Bác Hồ trong mắt các nhà báo nước ngoài

Thứ hai - 21/06/2021 07:17 0
Trong mắt các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho những đức tính cao đẹp nhất của một người cộng sản. Và Người không chỉ là một nhà báo quốc tế mà còn sáng lập nên nền báo chí cách mạng Việt Nam.
https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/Uploaded/2021/nkydekxlxk/2021_06_21/bac_ho_trong_cay_dai_ben_mo_mahatma_gandhianh_tu_lieu9620866_2162021.jpeg
Bác Hồ trồng cây đại bên mộ lãnh tụ Mahatma Gandhi (Ấn Độ). Ảnh tư liệu

Bác Hồ trong mắt một nhà báo Liên Xô
Tháng 6/1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến đất nước của V.I.Lênin. Tháng 10/1923, với tư cách là đại diện cho Đảng Cộng sản Pháp, Người đã tham dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân do Quốc tế Cộng sản tổ chức tại Thủ đô Mátxcơva của Liên Xô. Tại đại hội, Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân gồm 11 ủy viên. 
Sau sự kiện này, phóng viên Osip Mandelstam (1891-1938) của tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” (Ogoniok) đã được tòa soạn phân công phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả của cuộc phỏng vấn này là bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” số 39 ra ngày 23/12/1923(1).
Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” thành lập năm 1923 tại Liên Xô và có trụ sở chính tại Thủ đô Mátxcơva. Tạp chí ra hàng tuần này chuyên đăng bài viết về các nhân vật độc đáo hoặc các nhân vật đang được dư luận quan tâm.  Còn phóng viên Osip Mandelstam ngoài làm báo, ông còn là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của đất nước Xô viết.
https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/Uploaded/2021/nkydekxlxk/2021_06_21/anh_11798964_2162021.jpg
Bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” số 39 ra ngày 23/12/1923. Ảnh: Tư liệu lịch sử

Phóng viên Osip Mandelstam của tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” rất ấn tượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cảm nhận đó được ông chắt lọc và đưa vào bài báo: “Nguyễn Ái Quốc hiện là người An Nam duy nhất ở Mátxcơva… Đó là một thanh niên gầy gò, linh hoạt, mặc cái áo len đan… Nguyễn Ái Quốc… đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/Uploaded/2021/nkydekxlxk/2021_06_21/image_3790123_2162021.jpeg
Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh ở Thủ đô Matxcơva của Nga nằm ở nơi giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov và phố "Sáu mươi năm Cách mạng Tháng Mười".
"Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới".
Bác Hồ trong mắt báo giới Pháp
Ngay sau khi nước Việt Nam giành được độc lập, tuần báo “Đây Paris” ra ngày 18/6/1946 có bài viết về đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Sự ăn ở giản dị đến cực độ”, bài báo viết, là một đức tính rõ rệt nhất của Người. Bài báo nêu nhiều dẫn chứng để chứng minh cho nhận định đó. Chẳng hạn, quanh năm Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ mặc một bộ quần áo ka-ki và từ chối thay những bộ đồ trang trọng bởi theo Người, nhân dân Việt Nam vẫn còn nhiều người thiếu áo quần trong giá rét. Trong những ngày thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cơm ở Bắc Bộ phủ thì Người ngồi chung với hết thảy mọi người. Từ các bộ trưởng cho đến những người phục vụ.
Nhờ có đức tính giản dị của Người mà bữa ăn lúc nào cũng thân mật, cũng vui vẻ, gây cho bữa ăn một vẻ gia đình. Đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn biểu lộ ra trong những bài diễn văn và những bài báo. Không bao giờ Người tỏ vẻ thông thái. Trái lại, Người chỉ dùng những câu nôm na, khiến cho một người dù quê mùa, chất phác nghe cũng hiểu ngay được.
Nói về tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio chia sẻ: “Đây không giống như sự tôn thờ một vị Chúa trời hay một thánh nhân không thể tiếp cận. Sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho Bác giống như của những đứa con dành cho người cha kính yêu khi được chứng kiến cuộc đời và sự nghiệp tranh đấu của Người, từ đó, Người trở thành nguồn cảm hứng của tôi”. Ông Alain Ruscio cũng nguyên là phóng viên báo “Nhân Đạo” (L’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp.
Bác Hồ trong mắt báo giới Ấn Độ
Câu chuyện về “đôi dép của Bác Hồ” nói lên sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các tờ báo ở Ấn Độ và các nước khác đăng tải khi Người đến thăm đất nước này vào tháng 2/1958.
Khi vừa đặt chân tới New Delhi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi - vị lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ. Ngay khi Người vừa cởi dép để bước vào Đài tưởng niệm thì hàng trăm nhà báo Ấn Độ và các nước khác đã cúi xuống sờ nắn quai dép, thi nhau bấm máy từ nhiều góc độ, ghi chép về đôi dép của Người. Họ cảm phục sự giản dị của Người khi biết “đôi dép Bác Hồ” được chế tạo từ chiếc lốp ôtô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta đánh úp tại Việt Bắc vào năm 1947.
Họ càng cảm phục hơn khi được biết những khi hành quân, đi thăm nhân dân và khi tiếp khách trong nước hay khách quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường mang đôi dép ấy.
 
https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/Uploaded/2021/nkydekxlxk/2021_06_21/anh_2_28206979_2162021.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chứng kiến Thủ tướng Kim Nhật Thành và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký kết Bản tuyên bố chung giữa Triều Tiên và Việt Nam vào tháng 12/1958. “Đôi dép Bác Hồ” và bộ áo quần ka-ki được Người sử dụng. Ảnh tư liệu lịch sử

Bác Hồ trong mắt hai nhà báo Nhật Bản
Trong bài viết đăng trên báo Akahata (cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản) số ra ngày 5/9/1969, hai nhà báo Haramada Satomi và Yonehara Itaru cũng đã đề cập đến đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong dịp chúng tôi sang thăm Việt Nam năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo chúng tôi: “Mời các đồng chí lúc nào đến chỗ tôi chơi”. Đây là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, giản dị và nhỏ như những ngôi nhà của những công nhân, viên chức hạng thấp ở Tokyo. Ở cầu thang có mắc chuông gọi. Khách đến thăm giật chuông báo trước. Cái chuông này do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự làm lấy. Người chỉ cho chúng tôi xem và nói: “Tiện lắm, các đồng chí ạ!”.
Quần áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh giống như quần áo của nông dân Việt Nam vẫn thường mặc. Hình như Chủ tịch Hồ Chí Minh không có quần áo nào khác ngoài những bộ đó. Người đi dép không mang bít tất. Đó là loại dép cao su cắt từ lốp ô tô ra. Loại dép này Người đi từ thời gian phải leo đèo, lội suối để kháng chiến chống thực dân Pháp, hiện nay đã trở thành một thứ nổi tiếng được gọi là “đôi dép Bác Hồ”.
Điều đáng ngạc nhiên là khi họp Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân ở Mátxcơva đầy tuyết với trang phục như vậy, vẫn với đôi dép cao su đàng hoàng đi vào Điện Kremli, hoàn toàn như một nông dân Việt Nam chất phác… Những điều trên đây làm tôi thực sự hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh được hơn 30 triệu nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc tôn kính, tin cậy và thương yêu vô hạn”.
Bác Hồ trong mắt báo giới Mỹ
Các tờ báo khác của Mỹ cũng đã nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhật báo New York Times (Mỹ), số ra ngày 9/5/1954, đánh giá rằng: “Ngày nay, không một tên tuổi nào ở châu Á lại nổi tiếng như nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa lão thành Hồ Chí Minh”.
 
https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/Uploaded/2021/nkydekxlxk/2021_06_21/chandungbachotrenbiatapchinoitiengthegioi2e37cc7390267_2162021.jpeg
Hình ảnh về Bác Hồ số ra ngày 22/11/1954 trên bìa Tạp chí Time. Bức ảnh được đăng tải sau khi Việt Nam giành chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tạp chí Time (Mỹ) số ra ngày 22/11/1954 thì đã đăng trên trang bìa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành 5 trang nói về thân thế và sự nghiệp của Người cùng với việc Việt Nam chiến thắng Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tạp chí này nhấn mạnh: “Với thắng lợi, uy tín của ông Hồ Chí Minh đã vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á. Các nhà dân tộc chủ nghĩa tại nhiều nước… lấy làm tự hào trước chiến công của một quân đội một nước châu Á đánh bại những kẻ từng là “ông chủ” của họ từ châu Âu tới”.
Nhà báo người Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1967, đã viết: “Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách, tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam”.
Nhà báo người Mỹ David Halberstam trong cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản McGraw-Hill  ấn hành vào năm 1971 tại New York cũng đánh giá rất cao đức tính giản dị của Người. Tác giả viết rằng Người là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị và luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất. Tuy nhiên, phong cách của Người bị giới cầm quyền ở phương Tây chế giễu vì thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công trên con đường cách mạng của Người.
Bác Hồ trong mắt báo giới Tiệp Khắc
Cảm phục về tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo “Quyền lợi đỏ” của Tiệp Khắc vào ngày 9/9/1969 đã có bài viết về bản Di chúc lịch sử của Người, trong đó nhấn mạnh: “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”.
Theo Baonghean.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay9,249
  • Tháng hiện tại258,588
  • Tổng lượt truy cập14,631,267
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây