Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ ba - 10/05/2022 03:48 0
Chiều 9/5, dưới sự chủ trì của ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa
 
Tham gia hội nghị có bà Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh và đại diện một số đơn vị cấp huyện.
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; cơ sở xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động…
 
Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: Mai Hoa
 
Tham gia góp ý, các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, trong đó liên quan đến phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm góp ý liên quan đến những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai. Có ý kiến đề nghị, ngoài công khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hàng năm thì cấp xã cũng cần công khai kết quả thực hiện như thế nào đến với Nhân dân.
 
Đại tá Hồ Văn Tứ - Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị ban soạn thảo dự thảo luật rà soát kỹ, tránh trùng lặp với các nội dung đã được quy định tại Luật Tiếp cận thông tin và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Mai Hoa

Một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ, tránh trùng lặp với các nội dung đã được quy định tại Luật Tiếp cận thông tin và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Nhiều đại biểu góp ý về hình thức công khai cấp xã, trong đó có ý kiến cho rằng cần quy định “cứng” hình thức công khai đăng tải lên trang thông tin điện tử cấp xã và không có thời hạn; tránh cơ sở lựa chọn hình thức ít người tiếp cận nhất.
Mặt khác, cần nghiên cứu, cân nhắc hình thức công khai thông qua mạng xã hội như: Zalo, Viber, Facebook.
 
Ông Đậu Khắc Thân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nghi Lộc đóng góp ý kiến vào một số quy định về nội dung, hình thức cộng đồng dân cư bàn và quyết định. Ảnh: Mai Hoa

Một số ý kiến tham gia đóng góp vào quy định những nội dung, hình thức cộng đồng dân cư bàn và quyết định; trong đó quy định tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình cần chi tiết hóa số lượng có từ 50% trở lên cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
Hình thức bàn, quyết định của cử tri, ngoài họp dân trực tiếp, phát phiếu thì cần bổ sung hình thức thông qua zalo, viber, facebook.
Về hình thức giám sát của Nhân dân, cần bổ sung thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Đại diện Sở Nội vụ đề nghị nghiên cứu cân nhắc hình thức công khai thông qua mạng xã hội zalo, viber, facebook một số nội dung. Ảnh: Mai Hoa
 
Liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc áp dụng một số điều của dự thảo luật này, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của tổ tự quản của thôn, tổ dân phố; bởi trong thực tiễn các tổ tự quản hoạt động rất hiệu quả, nhưng hiện tại chưa có quy định nào mà đang tự phát.
Nhiều ý kiến góp ý vào quy định tổ chức đối thoại với Nhân dân; quy định về công khai; trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
 
Bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh đề xuất cân nhắc một số quy định thực hiện dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa trong quá trình xây dựng dự thảo luật.
Đây cũng là căn cứ để Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu, góp ý kiến đóng góp xây dựng luật tại các diễn đàn Quốc hội thời gian tới.
 

Nguồn tin: Theo Bao Nghe An:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay8,253
  • Tháng hiện tại341,214
  • Tổng lượt truy cập11,345,600
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây