HTX rau nhót xứ Nghệ: Thuần hóa loại rau dại giàu chất khoáng thành rau đặc sản ở Nghệ An

Chủ nhật - 24/03/2024 02:44 0
Từ một loài rau dại được anh Quân thuần hóa, nhân giống, trồng trên diện tích 1ha tại phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Loài rau dại này được đưa vào nhiều nhà hàng, khách sạn trở thành món đặc sản. Nhờ đó, anh Quân có nguồn thu nhập lớn.

Rau nhót-rau dại giàu chất khoáng một thời ăn cứu đói giờ thành món đặc sản

Cánh đồng Doi vốn là vùng bãi bồi, đất đai nhiễm mặn, khô cằn thuộc phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Vì thế, vùng đất này trở thành cánh đồng hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Nhưng có một người đàn ông biến vùng đất hoang này thành cánh đồng trồng thứ rau đặc sản, mang về nguồn thu nhập lớn. 

Đó là anh Trần Văn Quân (SN 1984, trú tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Anh Quân hiện có cho mình hơn 1ha trồng rau nhót.

Thuần hóa loại rau dại giàu chất khoáng thành rau đặc sản ở Nghệ An, nhà hàng, khách sạn tranh nhau mua- Ảnh 1.

Vùng đất hoang ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An được anh Trần Văn Quân cải tạo trồng rau nhót. Ảnh: P.T

Anh Quân chia sẻ, rau nhót là loại rau dại ăn cứu đói ngày xưa. Cây rau nhót gắn bó với những năm tháng tuổi thơ cơ cực của nhiều đứa trẻ quê anh. 

Rau nhót có vị chua và mặn nhẹ, một chút vị đắng, thường mọc dại ở vùng bãi bồi, ven sông nước lợ, các đầm tôm, ruộng muối.

Trước đây, nộm rau nhót là món ăn dân dã của người dân miền biển nhưng khoảng 5 năm gần đây nó trở thành đặc sản trong các nhà hàng. 

Tuy nhiên cây rau nhót chỉ mọc tự nhiên, thời gian sinh trưởng ngắn. Chưa ai nghĩ đến việc "thuần hóa" loài rau dại này để trồng, thâm canh, chăm sóc và thu hoạch.

Vì thế, anh Trần Văn Quân nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp từ chính loài rau dại này. Đầu tiên anh thuần dưỡng cây rau nhót, đem vào trồng thử trên trên cánh đồng nhiễm mặn. 

Khi anh Quân đo thử độ pH ở vùng đất bãi bồi đồng Doi thì thấy kết quả đất ở đây rất thích hợp với cây rau nhót. 

Sau đó anh Quân quyết định thầu khoán lại hơn 1ha đất ở đồng Doi để thực hiện ý tưởng của mình.

Thuần hóa loại rau dại giàu chất khoáng thành rau đặc sản ở Nghệ An, nhà hàng, khách sạn tranh nhau mua- Ảnh 3.

Rau nhót thuộc loại cây chịu mặn (halophyte), có chứa hàm lượng khoáng, vi chất cao, có lợi cho sức khỏe con người. Ảnh: P.T

Hành trình thuần hóa rau dại thành rau đặc sản

Năm 2018, sau khi vay mượn được hơn 500 triệu đồng, anh Quân bắt tay ngay vào cải tạo đất, làm hệ thống mương thoát nước và lắp đặt vòi tưới tự động. Anh Quân cũng tự ủ phân vi sinh để bón cho rau.

Xong khâu cải tạo đất, anh Quân thuê người dân địa phương tìm nhổ rau nhót về trồng. Tuy nhiên, loài cây mọc hoang dại này không phải là giống dễ trồng như anh nghĩ.

Thời gian đầu cây phát triển xanh tốt, nhưng về sau cứ lụi dần rồi chết. Không nản chí, Quân tiếp tục lứa thứ hai, cũng không khá hơn.

Thuần hóa loại rau dại giàu chất khoáng thành rau đặc sản ở Nghệ An, nhà hàng, khách sạn tranh nhau mua- Ảnh 4.

Hiện tại, rau nhót được trồng trên cánh đồng ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã cho thu hoạch ổn định. Trung bình mỗi tháng anh Quân thu hoạch 3 đến 5 tấn rau nhót. Ảnh: P.T.

 

Sau mỗi lần thất bại, anh Quân lại đúc kết được thêm kinh nghiệm. Anh quyết tâm thuần dưỡng thành công loài rau này. Phải xuống giống đến lứa thứ tư thì cây rau nhót mới dần thích nghi và phát triển.

"Để cây rau sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch quanh năm, cần phải tuân thủ đặc tính tự nhiên của cây, mặt khác phải biết bổ sung các chất hữu cơ như: Phân gà ủ chua, bã mắm lên men, tưới nước với độ mặn phù hợp. 

Cây rau nhót mọc dại ngoài tự nhiên chỉ có vòng đời khoảng 3 tháng, còn cây rau mình trồng thì chu kỳ kéo dài đến 11 tháng. Chỉ cần cắt phần ngọn, sau đó cây tự mọc lớp chồi mới", anh Quân chia sẻ.

Sau một năm miệt mài lao động, khi cây rau mơn mởn chồi non thì đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát. 

Nhìn vườn rau già đi, rồi héo úa mà không tiêu thụ được, chàng trai trẻ chỉ biết ngậm ngùi, cố gắng tự động viên mình không nản chí, kiên trì vượt qua khó khăn.

Thuần hóa loại rau dại giàu chất khoáng thành rau đặc sản ở Nghệ An, nhà hàng, khách sạn tranh nhau mua- Ảnh 6.

Để thuần hóa cây rau nhót, anh Quân cũng đã không ít lần thất bại. Ảnh: P.T

Khi dịch bệnh được đẩy lùi, những chuyến hàng rau nhót của anh Quân đã có mặt ở một số quán ăn. Món nộm rau nhót rất được thực khách ưa chuộng nên ngày một nhiều đơn hàng.

Hái rau dại bán đắt hàng thu về hàng trăm triệu đồng

Anh Quân cho biết, mỗi tháng anh thu hoạch từ 3 đến 5 tấn rau nhót. Với mức giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí cũng mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Thuần hóa loại rau dại giàu chất khoáng thành rau đặc sản ở Nghệ An, nhà hàng, khách sạn tranh nhau mua- Ảnh 7.

Hiện tại, anh Quân không chỉ cung cấp rau nhót cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Món rau nhót còn được khách hàng ở khắp các tỉnh thành khác đặt hàng. Ảnh: P.T

Ban đầu anh Quân mang đi bán lẻ cho các quán ăn trên địa bàn và mang ra chợ bán. Khi rau thu hoạch nhiều, anh phải mang đi tiếp thị ở các nhà hàng lớn trong tỉnh Nghệ An. 

Hiện tại, rau nhót của anh Quân không chỉ cung cấp cho thị trường nội tỉnh, nhiều khách hàng ở các tỉnh phía Nam cũng đặt hàng.

Hiện, cánh đồng rau của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Vào giai đoạn cao điểm như làm đất, trồng lứa rau mới thì phải cần đến gần 20 lao động.

Rau nhót có thể chế biến thành món nộm, luộc chấm nước mắm, nấu canh hoặc xào chung với các loại thịt, hải sản… mang lại hương vị chua thanh mát. Tại các nhà hàng, khách sạn món nộm rau nhót rất được ưa chuộng.

Sắp tới, anh Trần Văn Quân dự định, sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng rau nhót và các loại thực vật chịu mặn như: Rau sam biển, sam đất, măng tây biển… ở các địa phương ven biển.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay13,882
  • Tháng hiện tại96,383
  • Tổng lượt truy cập13,847,208
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây