Hợp tác xã trồng đủ thứ rau sạch bằng phương pháp thủy canh
Thời điểm này, những luống rau sạch được trồng bằng phương pháp thủy canh, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở hợp tác xã Duy Tân, tại xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đang phát triển rất tốt. Cả khu nhà màng đẹp lung linh như một thước phim. Công nhân cũng đang thu hoạch những luống rau sạch để kịp cung ứng cho các đơn đặt hàng trước đó.
Hợp tác xã rau củ quả sạch Duy Tân được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 2022. Đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư là khoảng 3,6 tỷ đồng.
Hợp tác xã có tổng diện tích 6,5 ha. Trong đó, 3,5 ha đã đưa vào sử dụng và 3 ha mở rộng đang trong quá trình đưa vào hoạt động.
Đặc biệt, hợp tác xã có hơn 1 ha nhà màng trồng rau thủy canh, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
Bà Dương Thị Liên – Giám đốc hợp tác xã rau củ quả sạch Duy Tân cho biết: Trồng rau thủy canh đem lại rất nhiều thuận lợi, không phải tốn công làm đất. Rau được trồng chủ yếu trong hệ thống nhà màng nên tránh được các tác nhân sâu bệnh gây ra bởi côn trùng, sâu bọ.
Trong quá trình sinh trưởng của cây rau, ngày nào cũng phải kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của cây rau. Từ đó điều chỉnh cho phù hợp, mang lại hiệu quả cao, chất lượng tốt nhất.
Với phương pháp trồng rau thủy canh trong hệ thống nhà màng, mỗi năm hợp tác xã rau củ quả sạch Duy Tân thu hoạch hàng trăm tấn sản phẩm. Các sản phẩm của hợp tác xã rất đa dạng, từ rau cải, xà lách, cúc, cần, rau muống, rau dền, mùng tơi. Cho đến, các loại củ quả như cà chua, dưa chuột.
Mùa nào rau ấy, sản phẩm làm ra đều đa dạng, bắt mắt, đảm bảo chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù kinh phí đầu tư ban đầu khá tốn kém nhưng hiệu quả thu về rất khả quan.
Quy trình nghiêm ngặt, tạo ra sản phẩm an toàn
Quy trình sản xuất tại hợp tác xã Duy Tân hướng tới nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn cả đầu vào, đầu ra. Hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn: Không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc trừ sâu. Thay vào đó, hợp tác xã dùng chế phẩm sinh học.
Bên cạnh đó, các loại hạt giống đưa vào canh tác cũng có xuất xứ rõ ràng, không nhiễm khuẩn. Bầu để ươm cây mỗi lần đem sử dụng đều phải sát khuẩn đảm bảo vệ sinh.
hi cây được đưa ra trồng, sử dụng sản phẩm sinh học hữu cơ dưỡng cây, kháng bệnh, giúp giống cây khỏe, phát triển đều và sạch bệnh.
Qúa trình ươm cây, hợp tác xã dùng xơ dừa trong khoảng 12 ngày, sau đó mới tách ra trồng thủy canh. Sau khi trồng thủy canh khoảng 20 đến 22 ngày thì có thể thu hoạch.
Hợp tác xã trồng rau, củ, quả sạch theo hình thức cuốn chiếu nên ngày nào cũng có rau để thu hoạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường và cung ứng cho các đơn vị.
Chất dinh dưỡng nuôi cây nhập từ các nước phát triển, đáp ứng đủ các yếu tố đa, vi, trung lượng. Trong đó gồm 16 khoáng chất, giúp cây phát triển ổn định, giữ được hương vị tự nhiên giống như trồng đất.
Điều quan trọng không kém đó là nguồn nước để tưới cây cũng phải sạch và được bơm tưới thường xuyên để cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Rau sạch thủy canh ổn định đầu ra, hợp tác xã yên tâm mở rộng sản xuất
Các sản phẩm của hợp tác xã đã chứng minh được chất lượng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đến nay, hợp tác xã Duy Tân đã ký kết cung cấp các loại rau củ cho hệ thống trường học trên địa bàn huyện Đô Lương. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, thương lái cũng tìm đến để đặt hàng. Thời gian tới, khi quy mô sản xuất được mở rộng, hợp tác xã sẽ hướng đến các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Bà Dương Thị Liên – Giám đốc hợp tác xã rau củ quả sạch Duy Tân chia sẻ, hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An. Chúng tôi tin chắc rằng những sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe luôn được thị trường đón nhận. Vì thế, hợp tác xã đang tiếp tục mở rộng sản xuất, đa dạng các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Công An – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An chia sẻ, ngay từ ngày đầu, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động thành lập hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả theo công nghệ sinh học. Trong đó, phương pháp chủ đạo là trồng rau thủy canh, tưới nhỏ giọt. Hội đã vận động hội viên tích tụ góp ruộng đất để xây dựng mô hình hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ các thành viên hợp tác xã tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật về sản xuất rau củ quả theo công nghệ mới. Tập huấn về quy trình đốt than sinh học bằng lò đốt BIOCHAR, ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh.
Đồng thời, Hội cũng hỗ trợ men vi sinh cho hợp tác xã ủ phân hữu. Cấp 1 lò đốt than sinh học BIOCHAR, để hợp tác xã tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng phát triển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt là tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của hợp để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa…
Mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh trong nhà màng từng bước đã khẳng định được hiệu quả. Hiện Hội Nông dân huyện Đô Lương cũng tiếp tục định hướng để hợp tác xã mở rộng sản xuất.
Nguồn tin: Theo Dân Việt:
Ý kiến bạn đọc