Bài 1: Vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế nông thôn ( Chuyên đề: Đổi mới, phát triển hợp tác xã: Kỳ vọng "Bình mới, rượu mới")

Thứ hai - 24/06/2024 21:50 0
Với sự phát triển kinh tế hàng hóa ở nông thôn và phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình OCOP - "Mỗi xã một sản phẩm" hiện nay ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, thì việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã càng có vai trò quan trọng.
image002
Theo Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA): “Hợp tác xã là một tổ chức tự trị của những người tự nguyện liên hiệp lại để đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của họ về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua một xí nghiệp cùng sở hữu và quản lý dân chủ”.
Đối chiếu với thực tiễn của kinh tế nông thôn Việt Nam, có thể đưa ra câu hỏi: Vì sao nông dân nói riêng và cả những người dân có điều kiện kinh tế eo hẹp nói chung đều cần hợp tác xã khi liên kết phát triển kinh tế? Đó là bởi họ khi bước vào sản xuất hàng hóa hầu hết đang phải “cầm tay chỉ việc”, còn việc “đầu ra”, “đầu vào”, vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ.... rất cần một tổ chức kinh tế gần gũi, hiểu đặc thù sản xuất khu vực nông thôn để thực hiện các nhiệm vụ đó và loại hình hợp tác xã trở nên phù hợp nhất, bởi tính chất quy tụ đông đảo các thành viên trong làng xã, tính chất hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau trong đời sống cả về kinh tế văn hóa lẫn phong tục tập quán.
image003 2
Nông dân Nghệ An thu gom rơm sau vụ lúa Xuân. Ảnh: Quang An
 
Chính vì vậy, các hợp tác xã đã phát triển ngày một nhiều như một nhu cầu tất yếu, trước hết là phục vụ chính cuộc sống của nhân dân, thứ hai là phù hợp với luật pháp và yêu cầu của về đích nông thôn mới, phát triển “ống khói” ở nông thôn.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến phát triển hợp tác xã. Hợp tác xã trong cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.
Ấy nhưng, số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm; không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ xã viên của mình.
image004 2
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng
 
Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta nêu rõ: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước. Nhà nước có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức” (Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII).
image005 1
image006 1
image007 1
Bà con nông dân xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu thu hoạch dứa. Ảnh: Xuân Hoàng - Quang An

Với ý nghĩa xã hội lớn lao, kinh tế hợp tác nhiều năm qua thể hiện vai trò không thể thiếu, là mắt xích quan trọng trong sản xuất và đời sống khu vực nông thôn, là khâu trung gian hỗ trợ xã viên và người lao động tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập đảm bảo các nhiệm vụ công ích.
______
Kinh tế hợp tác là một trong “thế chân kiềng” cùng với các loại hình kinh tế khác trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước tiếp tục được ban hành chăm lo cho phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã.
image008


Thống kê trên cả nước đến hết năm 2023 có 30.698 hợp tác xã, 137 liên hiệp hợp tác xã và 65.712 tổ hợp tác; thì Nghệ An có 899 hợp tác xã, tăng 36 hợp tác xã so với năm 2022. Số lượng thành viên tham gia các hợp tác xã là 268.076 thành viên. Toàn tỉnh đến hết năm 2023 có 3.035 tổ hợp tác, giảm 20 tổ hợp tác so với năm 2022, với 8.510 thành viên.
image009
Đồ hoạ các HTX, tổ hợp tác tỉnh Nghệ An đến 2023

Trong tổng số các hợp tác xã ở Nghệ An, có 520 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, có 65 đơn vị do cán bộ trẻ làm chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc chiếm 12,5%. Đó trước hết là các hợp tác xã nông nghiệp, loại hình không thể thiếu trong việc điều tiết thủy nông, kế hoạch tổ chức nông vụ, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật và lo đầu ra đầu vào cho nông sản.
Từ nỗ lực đổi mới, duy trì hoạt động của các hợp tác xã, đã góp phần cho nền nông nghiệp và nông thôn Nghệ An có sự khởi sắc, phát triển hướng ổn định, đạt nhiều dấu ấn. Nghệ An là tỉnh đứng thứ ba cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 567 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Nông nghiệp những năm gần đây được mùa. Con số 520 hợp tác xã hoạt động hiệu quả nêu trên đã cho thấy chất lượng, sự đổi thay về chất của loại hình kinh tế này ở Nghệ An hiện nay khi bám sát Luật Hợp tác xã 2012. Các hợp tác xã Nghệ An hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực: nông nghiệp, đóng tàu, công nghệ phẩm, may mặc, cơ khí, dâu tằm tơ, diêm nghiệp, vận tải... Dù ở lĩnh vực nào các hợp tác xã cũng đã và đang nỗ lực hết mình vì sự tồn tại của chính các hợp tác xã và vì quyền lợi của các xã viên.
image010
Gian hàng trưng bày sản phẩm của các HTX tiêu biểu Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả ở Nghệ An nếu là hợp tác xã truyền thống thì đã phát huy được giá trị thương hiệu và trí tuệ của tuổi trẻ kế thừa với những kinh nghiệm của người đi trước và đa dạng hóa ngành nghề để tồn tại. Nếu là hợp tác xã trẻ thì đều giỏi công nghệ, giỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật và kỹ năng bán hàng để tham gia buôn bán kinh doanh qua mạng. Các hợp tác xã như thế khi hoạt động hiệu quả không chỉ phát triển kinh tế mà còn tương trợ hỗ trợ nhau chia sẻ với nhau việc làm, thu nhập, các tiến bộ kỹ thuật, khoa học...
Hiện nay, ở Nghệ An, trên lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh các hợp tác xã có truyền thống hoạt động có hiệu quả như: Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ xây dựng Minh Thành, Thọ Thành, Liên Thành (Yên Thành); Hợp tác xã 19/5 (Nghĩa Đàn); Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm, Nghi Văn (Nghi Lộc)... thì đã tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình mới sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như: Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Huệ, Hợp tác xã Sen Quê Bác, Hợp tác xã Chanh Thiên Nhẫn (Nam Đàn); Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Diễn Quảng, Diễn Phong (Diễn Châu); Hợp tác xã Cây Con Chi Khê (Con Cuông), Hợp tác xã Tân Thanh, Hợp tác xã Tĩnh Sáng Đường (Quỳ Hợp), Hợp tác xã Dược liệu Nghĩa Đàn (Nghĩa Đàn); Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tây (Hưng Nguyên)... Nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ngoài việc phục vụ tốt nhu cầu của thành viên, thì hàng năm kinh doanh mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
image011
Ông Nguyễn Văn Luân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (Kỳ Sơn) giới thiệu các sản phẩm của gừng đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Văn Trường

Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ có 91 hộ tác xã với 1.695 thành viên; tổng doanh thu ước đạt 600 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 4,8 - 5,6 triệu đồng/tháng. Các hợp tác xã này cũng đã tích cực đổi mới, liên doanh, liên kết, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm mới; từng bước tổ chức sắp xếp bộ máy phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm. Sản phẩm của các hợp tác xã bước đầu được thị trường chấp nhận như thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, chế tác đá, đồ mộc dân dụng, chế biến thủy, hải sản. Đó là Hợp tác xã Thủ công nghiệp Thắng Lợi xã Thọ Thành (Yên Thành); Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu); Hợp tác xã Dược liệu Pù Mát (Con Cuông); Hợp tác xã Dược liệu Phủ Quỳ (Thái Hòa), Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ Sông Lam, Hợp tác xã Dịch vụ và Làng nghề chế biến hải sản Hải Giang 1 (thị xã Cửa Lò); Hợp tác xã chợ Bến Thủy (thành phố Vinh)... Cùng đó, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện nhiều hợp tác xã có hướng đầu tư mới và có triển vọng, tích cực tham gia, phối hợp thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động như: Hợp tác xã Thủ công nghiệp Thắng Lợi (Yên Thành), Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Môn Sơn (Con Cuông), Hợp tác xã Sen Vàng (TP. Vinh)...
Trên lĩnh vực vận tải, số lượng hợp tác xã kinh doanh dịch vụ vận tải hiện có 40 đơn vị. Sau dịch Covid-19, các hợp tác xã từng bước thích ứng và đổi mới đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng quản trị, đến nay có nhiều hợp tác xã kinh doanh có hiệu quả. Lĩnh vực này có 7.950 thành viên tham gia hợp tác xã.
Ở lĩnh vực tín dụng có 59 Quỹ Tín dụng nhân dân, hoạt động trên địa bàn 16 huyện, thành, thị với tổng nguồn vốn đạt 10.800 tỷ đồng, trong đó vốn huy động đạt 9.684 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay của các quỹ đạt 7.930 tỷ đồng, nợ xấu 67 tỷ đồng chiếm 0,8%/tổng dư nợ cho vay.
Hiện nay, theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã mang tính thí điểm theo từng giai đoạn ngắn và các nội dung hỗ trợ chưa giải quyết toàn diện những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các hợp tác xã nên chưa thật sự hỗ trợ thúc đẩy phát triển các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả theo hướng liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hướng đến nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nội lực của các hợp tác xã vẫn còn yếu nên còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nhiều hợp tác xã đã bứt phá, có hướng đi mới đạt hiệu quả cao.
image013
Thu hoạch khoai tây ở xã Thạch Giám, huyện tương Dương. Ảnh: Thanh Phúc
 
image014
Thu mua gừng cho bà con tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường
image015
Thu mua dưa chuột tại HTX dịch vụ nông nghiệp xã Minh Châu, huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của đất nước là với quan điểm xuyên suốt “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là nền tảng văn hóa, xã hội. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng”. Theo đó, thì hợp tác xã như một "bà đỡ” hết sức quan trọng trong tổ chức sản xuất kinh tế ở nông thôn. Nơi nào có sự quan tâm đúng tầm đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thì nơi đó hợp tác xã phát triển vững mạnh và ngược lại.
Minh chứng cho điều trên là, đã có nhiều nhân lực đi làm ăn xa ngoài tỉnh quyết định trở về làm kinh tế trên quê hương sau dịch Covid-19, trong đó khởi nghiệp từ các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác... cho thấy tầm quan trọng của loại hình kinh tế này, đó là bước khởi đầu hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, làm nổi bật thế mạnh của làng, của bản, khơi dậy tiềm năng, sức lao động to lớn ở nông thôn.
image016
HTX Sen quê Bác (Nam Đàn) đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho những người dân xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Thanh Phúc
Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Hợp tác xã 2012, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Nguồn tin: Theo Bao Nghe An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập157
  • Hôm nay8,121
  • Tháng hiện tại336,104
  • Tổng lượt truy cập15,057,162
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây