Nâng cao năng lực cho Tổ hợp tác phát triển

Thứ hai - 03/01/2022 09:52 0
Dù có đóng góp không nhỏ trong việc phát triển Kinh tế tập thể, HTX nhưng đến nay mô hình Tổ hợp tác vẫn chưa có tư cách pháp nhân và chưa nhận được sự hỗ trợ xứng đáng từ Nhà nước. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển sẽ giúp mô hình kinh tế này có kế hoạch sản xuất kinh doanh rõ ràng.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có 120.319 tổ hợp tác (THT). Trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp có 44.226 THT, còn lại là các THT trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chưa có tư cách pháp nhân
Trong số đó, không ít THT hoạt động hiệu quả, đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Tiêu biểu như THT sản xuất cam VietGAP Tân Thành (Hà Giang) đang có 14 thành viên cùng hỗ trợ nhau sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. THT có thể cung cấp 300 tấn/năm, với giá bán tại vườn là 7.000-8.000 đồng/kg, giúp mang lại lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Nhờ có THT, chất lượng cam đã được nâng lên, từ đó có thể tiêu thụ ổn định trên thị trường.
Hoạt động của nhiều THT đã thúc đẩy sản xuất trên địa bàn, tận dụng được các nguồn lực về đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, hình thành phương thức kinh doanh mới, hướng sản xuất tới thị trường. Đặc biệt, đối với các THT quy mô lớn, hình thức tổ chức hoạt động đa dạng, hiệu quả đang là tiền đề quan trọng để phát triển thành các HTX. Ví dụ như THT cây ăn quả thôn Yên Ninh (Yên Bái) đã phát triển thành HTX cây ăn quả Hưng Thịnh năm 2019 và đang là mô hình sản xuất theo chuỗi hiệu quả ở địa phương.
Mặc dù có những lợi thế nhất định, nhưng trong thực tế sản xuất của các THT vẫn còn không ít khó khăn. Với 25 hộ dân cùng hoạt động, THT làm vườn xã Mỹ Quý (Đồng Tháp) đang tập trung trồng các loại cây ăn quả như mít Thái, chanh dây... Vào mùa thu hoạch, trung bình mỗi ngày THT có thể cung cấp cho thị trường hàng tấn quả.
Không ít THT đang hoạt động hiệu quả và hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh dựa vào thế mạnh địa phương.
 
Ông Đỗ Tháp Mười, Tổ trưởng THT Mỹ Quý cho biết để có đầu ra, các thành viên phải tự chủ động tìm kiếm thị trường. THT cũng rất ít nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
“Hiện, THT chưa nhận được sự hỗ trợ về vốn, thị trường, chưa có tư cách pháp nhân nên không tạo được niềm tin khi làm việc với doanh nghiệp, ngân hàng”, ông Đỗ Tháp Mười chia sẻ.
Bên cạnh những THT hoạt động hiệu quả thì vẫn còn những THT đang gặp khó khăn về vốn, liên kết sản xuất kinh doanh, đầu ra, cơ sở hạ tầng… Nhiều THT hoạt động nhưng theo mùa vụ, thiếu hướng tư vấn của chính quyền địa phương nên không bảo đảm tính ổn định, bền vững.
Ngoài những khó khăn nội tại thì hiện nay, THT cũng chưa có tư cách pháp nhân. Ngay trong Nghị định 77/2019/NĐ-CP cũng mới chỉ hướng dẫn chung về thành lập, hoạt động, giải thể THT và ghi THT là mô hình không có tư cách pháp nhân. Chính vì không có tư cách pháp nhân nên nhiều THT không được cấp giấy đăng ký kinh doanh, không có mã số thuế.
Theo các chuyên gia, điều này không chỉ làm khó THT khi không bảo đảm được yêu cầu của các ngân hàng về vay vốn. Bên cạnh đó, do không có tư cách pháp nhân nên nhiều THT không thể đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hóa, không lập được tài khoản riêng để giao dịch. Nhằm giải quyết các khó khăn trong quá trình hoạt động, các thành viên phải tự huy động nguồn lực cá nhân để phục vụ sản xuất kinh doanh. Điều này vô tình làm mất đi bản chất của mô hình KTTT là cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Chưa được hỗ trợ xứng đáng
Không dừng lại ở đó, hiện nay chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ các THT trong quá trình hoạt động. Ngay trong Luật HTX năm 2012, tuy có nhiều đổi mới nhưng mới chỉ tập trung vào các HTX, Liên hiệp HTX, còn mô hình THT thì bị bỏ ngỏ.
Cụ thể tại Khoản 1 Điều 13 của Luật HTX năm 2012 hiện nay không quy định doanh nghiệp tư nhân và THT được tham gia thành viên HTX. Điều này vừa làm hạn chế khả năng huy động nguồn lực và thu hút thành viên của HTX vừa không tạo điều kiện cho THT phát triển. Trong khi hiện nay, cả nước có 120.319 THT, đây là tác nhân quan trọng tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Nếu THT được là thành viên của HTX chắc chắn sẽ thúc đẩy KTTT phát triển.
Còn tại Điều 6 Luật HTX năm 2012 quy định, chính sách hỗ, ưu đãi của Nhà nước thì đối tượng được hưởng chỉ là HTX, Liên hiệp HTX còn THT thì không nằm trong chính sách này.
Theo chia sẻ của các THT, tại Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt về chương trình hỗ trợ phát triển HTX cũng không có đối tượng THT. Điều này khiến trong suốt 5 năm qua, các THT phải tự gồng mình tự sản xuất kinh doanh dù thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
 
Việc hỗ trợ các THT phát triển sẽ thúc đẩy người dân sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa.
 
Chia sẻ về vấn đề các THT đang gặp phải, ông Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2020-2025 cũng chưa quan tâm đến mô hình này.
Ông Lưu Quốc Doãn cho rằng Quyết định 1804 bao gồm 6 chương thì 4 chương có quy định THT được hưởng chính sách hỗ trợ (chương 2, 2,4, 6), còn chương thành lập mới, củng cố tổ chức (chương 1) và chương hỗ trợ kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (chương 5) thì không có quy định THT được hưởng thụ.
“Việc hỗ trợ các THT gần như chưa có, bởi nguồn vốn hầu hết tập trung hỗ trợ cho các HTX, Liên hiệp HTX phát triển”, ông Doãn chia sẻ.
Những bất cập trong Luật HTX năm 2012 và một số quy định, nghị định về phát triển KTTT đang làm mờ nhạt vai trò của mô hình THT. Trong khi hiện nay có không ít THT có quy mô thành viên lớn, hoạt động hiệu quả.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, nhiều THT hiện nay đã có tài sản chung, thành viên cùng nhau góp vốn, góp sức, có quy chế hoạt động rõ ràng. Có những THT có tổng tài sản lên đến 631,9 tỷ đồng, trong đó có THT hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có tài sản 119 tỷ đồng, THT vận tải có tài sản trung bình 42,7 tỷ đồng, THT xây dựng có tài sản trung bình khoảng 63 tỷ đồng.
Có thể thấy, THT đang góp phần không nhỏ trong phát triển KTTT, HTX cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của Nhà nước đến mô hình THT, nhất là việc sửa đổi Luật HTX năm 2012 và xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp giống như các HTX, Liên hiệp HTX. Những điều này sẽ góp phần tích cực thúc đẩy các THT phát triển bền vững và thực sự là nguồn quan trọng để phát triển lên thành HTX kiểu mới.

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay14,633
  • Tháng hiện tại316,623
  • Tổng lượt truy cập15,457,740
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây