Hợp sức làm giàu từ mô hình Hợp tác xã dược liệu

Thứ sáu - 20/10/2023 13:01 0
Nhìn thấy bà con ở quê nhà đất đai sẵn có nhưng đang loay hoay với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với 2 người anh của mình, anh Lá Văn Khôi đã đứng ra thành lập HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường với tâm nguyện khôi phục lại những cây dược liệu quý, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

 

Toàn cảnh nhà máy sản xuất Nông Dược Tĩnh Sáng Đường.
Toàn cảnh nhà máy sản xuất Nông Dược Tĩnh Sáng Đường.
Giấc mơ dược liệu của Lá Văn Khôi (dân tộc Thái) ấp ủ từ những năm tháng còn học tại Học viện Y học cổ truyền Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An. Với sự hiểu biết của mình về dược liệu và các loại thuốc đông y, anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển các sản phẩm từ dược liệu để giúp đỡ người dân địa phương phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Được sự đồng lòng, hợp lực của 2 người anh trai là Lá Văn Duy và Lá Văn Cường, tháng 4 năm 2022, HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường ra đời tại xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp (Nghệ An) với hoạt động chính là trồng, chế biến dược liệu thành sản phẩm đưa ra thị trường. Anh Lá Văn Duy, anh trai của Lá Văn Khôi làm Giám đốc HTX.
Vốn xuất thân từ “con nhà nông” nên lá 3 anh em Duy- Cường - Khôi thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Bởi vậy xác định “vạn sự khởi đầu nan” nhưng 3 anh em vẫn quyết tâm đưa HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường đi vào hoạt động ổn định, tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết: Người dân trồng cây dược liệu, HTX hợp đồng thu mua nguyên liệu với người dân để chế biến, sản xuất thành sản phẩm. Các thành viên HTX chính là những đầu mối tập hợp, cung cấp nguyên liệu để chế biến dược liệu.
Công nhân HTX Tĩnh Sáng Đường đang sơ chế cà gai leo
Công nhân HTX Tĩnh Sáng Đường đang sơ chế cà gai leo
Nói về đường đi của cây dược liệu, anh Lá Văn Khôi cho hay: Với mong muốn tạo thương hiệu sạch, có lợi cho sức khỏe vì đa phần sản phẩm là dòng thuốc nên trách nhiệm của Tĩnh Sáng Đường là phải chuyển giao quy trình trồng, cung cấp giống đúng chuẩn cho bà con. Đồng thời giữ cam kết thu mua toàn bộ dược liệu do người dân trồng ra. Quy trình trồng không sử dụng thuốc hóa học, chất kích thích sinh trưởng; phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học. Tuy gặp khó khăn bởi đất bạc màu, hoang hóa nên năng suất chưa cao nhưng hiện nay, HTX đang tích cực hướng dẫn người dân cải tạo đất. Đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế để xây dựng các phương án trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.

Đối với những vùng đất kém màu mỡ, sỏi đá thì trồng các loại cây dược liệu dễ tính, có sức sinh trưởng khỏe như cà gai leo, cây chè dây… Bên cạnh đó, chọn các loại cây ưa bóng để trồng xen dưới tán rừng. HTX cũng hướng đến mô hình nuôi ong lấy mật tự nhiên dưới vùng dược liệu, bởi ngoài sản phẩm mật ong nguyên chất, một số dòng cao, thuốc cũng cần đến nguyên liệu mật ong.

Trồng dược liệu là một mô hình khá mới mẻ với người dân Yên Hợp, vì vậy, để bà con yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững với cây dược liệu tiêu chuẩn GACP-WHO. Ban đầu, HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường đã đầu tư toàn bộ giống cây cũng như phân bón và ký hợp đồng cam kết thu mua với người dân. Đến nay, người dân Yên Hợp đã hoàn toàn yên tâm mở rộng diện tích gieo trồng.
Ông Lá Văn Duy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông dược Tĩnh Sáng Đường bên Máy đóng gói trà túi lọc tem chỉ.
Ông Lá Văn Duy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông dược Tĩnh Sáng Đường bên Máy đóng gói trà túi lọc tem chỉ.
Anh Hồ Đức Bắc, xóm Cầu Đá, xã Yên Hợp cho biết, gia đình anh có trang trại với tổng diện tích khoảng 1,2ha, trong đó có 3.000m2 nhà màng. Trước đây, gia đình anh đầu tư chăn nuôi trâu bò, trồng cỏ, trồng dưa lưới, bí ngòi, cà chua… Hiện nay, anh tham gia trồng cần tây trên diện tích 500m2, rau má trên diện tích 200m2 để nhập cho HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường với giá 30.000 đồng/kg. “Địa phương chúng tôi đất đai nhiều, nguồn lực lao động dồi dào. Lâu nay, người dân chỉ tập trung trồng keo nhưng giá thành không cao. Nay bà con chuyển hướng trồng dược liệu có triển vọng hơn, quay vòng vốn nhanh hơn. Nhờ được HTX tập huấn kỹ thuật trồng cây và cách chăm sóc cây dược liệu theo chuẩn VietGAP, chúng tôi đã dần quen với quy trình canh tác”, anh Bắc chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hợp cho biết, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳ Hợp, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng và phát triển cây dược liệu. Bước đầu nhận thấy mô hình trồng cây dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng, mở hướng phát triển kinh tế, xóa nghèo gắn với phát triển du lịch. Hiện tại, toàn xã Yên Hợp có khoảng 8ha dược liệu với khoảng trên 50 hộ tham gia, bên cạnh đó có một số hộ trồng đơn lẻ.

“Trước đây trên địa bàn có một số hộ trồng keo dưới hành lang an toàn lưới điện cao thế khiến nhiều lần địa phương bị mất điện diện rộng. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên để hỗ trợ giải phóng cây dưới hành lang lưới điện nhưng nhiều năm chưa giải quyết được. Nay nhờ gói hỗ trợ trồng cây dược liệu của HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường, bà con đã tự nguyện chuyển đổi diện tích trồng keo sang trồng cây dược liệu. Đây là tín hiệu rất vui cho xã vì vừa giải quyết được vấn đề giải phóng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, vừa mở ra hướng phát triển kinh tế cho bà con”, Ông Nguyễn Công Giáp thông tin.
Sản phẩm Trà túi lọc cà gai leo, bột rau má sấy lạnh, mật ong của Hợp tác xã Tĩnh Sáng Đường được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao của tỉnh Nghệ An.
Sản phẩm Trà túi lọc cà gai leo, bột rau má sấy lạnh, mật ong của Hợp tác xã Tĩnh Sáng Đường được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao của tỉnh Nghệ An.

Về phía HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, HTX đã đầu tư nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại như máy sấy nhiệt, máy sấy lạnh, máy nấu cao, máy nghiền bột, máy khử khuẩn, máy ép màng, đóng nắp áp vào quy trình sản xuất. Đồng thời thực hiện công tác kiểm tra nghiêm ngặt, từ khâu trồng và chăm sóc nguyên liệu, đến việc sơ chế, sản xuất, đóng gói đưa ra thị trường.

Đến nay, HTX đã cho ra đời khoảng 30 dòng sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP gồm: Rau má sấy lạnh, mật ong, trà túi lọc cà gai leo. HTX đang hướng tới ra mắt các dòng sản phẩm như: Trà tự lọc xạ đen, trinh nữ hoàng cung, dòng bột chè xanh, mát cha, rau má, cần tây, bột ăn dặm trẻ em… Bên cạnh đó, áp dụng chuyển đổi số đẩy mạnh mảng truyền thông để giới thiệu quảng bá đến người tiêu dùng.

Dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm nhưng HXT nông dược Tĩnh Sáng Đường đã mở được 5 đại lý cố định ở các trung tâm huyện như: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Diễn Châu; kèm các đại lý ký gửi và 40 đại lý Online với 230 cộng tác viên bán hàng trên toàn quốc. Mạng lưới bán hàng Online chiếm 70% thị phần”, Giám đốc Lá Văn Duy cho hay.
Hiện tại, đã có 2 thành viên của HTX được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng/người, 1 thành viên trong độ tuổi thanh niên được Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ Quỹ Thanh niên lập nghiệp. Sự quan tâm, động viên, khuyến khích ấy là động lực để HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường và người dân xã Yên Hợp tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ “xóa nghèo”, mở hướng sinh kế mới từ cây dược liệu.

Nguồn tin: Theo Báo dân tộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập141
  • Hôm nay9,249
  • Tháng hiện tại257,295
  • Tổng lượt truy cập14,629,974
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây