Nghệ An gắn chương trình OCOP với xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 06/10/2020 22:53 0
Nghệ An là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản, việc triển khai Chương trình OCOP trong xây dựng NTM là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Xác định sản phẩm để nâng hạng
Bà Phan Thị Nhung - chủ hộ trồng rau mùi tàu ở xã Diễn Thái (Diễn Châu) là một trong những đơn vị có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt 3 sao thuộc Chương trình OCOP của tỉnh năm 2019, chia sẻ, đó sẽ là “giấy thông hành” để sản phẩm rau mùi tàu của bà đến được với những thị trường khó tính trong nước…
Bà Hoàng Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thái cho rằng, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, việc trên địa bàn xã có sản phẩm OCOP đạt 3 sao là rất quan trọng, bởi nâng cao giá trị sản phẩm rau mùi tàu của địa phương và tạo việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn. Chưa dừng lại ở đó, mục tiêu của xã là tập trung nâng hạng sao cho sản phẩm rau mùi tàu của địa phương. Tuy nhiên, để nâng được từ 3 sao lên 4 sao là không phải dễ, cần có nhiều thời gian và nỗ lực của HTX, bởi phải thực hiện được một số vấn đề cơ bản: Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, máy sơ chế, sản phẩm phải vào các siêu thị. 
image001 5

Rau mùi tàu Diễn Thái đã được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng "3 sao" về sản phẩm OCOP năm 2019. Ảnh: Xuân Hoàng
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có nhiều sản phẩm tiêu biểu đã được tỉnh xếp hạng 3 - 4 sao và hiện đang xây dựng một số sản phẩm tham gia OCOP năm 2020. Trong năm 2019, huyện Quỳnh Lưu có 4 sản phẩm đạt sao, trong đó, 3 sản phẩm xếp hạng “4 sao” gồm: Sản phẩm tảo xoắn Spirulina michio, sản phẩm đậu tương lên men, sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo của Công ty CP Khoa học xanh Hidumi Pharma; 1 sản phẩm xếp hạng 3 sao là sản phẩm giò bê Từ Tâm của HTX Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm Từ Tâm.
Để có sản phẩm tham gia OCOP tỉnh năm 2020, vừa qua, UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức chấm điểm một số sản phẩm tiêu biểu khác, trong đó, có 6 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện: Trứng gà thảo mộc ở Quỳnh Bảng; 2 sản phẩm cơm cháy ở Quỳnh Bá; sản phẩm ổi và thanh long của một trang trại ở Quỳnh Tam và sản phẩm nước mắm của HTX Tân An, xã An Hòa. Đối với 3 sản phẩm đã xếp hạng 4 sao cấp tỉnh của huyện Quỳnh Lưu trong năm 2019, tới đây sẽ tham gia xếp hạng sao OCOP cấp Quốc gia. 
image002 4
 
Đóng gói sản phẩm tảo xoắn Spirulina. Ảnh: Thanh Yên
Huyện Diễn Châu có thế mạnh riêng để xây dựng sản phẩm OCOP đạt sao, đó là sản phẩm từ hải sản, cây trồng, vật nuôi và thực phẩm. Trong năm 2019, huyện Diễn Châu đã có 3 sản phẩm đạt sao: Nước mắm Vạn Phần, lạc sen và rau mùi tàu.
Tuy nhiên, để có nhiều sản phẩm OCOP, huyện Diễn Châu đang gặp một số khó khăn. Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho rằng: “Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo dựng sản phẩm truyền thống, gắn tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhưng rào cản lớn nhất là Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ gì đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, nên nhiều cơ sở sản xuất chưa mặn mà.
Thời gian tới, huyện Diễn Châu nhắm đến một số sản phẩm chủ lực: nấm (Diễn Lộc), trứng gà (Diễn Trung), ruốc biển, tôm nõn (Diễn Vạn), bánh kẹo… Trong số đó, trứng gà Diễn Trung đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Để “tiếp sức” cho các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm OCOP đạt sao, hiện tại Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, thì huyện Diễn Châu có thể sử dụng nguồn vốn sự nghiệp xây dựng NTM của Quốc gia để hỗ trợ, phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân có thêm động lực để thực hiện sản phẩm OCOP”.
image003 3

Chế biến tôm nõn ở Diễn Châu. Ảnh: Tư liệu
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Còn tại huyện Yên Thành, nói về xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dương cho rằng: Mặc dù huyện Yên Thành đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, nhưng không phải vì thế mà bằng lòng, nhiệm vụ của các địa phương là làm thế nào để tạo việc làm cho nông dân ngay tại địa phương. Vì vậy, xây dựng sản phẩm OCOP là việc làm cần thiết, nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm và khai thác tiềm năng của địa phương.
Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm lúa hàng hóa mang thương hiệu Yên Thành, trong đó, sẽ khôi phục giống lúa nếp rồng. Đặc biệt, huyện Yên Thành có sản phẩm lươn đồng nổi tiếng ở xã Long Thành, huyện đang xúc tiến mở rộng hình thức nuôi lươn không bùn. Trong đó, huyện Yên Thành dự kiến sẽ xây dựng làng nghề lươn ở xã Long Thành. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có bưởi, mật ong, nghệ…
Đây là những sản phẩm chủ lực của huyện, tạo được việc làm cho nhiều nông dân và nhiều nông dân có thể thực hiện được. Từ đó mở thêm ngành nghề, tăng thu nhập cho người dân, qua đây cũng có thể chuyển giao KHKT, nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất.
“Yên Thành đã đạt huyện NTM, vì vậy, việc xây dựng sản phẩm OCOP là rất quan trọng, nhằm tăng giá trị sản phẩm mang tính đặc sản của địa phương. Đây cũng là giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho người dân” - ông Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh.
image004 1
Nấm trồng là sản phẩm thế mạnh của nhiều địa phương hiện nay. Ảnh Xuân Hoàng
 
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Nghệ An bắt đầu thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP từ năm 2019. Có thể nói, bước đầu cho thấy đã có những chuyển biến tích cực, với 48 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao.
Điều đó cho thấy, các tổ chức, cá nhân đã quan tâm đến thương hiệu của sản phẩm quê mình. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách 48 sản phẩm đã được UBND tỉnh xếp hạng sao thì chủ yếu vẫn là vùng đồng bằng, trung du, còn ít sản phẩm thuộc vùng miền núi. Những doanh nghiệp, HTX, làng nghề, gắn bó với những sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho các địa phương, góp phần không nhỏ vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
image005 1
 
Tất cả 48 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được phân bố từ miền xuôi lên miền núi. Các sản phẩm đều là đặc sản của các vùng, miền của Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng
Chương trình OCOP được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trên địa bàn cả tỉnh, cả nước; khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở khu vực đô thị với mục tiêu nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chủ thể thực hiện là hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách. Thực hiện tốt sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới trong giai đoạn tới.
 

Tác giả bài viết: Xuân Hoàng

Nguồn tin: Báo Nghệ An:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay19,626
  • Tháng hiện tại309,304
  • Tổng lượt truy cập15,030,362
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây