Ấm no nhờ trồng gừng

Thứ tư - 19/06/2024 22:49 0
Những năm gần đây, chính quyền huyện vùng cao Kỳ Sơn đã tận dụng các tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ban tặng để hướng dẫn người dân làm kinh tế hiệu quả. Thành công từ mô hình trồng sắn cao sản, huyện Kỳ Sơn tiếp tục giúp bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trồng gừng mang lại thu nhập cao, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Để tập hợp nhân dân đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, huyện Kỳ Sơn còn hỗ trợ hình thành và phát triển các HTX để thuận tiện cho quá trình sản xuất và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Điển hình trong mô hình này là HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (xã Mường Xén).

Thu nhập 80 triệu đồng/năm

Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết, gừng Kỳ Sơn là giống gừng bản địa (gừng sừng trâu và gừng dé), được bà con DTTS trồng ở độ cao hơn 700m, nơi có sương mù bao phủ quanh năm cùng điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, khiến gừng có chất lượng vượt trội so với gừng ở những nơi khác

Tuy nhiên, trước đây, sản lượng và giá trị gừng Kỳ Sơn không cao do người dân chưa biết cách chăm sóc và trồng manh mún. Cây gừng chưa được phát huy xứng tầm với thế mạnh của vùng để tạo công ăn việc làm ổn định cho nông dân, từ đó nâng cao thu nhập giúp xóa đói giảm nghèo.

Trước tình hình đó, tháng 10/2009, huyện và xã đã tổ chức đại hội thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. HTX có vốn điều lệ 300 triệu đồng, có 1 nhà xưởng và 20 ha trồng gừng trên núi.

UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện nay, toàn huyện có khoảng trên 600ha trồng gừng trên địa bàn 8 xã: Mường Lống, Bảo Thắng, Huổi Tụ, Mỹ Lý, Đooc Mạy, Na Ngoi, Tây Sơn, Bắc Lý, năng suất bình quân tầm 10-11 tấn/ha. Trước đây, do đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh nên diện tích gừng lên xuống theo từng năm, nhưng từ khi có HTX Hương Sơn thì đầu ra sản phẩm khá thuận lợi.

Giám đốc Nguyễn Văn Luân thông tin: HTX hiện tại đang có 100 hộ trồng, sản xuất gừng và trồng các loại rau củ quả, trái cây. Trong đó có 60 hộ trồng gừng, 20 hộ trồng rau củ quả và 20 hộ trồng trái cây.

Riêng với sản phẩm gừng, HTX không chỉ bao tiêu đầu ra cho các thành viên HTX mà còn cả các hộ nông dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương, cam kết thu mua với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết thành công với các đối tác để xuất khẩu gừng ra nước ngoài. Giá bán hiện nay tại thị trấn Mường Xén là 30.000-35.000 đồng/kg.

Gia đình anh Xồng Bá Lẩu, một thành viên HTX vừa “được mùa” gừng. Vụ gừng năm 2020, gia đình anh trồng hết 1,2 tấn giống, sau 10 tháng chăm sóc cho thu hoạch. Theo anh Lẩu, gừng năm nay khá tốt, củ to hơn hẳn các năm trước. Nhiều gia đình người H’Mông “thắng” lớn, với thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng từ gừng.

Chỉ dẫn địa lý tăng giá trị nông sản

Ông Xồng Vả Nênh, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, kể từ khi có HTX bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, đồng bào tập trung gieo trồng và thâm canh cây gừng, xem gừng là cây trồng chủ lực. Vì vậy, người dân 19 bản trong xã luôn có thu nhập ổn định, giảm bớt được rất nhiều khó khăn so với trước đây.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2021-06-1744-3682-

Kể từ khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, gừng Kỳ Sơn được thu mua với giá 30.000-35.000 đồng/kg.

Nhờ sự giúp đỡ của Sở KH&CN Nghệ An, huyện Kỳ Sơn đã xây dựng Đề án chỉ dẫn địa lý Gừng Kỳ Sơn và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp quyết định bảo hộ ở 15 xã vùng cao dọc biên giới với diện tích quy hoạch gần 1.000ha. Người dân được hướng dẫn trồng đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc, có logo, bao bì mẫu mã đẹp cho sản phẩm Gừng Kỳ Sơn.

Bên cạnh đó, địa phương cũng có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá để có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

"Nhận được thông tin sản phẩm gừng huyện Kỳ Sơn, chủ yếu là gừng xã Na Ngoi chúng tôi được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bà con nông dân ai ai cũng vui mừng và bàn với nhau thu hoạch xong vụ gừng này sẽ tiếp tục trồng nhiều gấp 2-3 lần", Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi nói.

Hơn 10 năm thu mua gừng để bán, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn Nguyễn Văn Luân cho biết, năm nay, nhờ có chỉ dẫn địa lý, Gừng Kỳ Sơn không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang EU, các nước như Banglades, Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia khu vực Trung Á như Uzbekistan, Kazakhstan…, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

"Gừng Kỳ Sơn được đánh giá chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao, trồng ở vùng núi cao, có khí hậu lạnh, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón hóa học nên được bạn hàng tín nhiệm. Do đó, đơn hàng mỗi năm tăng gấp 3 lần", ông Luân cho hay.

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay6,285
  • Tháng hiện tại273,295
  • Tổng lượt truy cập14,645,974
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây