HTX sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đi vào hoạt động đã trở thành cầu nối giúp sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Thái và Mông nơi đây đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Những sản phẩm được chăm chút tỷ mỷ cũng là thành quả giúp những người phụ nữ dần nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo, thoát nghèo.
Hướng đến sự chuyên nghiệp
Tuy nghề dệt và thêu truyền thống ở Kỳ Sơn làm ra những sản phẩm độc đáo, nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, không có định hướng bài bản nên chưa phát huy được tiềm năng. Tình trạng bị ép giá, nguyên liệu đầu vào cao, giá đầu ra sản phẩm lại thấp diễn ra đi đôi với chất lượng sản phẩm không được kiểm định kỹ thuật…là những trở ngại của người sản xuất thổ cẩm.
Trước thực trạng trên, dưới sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, HTX Sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh ra đời, quy tụ những chị em có tay nghề, kinh nghiệm trong dệt và thêu thổ cẩm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
HTX đã giúp nhiều hộ giảm nghèo từ nghề dệt |
Hướng đến sự chuyên nghiệp hóa, HTX đã xây dựng dây chuyền sản xuất, mỗi nhóm đảm nhận một công đoạn riêng như may, dệt và thêu. Tất cả làm việc trong nhà xưởng, đảm bảo về cơ sở máy móc, trang thiết bị.
Trong sáng tạo sản phẩm, HTX chủ trương kế thừa, phát huy những tinh tuý trong hoa văn thổ cẩm truyền thống, kết hợp với sự sáng tạo, tinh tế từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã tạo nên những sản phẩm truyền thống nhưng vẫn mang nét hiện đại, đáp ứng thị hiếu khách du lịch, đồng thời vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống.
Không chỉ tập trung vào những sản phẩm thổ cẩm thông dụng như khăn quàng, túi, ví, tranh thêu, HTX còn sản xuất trang phục, thêu trang trí phục vụ các không gian lớn…
Ngoài cung cấp sản phẩm, HTX còn cung ứng các loại sợi và dụng cụ để dệt thổ cẩm, thêu ren, nhằm giải quyết nhu cầu về lựa chọn nguyên liệu và mua nguyên liệu đầu vào của người sản xuất.
Trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, HTX tiến hành thăm dò ý kiến khách hàng, xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm, kết nối các hệ thống bán hàng qua mạng xã hội.
Không dừng lại ở đó, HTX còn tích cực tìm thêm mối hàng mới ở các thị trường lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Lào, Thái Lan và khuyến khích sự sáng tạo của chị em, sản xuất những sản phẩm khó theo đơn đặt hàng của khách. Bên cạnh đó còn tham gia nhiều triển lãm sản phẩm hàng thủ công, mỹ nghệ, xây dựng lô gô, mở rộng thị trường tiêu thụ... nhằm duy trì hoạt động hiệu quả của HTX và xây dựng phát triển thương hiệu thổ cẩm cho HTX.
Văn hóa truyền thống "nhả ra… vàng"
Trải qua những thăng trầm, sự bền bỉ, kiên định, năng động của các thành viên HTX đã giúp nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái và Mông ở Kỳ Sơn tiếp tục tồn tại và phát triển, góp phần đưa các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương nâng lên một bước cùng với xu hướng phát triển chung của cộng đồng, xã hội. Có thể thấy rất rõ điều này vì trước đây, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc nơi đây chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nhưng đến nay, sản phẩm do HTX Hoa Ban Xanh làm ra đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường, trở thành hàng hóa tuân theo quy luật cung cầu.
Hiện, HTX đã nhận được các đơn đặt hàng, mỗi lần ký hợp đồng từ 300 sản phẩm trở lên. Điều đặc biệt là các mặt hàng thổ cẩm dệt thủ công truyền thống của HTX được làm từ sợi tơ tằm, sợi cốt-tông, mặt vải dày dặn, mềm mại và bền. Thêm vào đó, trình độ tay nghề cao của các thành viên đã làm nên họa tiết hoa văn đẹp, độc đáo, phù hợp với văn hóa ở Lào. Chính vì vậy, ngoài cung cấp trong nước, HTX còn cung cấp sản phẩm cho thị trường Lào, Thái Lan. Hầu như tháng nào HTX cũng có đơn hàng xuất sang Lào Thái Lan.
Với đầu ra ổn định, thu nhập của thành viên vì vậy cũng đạt trung bình trên 3,7 triệu đồng/người/tháng. Từ khi thành lập HTX đến nay đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là phụ nữ trên địa bàn huyện. Đối với nghề dệt thổ cẩm, chị em có thể tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn nên hiệu quả công việc và tiền lương không cố định, tùy vào chất lượng và hiệu quả công việc của từng người.
Khi tham gia HTX, phụ nữ ở đây là dần làm quen với cách sản xuất bài bản, có quy trình cụ thể, từ đó, dần nâng cao vị thế của chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số trong xã hội.
Để giữ nghề truyền thống của địa phương, các thành viên HTX còn tham gia dạy nghề thổ cẩm cho trẻ em ở một số trường học trong huyện hoặc những đơn vị có nhu cầu. Các em hoặc những ai biết thêu thổ cẩm, tin tưởng HTX lại tự nguyện đăng ký tham gia HTX để tiếp tục làm nghề có thêm thu nhập giúp gia đình.
Theo đánh giá của chính quyền huyện kỳ Sơn, mô hình sản xuất của HTX sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh chính là mô hình giúp người dân giảm nghèo hiệu quả khi phụ nữ biết dựa vào cộng đồng để cùng phát triển nghề và phát triển kinh tế.
Nhiều chị em phụ nữ từ khi tham gia HTX đã chính thức thoát nghèo, có thêm việc làm lúc nông nhàn. Chính vì vậy, chính quyền huyện Kỳ Sơn đang cùng với HTX từng bước giải quyết những khó khăn để tiếp tục phát triển nghề thêu, dệt truyền thống của địa phương. Vì phát triển các HTX, làng nghề thủ công cũng là một trong những định hướng quan trọng trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Kỳ Sơn.
Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc