Nam Đàn (Nghệ An) - Miền du lịch tâm linh

Thứ sáu - 18/06/2021 10:16 0
Trong những năm qua, với lợi thế về địa lý - lịch sử - văn hóa, Nam Đàn - Nghệ An đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan, tìm hiểu tại nhiều ngôi đền chùa, những địa điểm di tích nổi tiếng.
Không chỉ có những câu Ví - Giặm đợi chờ, không chỉ có những di tích tạc vào lịch sử, không chỉ có Hoàng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha, về với Nam Đàn là về với miền du lịch mà chỉ cần lạc vào đó thôi, người lữ khách sẽ có cảm tưởng như mình đang sống ở xã hội nhiều thế kỷ trước. Những miền kí ức hay đoái nhìn nét đẹp trong văn hóa tâm linh nơi đây ta bồi hồi dâng lên dạ khúc tự hào.
 
http://media.nghean24h.vn/thumb_x500x/2021/6/12/31/nam-dan-nghe-an-mien-du-lich-tam-linh-1623506052.jpg
Làng sen quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên những nét mộc mạc, đơn sơ, giản dị, nơi bậc vĩ nhân chào đời.

Du lịch tâm linh
Du lịch tâm linh và du lịch văn hóa đang là xu thế phát triển chung của du lịch Việt Nam nói chung và Nam Đàn, Nghệ An nói riêng. Sự phát triển của loại hình du lịch này không những mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho du khách thập phương.
Trong những năm qua, với lợi thế về địa lý - lịch sử - văn hóa, Nam Đàn - Nghệ An đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan, tìm hiểu tại nhiều ngôi đền chùa, những địa điểm di tích nổi tiếng.
Là huyện đồng bằng nửa đồi núi thuộc tỉnh Nghệ An nằm ở hạ lưu sông Lam, Nam Đàn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa vừa phong phú với 173 di tích, danh thắng, trong đó có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, chùa Đại Tuệ… cùng hệ thống sông, núi, hồ, đập đa dạng. Nam Đàn được xác định là vùng trọng điểm phát triển du lịch, cùng với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò tạo thành tam giác phát triển du lịch của Nghệ An và Bắc Trung Bộ.
Trong những năm qua, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng phục vụ du lịch cùng nhiều tuyến đường được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng; một số di tích được tu bổ và mở rộng khuôn viên (Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, chùa Đại Tuệ, quần thể đền Chung Sơn…); một số nhà hàng, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch được hoàn thành… Bên cạnh đó, các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu do huyện chỉ đạo hỗ trợ cơ bản đã hoàn thiện chuẩn bị đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch như: mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm của hộ gia đình Phạm Ngọc Lợi tại xã Nam Nghĩa; mô hình trang trại hoa của hộ gia đình ông Phạm Trung Kiên tại xã Kim Liên; mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm Eo Gió tại xã Nam Giang; mô hình hình du lịch homestay của 4 hộ gia đình (ông Nguyễn Sinh Chung, ông Nguyễn Sinh Lạc, ông Vương Minh, ông Nguyễn Hồng Thuý) tại xóm Sen 3, xã Kim Liên.
Bên cạnh tận dụng ưu thế làng Sen quê Bác và các sản phẩm bổ trợ, một số ý kiến đưa ra giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông thôn ở Nam Đàn cần kết hợp với loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, để có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, tăng thời gian lưu trú cho khách du lịch… Trong đó đặc biệt, điểm du lịch tâm linh chùa Đại Tuệ, đền Chung Sơn, đình Hoành Sơn, đền Vua Mai, đền Tán Sơn… là có thể đưa vào khai thác ngay cùng với trải nghiệm làng nghề truyền thống, nghe dân ca ví - giặm...
 
http://media.nghean24h.vn/thumb_x500x/2021/6/12/31/nam-dan-nghe-an-mien-du-lich-tam-linh1-1623506052.jpg
Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) với nét kiến trúc thế kỷ XVII - XVIII là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi về với Nam Đàn.

Dạ khúc tự hào
Trong tâm thức của mỗi người dân, Nam Đàn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, cái nôi của phong trào yêu nước, có bề dày lịch sử lâu đời. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, hào kiệt như: Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Nam Đàn hiện có 24 di tích cấp quốc gia, trong đó hai di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích Kim Liên và Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu; cùng những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú và hấp dẫn như Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Làng Sen, các làn điệu Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh.
Đặc biệt, năm 2013, Khu di tích Kim Liên được quy hoạch trở thành khu du lịch Quốc gia, hằng năm đón và phục vụ hàng triệu lượt du khách đến tham quan, dâng hương. Nơi đây trở thành một trong những điểm giáo dục truyền thống về tư tưởng, đạo đức cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, là điểm đến đặc thù mang thương hiệu của du lịch Nghệ An. Về làng Sen, ta cảm nhận đầy đủ hơn về một làng quê, hồn quê đặc trưng thuần Việt.
 
http://media.nghean24h.vn/thumb_x500x/2021/6/12/31/nam-dan-nghe-an-mien-du-lich-tam-linh2-1623506052.jpg
Đền Chung Sơn (xã Kim Liên, Nam Đàn) được xây dựng hài hòa trong tổng thể cảnh quan, kiến trúc không gian Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và phù hợp với quy hoạch phát triển Khu du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái núi Chung, với nhiều hạng mục hấp dẫn như mô hình đồng lúa nếp Rồng, dòng sông Sen, khu tham quan dệt vải lụa từ cọng sen, sản xuất sản phẩm nến từ thảo dược…

Dừng chân đứng lại làng sen quê cha, ta được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: Lò rèn cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý, nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc Nam. Hay một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo… Ta gặp lại ở đây cây đa làng mà hai lần Bác Hồ về thăm quê năm 1957 và năm 1961 đứng dưới bóng cây cổ thụ xanh tốt, Bác đã căn dặn bà con làng Sen với giọng trầm ấm - dù bao năm đi xa tiếp xúc với nhiều ngoại ngữ các nước khác nhau nhưng Bác vẫn nói giọng quê quen thuộc, vẫn những lời thân thiết gần gũi như một câu Kiều: "Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Qua bao năm ấy biết bao ân tình''.
Men theo những gốc xà cử cổ thụ in hằn tuổi thơ cậu bé Nguyễn Sinh Cung ngày nào, ta tìm về núi Chung - nơi có đền thờ gia tiên, song thân phụ mẫu cùng anh chị em ruột của Người - vị cha già dân tộc. Đền Chung Sơn trở thành nơi thờ tự tôn nghiêm đầu tiên tưởng nhớ và tri ân những công lao to lớn của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương, đất nước.
Ngôi đền được xây dựng hài hòa trong tổng thể cảnh quan, kiến trúc không gian Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và phù hợp với quy hoạch phát triển Khu du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái núi Chung.
Ngược dòng sông Lam, ta về với Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) để chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa bền chặt với người dân nơi đây. Nằm bên hữu ngạn Sông Lam thơ mộng, đình Hoành Sơn hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc; tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa và là một thế giới quan sống động “tạc” lại rõ nhất vẻ đẹp trong nếp sống của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Hay đoái nhìn đền thờ Mai Hắc Đế ở khu vực Ngọc Đái Sơn (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) mới thấy hết được những giá trị lịch sử, cuộc đời, gia thế, sự nghiệp của vị Vua chưa gặp thiên thời. Nép mình bên QL46, hướng ra đê sông Lam, đền Vua Mai phong quang, sạch sẽ. Về Ngọc Đái Sơn đắm mình trong dòng chảy thời gian, nhòe mắt trước khói hương nơi đây mới thấy được nét văn hóa trong lối kiến trúc thời bấy giờ bề thế đến nhường nào.
http://media.nghean24h.vn/thumb_x500x/2021/6/12/31/nam-dan-nghe-an-mien-du-lich-tam-linh4-1623506052.jpg
Đền thờ Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
 
Cổng đền thờ Vua Mai khá đồ sộ, 3 tòa, sáu trụ nhưng chỉ một lối vào rộng thênh thang. Hai trụ chính cao lớn, trên chóp có tượng kỳ lân, những trụ khác gắn sen búp. Hai bên cổng xây tường có mái giả, bên trái đắp tượng quan võ đeo kiếm, ngựa hồng, bên phải đắp tượng quan văn cầm quyển thư, ngựa bạch. Cuối năm 2004, đầu năm 2005, đền được trùng tu gồm ba phần: Thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sĩ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng công đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối.
Về miền di sản, ta yêu hơn những di tích, ngợi ca vẻ đẹp của danh lam, đắm mình vào những hồn say của thắng cảnh. Đền Tán Sơn (xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn) là một nét chấm phá trong bức tranh du lịch tâm linh của huyện Nam Đàn.
Đền Tán Sơn được xây dựng trên núi Tán vào giữa thế kỷ XVI. Với diện tích 4 ha, bao quanh bởi 5 ngọn núi: Núi Anh, Núi Tán, Núi Nhuệ, núi Khúc và núi Thiệt Diệt; soi bóng xuống dòng sông Mai Hồ thơ mộng. Đoái nhìn đền Tán Sơn mới thấy hết sự uy nghi, trầm lắng, tĩnh mịch và linh thiêng.
Đền Tán Sơn được xây dựng trên núi Tán vào giữa thế kỷ XVI. Với diện tích 4 ha, bao quanh bởi 5 ngọn núi: Núi Anh, Núi Tán, Núi Nhuệ, núi Khúc và núi Thiệt Diệt; soi bóng xuống dòng sông Mai Hồ thơ mộng. Đoái nhìn đền Tán Sơn mới thấy hết sự uy nghi, trầm lắng, tĩnh mịch và linh thiêng.
Phát huy thế mạnh du lịch
Để quê Bác trở thành Khu du lịch quốc gia, điểm nhấn là Khu di tích Kim Liên, thời gian tới tỉnh Nghệ An cần tập trung một số nhiệm vụ gắn với thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo. Bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để triển khai các dự án hạ tầng du lịch, Nghệ An cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt để đẩy mạnh xã hội hóa trong tôn tạo các di tích lịch sử và đầu tư các dự án khác, không thụ động trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ, trong đó tập trung chấn chỉnh và hoàn thiện công tác phục vụ khách tại Khu di tích Kim Liên và các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn; kết nối với các điểm du lịch lân cận để mở rộng không gian du lịch; chú trọng phát triển các loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan làng quê, mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch trên sông Lam, trình diễn Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương; xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm... Đồng thời, tăng cường quảng bá, hợp tác liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để kết nối Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung với các tuyến du lịch xuyên Việt, quốc tế; chăm lo công tác đào tạo bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho cán bộ, công chức và người dân Nam Đàn đáp ứng vị thế và nhiệm vụ phát triển du lịch của địa phương trong xu thế hội nhập quốc tế.
Du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng đang là thế mạnh của huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Nếu phát huy đúng với những giá trị của di tích, danh thắng… thì một ngày không xa Nam Đàn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Nghệ An./.
Tác giả: Nguyễn Diệu

Nguồn tin: vanhoavaphattrien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay18,686
  • Tháng hiện tại290,467
  • Tổng lượt truy cập15,011,525
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây