Bài cuối: Cần sự hỗ trợ đúng, đủ, đầy trách nhiệm của chính quyền (Chuyên đề: Phát triển, đổi mới hợp tác xã: Kỳ vọng "Bình mới, rượu mới")

Thứ sáu - 28/06/2024 23:34 0
Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương thực sự quan tâm hỗ trợ, thì hợp tác xã có chỗ dựa và phát triển; ngược lại, thì hợp tác xã thường rơi vào tính hình thức, hoạt động èo uột, đuối dần và thậm chí sớm giải thể. Vì thế, phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hiệu quả, bền vững hay không được kỳ vọng nhiều vào “nhà nước” - chính quyền địa phương; cũng nhằm tránh việc các hợp tác xã dù có mục tiêu “đổi mới”, nhưng cứ phải hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.
Những năm qua, đặc biệt từ những năm 2012 đến nay, khi Nghệ An thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, số hợp tác xã “mọc” nhanh như “nấm sau mưa”. Nhiều hợp tác xã dịch vụ ra đời sau khi có chính sách khuyến khích thành lập hợp tác xã và thường về đích sản phẩm đạt 3 sao OCOP trở lên; việc thành lập hợp tác xã tiêu thụ được nông sản của bà con là một trong những tiêu chí cứng.
Tuy nhiên, sau khi thành lập, không ít hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp gặp bế tắc trong hoạt động, thiếu thốn đủ bề, lợi ích mang lại cho xã viên ít, dần dần hợp tác xã phải giải thể. Tại nhiều cuộc thẩm định nông thôn mới của các cấp, hoạt động của nhiều hợp tác xã là vấn đề còn nhiều “băn khoăn”.
Ngôi nhà ở của gia đình ông Nguyễn Đức Tâm được lấy làm trụ sở của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hương, xã Tân Hương (Tân Kỳ). Ảnh: Xuân Hoàng
 
Tìm đến Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Hương của xã Tân Hương (Tân Kỳ), hỏi người dân địa phương thì bà con hầu như không biết lãnh đạo hợp tác xã là ai. Khi tìm được ông Nguyễn Đức Tâm - Giám đốc hợp tác xã, được ông cho biết, đơn vị lâu nay không hoạt động, một số thành viên hợp tác xã đã đi xuất khẩu lao động...
Năm 2018, thời điểm đó địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên xã thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hoạt động của hợp tác xã là kinh doanh dịch vụ giống cây trồng, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp. Ban Quản trị hợp tác xã hoạt động trong điều kiện không có trụ sở và không có vốn và tài sản chỉ có 1 bộ máy tính bàn. Các thành viên của Ban Quản trị đóng góp 1,5 triệu đồng/người, cả 7 thành viên được hơn 10 triệu đồng và lấy nhà ở của gia đình ông Nguyễn Đức Tâm làm trụ sở. Tuy nhiên, do vốn kinh doanh quá ít, cùng với năng lực của Ban Quản trị có hạn, nên hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, người dân không tìm đến hợp tác xã... Cũng theo ông Tâm, việc hiện nay hợp tác xã vẫn chỉ tồn tại trên danh nghĩa, một phần có trách nhiệm của UBND xã Tân Hương.
Ông Nguyễn Đức Tâm - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Hương (Tân Kỳ) cho biết, mặc dù HTX được hỗ trợ bộ máy tính để bàn, nhưng Ban Quản trị HTX không biết sử dụng nên hư hỏng từ lâu. Ảnh: Xuân Hoàng

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Thuyên – Chủ tịch UBND xã Tân Hương không khỏi băn khoăn: “Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Hương được ra đời cách đây hơn 5 năm. Sau khi thành lập, hợp tác xã hoạt động cầm chừng và yếu dần. Vướng mắc lớn nhất của hợp tác xã là không có vốn và không cạnh tranh được thị trường; xã cũng chưa có hướng tháo gỡ...”.
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ vẫn còn những hợp tác xã hoạt động cầm chừng, hình thức, hoặc mới thành lập chưa lâu, chưa có những hoạt động cụ thể đã vội vàng dừng lại rồi “rơi” vào danh sách các hợp tác xã chờ giải thể như Hợp tác xã Nông nghiệp Lèn Voi xã Tân Phú, Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa xã Nghĩa Hợp, Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ giống bò chất lượng cao xã Nghĩa Hoàn; số còn lại 19 hợp tác xã đang hoạt động, nhưng phần lớn mang tính hình thức, hiệu quả không cao.
Theo báo cáo của thị xã Cửa Lò về hợp tác xã năm 2024, thì hợp tác xã trên địa bàn còn nhiều mặt yếu kém, số hợp tác xã làm ăn có hiệu quả còn ít, quy mô hoạt động còn nhỏ bé, ít có mô hình tiên tiến; hầu hết các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh còn đơn điệu, manh mún, chưa chủ động mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa ngành, đa nghề và chưa có hình thức liên doanh, liên kết. Một số hợp tác xã từ khi thành lập đến nay vẫn chưa có khả năng đi vào hoạt động kinh doanh.
Chế biến nước mắm ở phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò). Ảnh minh họa: Đức Anh
 
Ở huyện Nam Đàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này cho biết, hoạt động của nhiều hợp tác xã nông nghiệp vẫn là “bình cũ, rượu cũ”, vì dù đổi mới theo Luật Hợp tác xã 2012 nhưng do vẫn những con người cũ đó quản trị thì chưa có đột phá; trong khi đó những hợp tác xã mới thành lập với những con người trẻ lại rất năng động, phát triển.
Nhìn chung tại các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… tình trạng hợp tác xã nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho rằng: Song song với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện đã chú trọng phát triển hợp tác xã, nhằm thu hút nông dân vào hợp tác xã và góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Tính đến nay, toàn huyện đã có 13 hợp tác xã; tuy nhiên, chỉ có 3 hợp tác xã hoạt động có lãi.
Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nêu ý kiến: Để tránh tình trạng hợp tác xã “sớm nở tối tàn” thì ngành liên quan cần phải có chính sách hỗ trợ về vay vốn, đất đai, công nghệ cũng như hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực về bao bì, chế biến, mẫu mã và nâng cao tính liên kết. Các hợp tác xã cần nâng cao năng lực tự chủ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Các hợp tác xã cũng cần chủ động tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, các hội chợ, triển lãm để tiêu thụ hàng hóa, góp phần đưa các sản phẩm nông sản của Tương Dương chủ lực vươn ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Luân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (Kỳ Sơn). Ảnh: Văn Trường
Rau của Tổ hợp tác xã sản xuất rau, quả sạch bản Phòng. Ảnh: Văn Trường
Sản phẩm chè dây Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Ảnh: Văn Trường
 
Các sản phẩm măng khô, bột nghệ ở Tương Dương. Ảnh: Văn Trường

Từ năm 2019 đến 2023, tại Nghệ An đã thành lập mới 189 hợp tác xã nông nghiệp. Tổng kinh phí đã được bố trí để hỗ trợ các hợp tác xã thành lập mới là 8,6 tỷ đồng, bình quân 45 triệu đồng/hợp tác xã. Trong 3 năm lại đây, 21 hợp tác xã đã giải thể và có hơn 40 hợp tác xã đang ngừng hoạt động.
______
Thời gian qua, tại Nghệ An, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo và có các nghị quyết, chính sách hỗ trợ để khuyến khích kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chương trình hành động số 50-Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động số 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024". Ảnh: Xuân Hoàng
 
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án “Đổi mới, phát triển hợp tác xã tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2021-2025; xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng nông sản sạch, an toàn gắn với hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm cho khu vực hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại gắn với diễn đàn hợp tác, kinh tế hợp tác, hợp tác xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025…
Từ năm 2019 đến nay có 4 hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, hàng năm ngân sách tỉnh đều bố trí hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; giai đoạn từ năm 2019 đến 2023 đã hỗ trợ cho 9 hợp tác xã xây dựng nhà kho, sân phơi… với tổng kinh phí đã hỗ trợ là 2.473 triệu đồng…
HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thọ Thành (Yên Thành) thu mua lúa cho bà con nông dân. Ảnh: Xuân Hoàng
 
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nghệ An những năm qua rất quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã. Tỉnh thường xuyên lắng nghe giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Mới đây, tháng 5/2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về hoàn thiện mô hình hợp tác tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2025. Theo Kế hoạch, có 5 mô hình hợp tác xã kiểu mới mà sau khi được chọn hy vọng sẽ là những điểm sáng trong nông nghiệp, để lan tỏa nhân rộng. Trong khi chờ đợi Luật hợp tác xã 2023 có hiệu lực, các hợp tác xã phải tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tham gia vào chiến lược chuyển đổi xanh, tạo vùng nguyên liệu rộng lớn để giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Để hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết tốt, thì yếu tố quan trọng hàng đầu là con người, nguồn lực về tài chính, đất đai, cơ chế chính sách...
Ông Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Để hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết tốt, thì yếu tố quan trọng hàng đầu là con người, nguồn lực về tài chính, đất đai, cơ chế chính sách...”.
______
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Theo ý kiến của ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh, để tiếp tục đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất một cách hiệu quả, bền vững, nhiều giải pháp cần được quan tâm thực hiện. Tham khảo ý kiến từ địa phương, thì ông Chu Anh Tuấn - Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa cho biết, để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, UBND thị xã đã đưa ra các giải pháp: Tập trung chỉ đạo rà soát giải thể các hợp tác xã hoạt động yếu kém, thành lập mới và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Nâng cao chất lượng phương án sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn vay tín dụng. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và sản xuất, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong hợp tác xã nông nghiệp. Khuyến khích, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử và gian hàng online trên sàn giao dịch điện tử, nhằm giúp hợp tác xã thuận lợi trong việc giao dịch và quảng bá sản phẩm.
Tập huấn cho các doanh nghiệp và hợp tác xã thực hiện xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc và dán tem mã nhận diện sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hải
 
Qua tìm hiểu thực tiễn, cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương sát sao chỉ đạo, quan tâm, đồng hành với HTX, đặc biệt các hợp tác xã mới thành lập và sản xuất sản phẩm đặc thù của địa phương thì hợp tác xã đó phát triển. Hiện nay các hợp tác xã cần tham gia vào ngành hàng, vào liên hiệp, cộng đồng chung. Một hướng đi mà các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả hiện nay “áp dụng”, là thành lập một công ty con để giao dịch, thuận lợi hơn trong tín dụng, ký kết hợp đồng; đơn cử có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tây, Hợp tác xã Đóng tàu thuyền và Chế biến hải sản Sông Lam, Hợp tác xã Dược liệu Pù Mát, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thọ Thành, Hợp tác xã Diêm nghiệp Quỳnh Minh…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, người gắn bó và có nhiều đóng góp cho phát triển loại hình hợp tác xã, từng chia sẻ: “Hợp tác xã là lực lượng quan trọng để tạo ra những vùng nguyên liệu rộng lớn hiện nay, những cánh đồng giảm phát thải các bon... Các hợp tác xã cần chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị”. Từ quan điểm đó, gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp không có điểm dừng, thì hợp tác xã phải tư duy làm gì để vừa ra tiền vừa bảo vệ được rừng, bảo vệ được đất trồng lúa, bảo vệ an ninh lương thực, hỗ trợ vào các dịch vụ công ích nông thôn, làm thay đổi tư duy sản xuất ở nông thôn… Những gì mà doanh nghiệp chưa vươn tới, không thích ứng được ở nông thôn chính là thị trường, cơ hội của hợp tác xã.
 
Nhiều HTX trên địa bàn Nghệ An cung ứng máy thu hoạch liên hoàn cho bà con mỗi khi vào vụ. Ảnh: Xuân Hoàng

Với những mục tiêu lớn, vai trò quan trọng như vậy, đương nhiên hợp tác xã - tổ chức kinh tế tập thể - dù có năng động đến đâu, tinh thần tự chủ có cao đến đâu, vẫn cần sự quan tâm hỗ trợ thiết thực nhất với trách nhiệm thực sự nhất phía Nhà nước - chính quyền thì hợp tác xã mới hoạt động hiệu quả, kỳ vọng “bình mới, rượu mới” mới hiện thực được!
 

Nguồn tin: Theo Bao Nghe An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay12,100
  • Tháng hiện tại268,468
  • Tổng lượt truy cập14,989,526
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây