Phát triển hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chủ nhật - 10/04/2022 06:29 0
Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An có số lượng hợp tác xã (HTX) không nhiều, quy mô lại nhỏ. Đây là vấn đề cần có giải pháp để các HTX thực sự “bà đỡ” cho người dân, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.
Vai trò đóng góp của HTX
Vai trò, hoạt động của HTX là cầu nối quy tụ, tập hợp những người sản xuất vào HTX, đưa ra mô hình sản xuất và tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn; đồng thời làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất. Thông qua việc thành lập và hoạt động của HTX góp phần khai thác, phát huy lợi thế kinh tế của rừng vùng miền, địa phương; đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi hình thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
 
Sản phẩm của HTX sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiêu biểu huyện Quế Phong trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu tại Thành phố Vinh

Ở huyện Quế Phong, nhiều HTX đã khẳng định được vai trò của mình. Như HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong), theo chia sẻ của ông Lang Văn Mão - Giám đốc HTX, từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ ít lồng cá, sau khi thành lập HTX vào năm 2019, các hộ dân tham gia vào HTX được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách lồng nuôi từ Nhà nước, đặc biệt là tìm mối đầu ra cho con cá; các hộ dân là thành viên HTX đã đầu tư thêm lồng nuôi, hộ ít nhất là 10 lồng, hộ nhiều nhất là 70 lồng và từ 20 thành viên nay phát triển lên 32 thành viên. Từ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thuỷ điện Hủa Na, nhiều hộ dân đang chuyển sang nuôi cá hàng hoá (gồm cá leo, cá lăng đen, cá lăng đuôi đỏ, cá trắm, cá bọp, cá vược…), đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Thị trường tiêu thụ cá của HTX, không chỉ trong nội huyện mà còn có mặt ở huyện Nghĩa Đàn, thành phố Vinh.

Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Minh, từ việc áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap đã đưa con lợn đen địa phương có giá trị kinh tế cao hơn và lan toả rộng hơn, đi vào các nhà hàng, siêu thị. Hay thông qua hoạt động của HTX Sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiêu biểu huyện Quế Phong đã góp phần hình thành kênh tiêu thụ các sản phẩm mây tre dan, dệt thổ cẩm và đặc biệt là các dược liệu do đồng bào sản xuất. Theo bà Sầm Thị Yến – Giám đốc HTX, cho biết, trước đây khi chưa có HTX, các sản phẩm lá, rễ cây rừng được đồng bào khai thác cũng chỉ phục vụ cho các thương lái thu mua phục vụ cho hoạt động đông y gia truyền hoặc tự tiêu tại địa phương. Nhưng từ khi HTX thành lập và được huyện tạo điều kiện mở quầy hàng  giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của huyện, thì nhiều dược liệu vùng đất Quế như chè hoa vàng, rễ cây mú từn, nấm linh xanh, cà gai leo, cỏ máu, chuối hột rừng…, đã vượt không gian, vươn tới các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Ở huyện Con Cuông, theo chia sẻ của ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện, trên địa bàn hiện có 37 HTX, trong đó có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó đã có một số HTX đã xây dựng được sự kế nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên, như: HTX cây con xã Chi Khê; HTX dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng, bản khe Rạn; HTX mây tre đan Bản Diềm, xã Châu Khê... Đặc biệt, ở HTX Dược liệu Pù Mát sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, giảo dây thìa canh; trà hoà tan dây thìa canh, cà gai leo; trà dược liệu giảo cổ lam. HTX hiện thu hút 89 thành viên là các hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất với diên tích hơn 15 ha nguyên liêu và mục tiêu trong năm 2022 này tiếp tục mở rộng lên 32 ha với 120 thành viên tại 7 xã trên địa bàn huyện.
 
z3330463110331 bf54ed144d74835f63f0caf50ac74d05
Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh bàn giao công trình hỗ trợ HTX Hương Sơn chế biến sản phẩm từ Gừng.

Hiện nay, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số gồm ở 11 huyện, thị xã hiện có 279 HTX, chiếm 35% số lượng HTX trên toàn tỉnh. Trong đó có 221 HTX nông, lâm nghiệp; 23 HTX CN, TTCN làng nghề; 7 HTX vân tải; 15 HTX thương mại, dịch vụ và chợ; 4 HTX xây dựng; 2 HTX môi trường; 7 quỹ tín dụng dụng nhân dân. Theo khẳng định của ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hoạt động của HTX đã đóng vai trò rất quan trọng trong thay đổi trình độ sản xuất của người dân, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn nhưng tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương và lan toả sản phẩm đến với thị trường trong tỉnh và vươn xa hơn là xuất khẩu như gừng Kỳ Sơn và hiện tại sản phẩm của HTX dược liệu Pù Mát cũng đang tính đến xuất khẩu.

Một số vấn đề cần giải quyết
Bên cạnh những mặt tích cực, thì nhìn chung, HTX ở vùng miền núi và đồng bào dân tộc quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít. Hoạt động của HTX chủ yếu mới làm được khâu dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Bá Hiền - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong, do các HTX đang thiếu người đứng đầu năng động, có tư duy kinh tế thị trường và chịu khó để tìm kiếm bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm của  HTX cũng đang ở quy mô nhỏ, đặc biệt mô hình sản xuất và sản phẩm chưa có yếu tố nổi trội, vượt lên.

Cùng với ý kiến của ông Nguyễn Bá Hiền, ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng, sản phẩm của HTX làm ra muốn bán được thì phải kết nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thời gian qua, huyện đã có những hỗ trợ cho các HTX tham gia các hội chợ, tuy nhiên điều cần đối với HTX là phải xây dựng được chuỗi cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với tiêu thụ thì chưa làm được. Bên cạnh đó chưa những mô hình HTX thật sự điển hình và mẫu để có thể nhân rộng và lan toả.
 
HTX dược liệu Pù Mát giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại Hội chợ

Ngoài các vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cũng thẳng thắn: Trình độ quản trị của nhiều HTX còn yếu, phần lớn quản trị theo kinh nghiệm; khả năng tiếp cận các chính sách còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 20230, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Theo đó có nhiều dự án thành phần của chương trình sẽ được hỗ trợ triển khai, trong đó có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền núi để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị. Thực tiễn thời gian qua, vai trò thực hiện sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị chủ yếu là doanh nghiệp và HTX. Trong điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực miền núi đang còn khó khăn, thì giải pháp trước mắt là tập trung nâng cao năng lực hoạt động của của HTX hiện có và thành lập thêm các HTX mới để thực hiện vai trò “bà đỡ” cho đồng bàothúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng này.
MAI HOA
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay9,243
  • Tháng hiện tại311,233
  • Tổng lượt truy cập15,452,350
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây