định hơn, giúp bà con gắn bó hơn với nghề. Đáng tự hào hơn là thông qua kênh tiêu thụ này, làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào Thái Con Cuông được các nước biết đến”.

bna_26752720_212022.jpgNguyên liệu tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên và hoàn toàn thủ công trong khâu đan lát đã tạo nên sự khác biệt của sản phẩm mây tre đan làng Diềm. Ảnh: Thanh Phúc

Hàng ngày, tranh thủ thời gian nông nhàn, dưới nếp nhà sàn vững chãi, những bà, những mẹ, những chị em bản Diềm vẫn cần mẫn đan các sản phẩm mây tre, vẫn say sưa sáng tạo, đưa những tinh hoa văn hóa, đưa những nét đẹp sinh hoạt hàng ngày vào các sản phẩm mây tre, vẫn cần mẫn chẻ lạt, chẻ mây, đỏ lửa nấu nước nhuộm màu, hong khô đồ mây tre. Và, những đơn hàng triệu đô từ Pháp, từ Đức, từ Nhật gửi về, những sản phẩm mây tre lại lên đường xuất khẩu, đem lại ấm no cho bà con bản Diềm.

THỔ CẨM HOA TIẾN CHINH PHỤC TRỜI ÂU

bna_ghep_tho_cam_27560237_212022.jpgThổ cẩm Hoa Tiến độc đáo về chất liệu, màu sắc, hoa văn. Ảnh: Thanh Phúc

Ra đời hơn 100 năm nay, bản Hoa Tiến được xem là cái nôi dệt thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời nhất của người Thái ở Nghệ An. Vải thổ cẩm của làng nghề Hoa Tiến được ưa chuộng nhờ hoa văn đặc trưng, được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên như bùn non, cây cỏ mực, vỏ cây pháng đỏ, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bàng...

Cùng với thời gian và sự phát triển của cuộc sống hiện đại, sản phẩm thổ cẩm dần mai một trước những sản phẩm may mặc công nghiệp. Có thời điểm, làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến đứng trước nguy cơ “xóa sổ”. Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của thổ cẩm Hoa Tiến, năm 2010, Hợp tác xã Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến được thành lập.

bna_gt_tho_cam_den_khach_nuoc_ngoai8160614_212022.jpgGiới thiệu sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến đến khách nước ngoài. Ảnh: Thanh Phúc

Từ những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, thị trường không ổn định, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ dân đã liên kết, hỗ trợ nhau để sản xuất.

Để mở rộng thị trường, các thành viên HTX đã tự mày mò, tìm tòi và sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng: túi xách kiểu dáng hiện đại, ví cầm tay, giày, dép, thú bông, vỏ gối, khăn quàng cổ, khăn trải bàn…

Bên cạnh việc gìn giữ cách sản xuất thổ cẩm theo phương pháp tự nhiên, các nghệ nhân trong hợp tác xã còn nghiên cứu, thử nghiệm những hoa văn tinh xảo, sắc màu đa dạng.

bna__tho_cam208018_212022.jpgHiện thổ cẩm Hoa Tiến được đan, dệt thành những sản phẩm có thiết kế hiện đại, phù hợp với nhu cầu thị trường như: Giày dép, áo dài, ví cầm tay, thú bông… Ảnh: Thanh Phúc

Chị Sầm Thị Tình, phụ trách mảng kinh doanh và marketing HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến cho biết: “Để tồn tại và phát triển, để các thành viên HTX sống được bằng nghề thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ là yếu tố tiên quyết. Do đó, một mặt thay đổi tư duy sản xuất, làm ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, thiết kế hiện đại; mặt khác, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm thổ cẩm của HTX được khách hàng trong và ngoài nước biết đến”.

bna_chi_tinh1150345_212022.jpgNhằm quảng bá sâu rộng nghề thổ cẩm truyền thống địa phương, chị Sầm Thị Tình đã mở một cửa hiệu dệt thêu và nhuộm màu tự nhiên tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Hiện nay, ngoài cơ sở chính của HTX thổ cẩm Hoa Tiến ở Châu Tiến (Quỳ Châu) thì chị Tình còn mở một cửa hiệu dệt thêu và nhuộm màu tự nhiên tại Hà Nội nhằm quảng bá sâu rộng nghề thổ cẩm truyền thống địa phương. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến không những có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An, Huế, Sa Pa mà còn chinh phục được cả thị trường các nước Lào, Thái, Đức, Pháp, Australia, Canada, Nhật…, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động làng nghề với thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn tin: Theo BNA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay11,175
  • Tháng hiện tại281,429
  • Tổng lượt truy cập15,002,487
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây