Thương mại điện tử mở rộng đầu ra cho HTX

Thứ ba - 19/04/2022 09:51 0
Trong thời đại 4.0, thương mại điện tử sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực người dân, HTX trong việc kết nối với khách hàng trong và ngoài nước, từ đó giúp mô hình kinh tế tập thể thích ứng tốt hơn với xu thế thời đại.
Trước sự phát triển của những chiếc điện thoại thông minh cùng internet tốc độ cao, hình ảnh người nông dân, thành viên HTX trong vai trò kinh doanh trực tuyến đã không còn xa lạ.

Tiếp cận kênh bán hàng hiện đại
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM hiện đã có khoảng 26.900 cửa hàng kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, ở các vùng nông thôn hiện có 22,5 triệu người sử dụng facebook và ở thành thị là 23,5 triệu người. Đây là cơ hội lớn cho các liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác (THT) trên cả nước xây dựng các gian hàng trực tuyến.
Theo các chuyên gia, trong năm 2022, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Đây cũng là cơ hội để các HTX xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng thị trường và phục hồi sau đại dịch.
Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Hòa Bình) tâm sự với sự thành công của mùa nhãn năm ngoái, dự kiến năm nay, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh bán hàng trực tuyến ở các sàn thương mại điện tử để phát triển chuỗi giá trị, hạn chế tình trạng được mùa mất giá và giảm bớt chi phí…
Có thể thấy, cũng như các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử trong kinh doanh là xu thế mà các THT, HTX, liên hiệp HTX không thể bỏ qua và cần tận dụng để nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0. Đây cũng là cách thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói chung và khu vực kinh tế tập thể nói riêng.
 
Kinh doanh bằng thương mại điện tử giúp HTX tiết giảm nhiều chi phí.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cho biết thực tế năng lực sản xuất của các thành viên HTX rất tốt. Nhưng hiện nay, khó khăn đặt ra đó chính là tiếp cận khách hàng, đặc biệt là khách hàng cao cấp, khó tính. Minh chứng là dù các HTX có chất lượng nông sản tốt, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận của thế giới nhưng vẫn bị mất giá hoặc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.Chính vì vậy, để phát triển được những ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể và hạn chế được những thách thức nội tại và khách quan thì chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử là hướng đi tất yếu. Thương mại điện tử sẽ là công cụ giúp người dân, HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn.
Nắm bắt được điều này, các tỉnh thành đã và đang tích cực hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, bán hàng online thông qua sự trợ lực của các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử. Hiện, tỉnh Hòa Bình cũng đang tổ chức Hội nghị Xúc tiến cung cầu và giới thiệu sản phẩm của các HTX tại TP. Hà Nội.
Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, chia sẻ với định hướng sản xuất kinh doanh thông qua thương mại điện tử, Hội nghị sẽ giúp các HTX, THT ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư, liên kết mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các đối tác ở trong và ngoài nước.

Bán hàng đa kênh là xu hướng tất yếu
Theo các chuyên gia, để tận dụng thương mại điện tử một cách hiệu quả, các HTX cần xác định rõ được thị trường, khách hàng mục tiêu, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng…, sau đó số hóa các bước trên, hướng đến phương thức xúc tiến thương mại qua mạng online.
Để làm được điều này, HTX cần đầu tư về nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc nâng cao kỹ năng số, kiến thức khoa học công nghệ cho thành viên bằng việc liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp. “Khi con người có kiến thức, kỹ năng thì có thể chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử một cách hiệu quả. Lúc này, khoa học công nghệ không chỉ giúp các thành viên HTX có thêm nhiều thông tin mà quá trình quản trị cũng thuận lợi hơn, minh bạch hơn”, PGS.TS Đào Thế Anh phân tích.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, bán hàng thông qua thương mại điện tử là cần thiết nhưng trong thời gian tới, các HTX cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, nhất là trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thay vì chỉ có bán trên một fanpage hay trang facebook cá nhân như hiện nay.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết Trung Quốc là một quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất trên toàn cầu. Nước này có 1,3 tỷ người sử dụng internet di động, số người mua hàng trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất thế giới.
Không ít người dân, HTX ở Trung Quốc đã tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới để bán hàng thành công. Nhờ đó là số đơn hàng thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2020 của nước này được thông quan tăng 63,3% so với năm 2019, đạt 2,45 tỷ đơn hàng.
“Tuy Việt Nam là một trong những bạn hàng truyền thống của Trung Quốc nhưng trong bán hàng qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Việt Nam vẫn chưa nằm trong nhóm khách hàng nhập khẩu cao của nước này. Đây chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các HTX và các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Lai khuyến nghị.
Ngoài bán hàng đa kênh, sức hút mạnh mẽ từ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng là điều các HTX cần lưu tâm. Theo nghiên cứu của hãng tư vấn McKinsey, đến cuối năm 2021 đã có 84% người tiêu dùng lên kế hoạch hạn chế dùng tiền mặt và sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. Hơn 70% người tiêu dùng đã trải nghiệm không dùng tiền mặt và sử dụng các hình thức thanh toán số. Khoảng 21% số người tiêu dùng được khảo sát quyết tâm không dùng tiền mặt sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng các HTX tiếp tục đầu tư công nghệ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để các HTX theo kịp sự phát triển của công nghệ, các HTX luôn mong muốn các chính sách về thương mại điện tử cần mang tính khuyến khích, hỗ trợ. Đặc biệt là hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo được ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, gây khó khăn cho HTX trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử phát triển vào sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn như việc chưa cho sử dụng chữ ký điện tử trong một số bản hợp đồng đang kìm hãm sự phát triển của công nghệ, nhất là trong thời buổi dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

 

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay13,458
  • Tháng hiện tại315,448
  • Tổng lượt truy cập15,456,565
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây