Ngày 30/4 năm nay ghi dấu mốc lịch sử trọng đại tròn 50 năm ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Trên khắp mọi nẻo đường đất nước, không khí kỷ niệm ngập tràn niềm tự hào, hứng khởi của triệu con dân nước Việt. Lợi dụng thời điểm này, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá, tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4/1975 - sự kiện được cộng đồng quốc tế đánh giá là “một trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tiêu biểu và vĩ đại nhất thế kỷ 20”. Chính vì vậy, cương quyết đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái, kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc là hành động thiết thực kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
 |
Chương trình biểu diễn nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh tại lễ tổng duyệt. |
Từ nhiều năm nay, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam 30/4, các thế lực thù địch lại ráo riết tung ra những luận điệu sai trái, được lan truyền qua các nền tảng như Facebook, YouTube, hoặc các trang web hải ngoại, trong đó nổi lên là fanpage của tổ chức khủng bố Việt Tân, hay các trang có nội dung phản động như "Đàn Chim Việt”, "Nhật ký yêu nước”,...
Những thông tin được đăng tải trên những trang này thường ngụy trang dưới vỏ bọc "phân tích lịch sử” nhưng thực chất là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật. Như việc gọi chiến thắng 30/4 là "ngày quốc hận” hoặc "tháng Tư đen”, cho rằng đây là kết quả của một cuộc "nội chiến huynh đệ tương tàn” hoặc "chiến tranh ý thức hệ”.
Các đối tượng vu khống miền bắc đã "xâm lược” miền nam, phủ nhận bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chế độ tay sai. Một số khác rêu rao rằng, Sài Gòn trước năm 1975 là "Hòn ngọc Viễn Đông” với nền kinh tế phát triển vượt bậc, và nếu không có ngày 30/4, miền nam đã giàu mạnh như Hàn Quốc, Singapore.
Nhiều bài viết từ tổ chức khủng bố Việt Tân đã phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, cho rằng chiến thắng 30/4 là kết quả của sự "nhân nhượng” từ phía Mỹ, đồng thời đưa thông tin bịa đặt trắng trợn rằng, sau năm 1975, Việt Nam rơi vào cảnh "đói nghèo, thiếu dân chủ”. Dưới chiêu bài "hòa hợp dân tộc”, các thế lực phản động còn kêu gọi xóa bỏ lễ kỷ niệm 30/4, kêu gọi biểu tình, kích động tư tưởng hận thù, chia rẽ giữa người Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Gần đây, tổ chức khủng bố Việt Tân còn công bố "Văn kiện 50: Việt Nam nửa thế kỷ tụt hậu và lối thoát cho tương lai”, trong đó tiếp tục gọi chiến thắng 30/4 là "vết nhơ đáng hổ thẹn” và phủ nhận những thành tựu phát triển của đất nước sau 50 năm thống nhất.
Tận dụng sự phát triển của công nghệ số, các đối tượng phản động tìm mọi cách thức tinh vi, xảo quyệt để lan truyền thông tin sai lệch, đánh vào tâm lý của một bộ phận người trẻ thiếu hiểu biết lịch sử hoặc người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng bất mãn. Mục tiêu của chúng là gieo rắc những nhận thức lệch lạc, sai sự thật về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự kiện ngày 30/4/1975. Từ đó hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bôi nhọ chính quyền cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm lung lay niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, cần dựa trên sự thật lịch sử đã được kiểm chứng, những đánh giá khách quan từ cộng đồng quốc tế và những thành tựu thực tiễn của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Trái với những luận điệu gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ là "nội chiến” hay "xâm lược”, chiến thắng 30/4/1975 là kết quả của cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại đế quốc Mỹ và chế độ tay sai, nhằm giành lại độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến này là sự tiếp nối truyền thống nghìn năm chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, được dẫn dắt bởi ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau Hiệp định Geneve 1954, Mỹ can thiệp vào miền nam, dựng lên chính quyền Việt Nam Cộng hòa để chia cắt Việt Nam, biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới. Hàng triệu tấn bom đạn đã trút xuống dải đất hình chữ S, chính sách đàn áp dã man của ngụy quyền đã khiến nhân dân miền nam phải đứng lên đấu tranh.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với sự phối hợp đồng tâm hiệp lực của toàn dân, toàn quân, đã kết thúc cuộc kháng chiến kéo dài 21 năm, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập và thống nhất. Sự thật lịch sử này đã được cộng đồng quốc tế công nhận.
Hàng trăm bức điện, bài phát biểu từ hơn 100 quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhà hoạt động chính trị đã ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 như một "kỳ tích không thể tưởng tượng nổi” (nhà sử học Mỹ Larry Berman, trong cuốn sách No Peace, No Honor - Không Hòa bình, Không Danh dự) hay "biểu tượng của tinh thần quả cảm” (Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc, số ra ngày 1/5/1975).
Ngay cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, trong hồi ký In Retrospect (Nhìn lại, 1995), cũng thừa nhận chiến tranh Việt Nam là một "thảm kịch” do những sai lầm chính trị của Mỹ. Những tư liệu này vẫn đang được lưu trữ tại các trung tâm nghiên cứu quốc tế và Việt Nam như Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, là bằng chứng không thể chối cãi về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến.
Luận điệu cho rằng, miền nam trước 1975 là "Hòn ngọc Viễn Đông” và có thể phát triển như Hàn Quốc nếu không có ngày 30/4 là một sự ngụy tạo trắng trợn. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa phụ thuộc nặng nề vào viện trợ Mỹ, với hơn 80% ngân sách đến từ nguồn tài trợ nước ngoài, theo báo cáo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) năm 1970. Khảo sát của Chính phủ Hoa Kỳ cùng năm cho thấy, khoảng 40% dân số Sài Gòn sống trong các khu ổ chuột, trong khi phần đông dân cư nông thôn đối mặt với nghèo đói và bất ổn do chiến tranh.
Sài Gòn có thể phồn hoa ở một số khu vực trung tâm, nhưng đó là sự phồn hoa giả tạo, phục vụ lợi ích của tầng lớp thượng lưu và quân đội Mỹ, không phản ánh đời sống của đại đa số nhân dân. Nếu không có ngày 30/4/1975, miền nam có thể vẫn bị kìm kẹp trong ách thống trị của ngoại bang.
Ngay sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng đã nhanh chóng ổn định tình hình, bảo đảm đời sống nhân dân, không có sự "trả thù” hay "thanh trừng” như các luận điệu thù địch cố tình rêu rao. Các chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc được triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn trí thức, cán bộ cũ và người dân miền nam được học tập, lao động, tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Cũng cần thấy rằng, những năm sau chiến tranh, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn. Bom đạn chiến tranh đã tàn phá hạ tầng, nền kinh tế kiệt quệ, hàng triệu người dân lâm vào cảnh đói nghèo. Nhưng thay vì suy yếu hay sụp đổ như kẻ thù mong đợi, Việt Nam đã từng bước đứng dậy, vượt lên bằng nghị lực, quyết tâm và trí tuệ của cả dân tộc.
Chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 - một quyết định mang tính cách mạng, mở đường cho sự hội nhập và phát triển. Từ một nước nghèo đói, bị cấm vận, đến nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu.
Nhìn lại 50 năm sau ngày thống nhất, đất nước Việt Nam đã từng bước "thay da đổi thịt”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ước đạt hơn 4.300 USD. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn dưới 2%. Hệ thống cơ sở hạ tầng từ nông thôn đến thành thị được cải thiện rõ rệt.
Các thành tựu trong giáo dục, y tế, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã ba lần đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc các nhiệm kỳ 2014-2016, 2023-2025.
Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế như Hội nghị APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2019, và sắp tới là Đại lễ Vesak 2025. Những thành công đó có sự đóng góp quan trọng của chiến thắng 30/4/1975.
Việc bảo vệ sự thật lịch sử không chỉ là công việc của cơ quan chức năng, những nhà sử học, hay báo chí tuyên truyền. Đó cần phải trở thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội, nhất là trong giáo dục và truyền thông.
Hiện nay, chúng ta đang đứng trước những thách thức của toàn cầu hóa và công nghệ số phát triển. Các thế lực thù địch tìm mọi cách để lan truyền, phát tán những thông tin độc hại trên mạng xã hội. Những nội dung xuyên tạc, giật gân, bóp méo sự thật lịch sử được sản xuất bài bản, tinh vi, ngụy trang dưới dạng "góc nhìn khác”, "tự sự cá nhân”, núp dưới chiêu bài "tự do ngôn luận”, "giải mật lịch sử” rất dễ khiến người trẻ - đặc biệt là thế hệ không trải qua chiến tranh - bị hoang mang, dao động, hoài nghi.
Do đó, việc bảo vệ sự thật lịch sử không chỉ là công việc của cơ quan chức năng, những nhà sử học, hay báo chí tuyên truyền. Đó cần phải trở thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội, nhất là trong giáo dục và truyền thông. Chúng ta cần đổi mới cách kể chuyện lịch sử, kết hợp giữa chính sử và những câu chuyện đời thường, tạo cầu nối cảm xúc để thế hệ trẻ hiểu và yêu lịch sử nước nhà.
Những bộ phim tài liệu về các nhân chứng sống, những bài phóng sự về người lính Trường Sơn năm xưa, những chuyến về nguồn tại các địa danh lịch sử, những cuộc thi tìm hiểu về chiến thắng 30/4 dành cho học sinh, sinh viên,… là những cách thiết thực để lịch sử trở nên sống động, gần gũi hơn với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần trở thành những "người bảo vệ ký ức lịch sử”, sẵn sàng lên tiếng phản biện, vạch trần những thông tin sai lệch, tham gia xây dựng không gian mạng lành mạnh, nhân văn.
Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là kết thúc một cuộc chiến, từ đây là khởi đầu cho hành trình dựng xây và phát triển đất nước vươn lên "sánh vai với các cường quốc năm châu” như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là chiến thắng của chính nghĩa trước bạo lực, của khát vọng độc lập trước áp bức ngoại bang, của lòng dân trước ý đồ chia rẽ và thôn tính của kẻ thù. Đó là một mốc son chói lọi, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình.
Những luận điệu xuyên tạc, dù được lan truyền qua bất kỳ hình thức nào, cũng không thể làm phai mờ giá trị và ý nghĩa của sự kiện này. Những ai cố tình phủ nhận điều ấy là đang đi ngược lại sự thật lịch sử, phản bội lại lòng tin và khát vọng của hàng chục triệu người Việt Nam.
50 năm đã trôi qua, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới. Những giá trị và tinh thần của chiến thắng 30/4 vẫn còn nguyên vẹn, từ đó đánh thức trong mỗi chúng ta trách nhiệm đối với việc phát huy giá trị của lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đạt được những thành tựu vượt bậc trong kỷ nguyên vươn mình.