Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống: Làm giàu từ đặc sản

Thứ năm - 26/09/2024 21:44 0
Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An xã vùng cao đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống làm ra nhiều đặc sản, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, góp phần thay đổi tư duy sản xuất giúp giảm nghèo bền vững.
Ông Lô Văn Phú - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống cho biết, xã Mường Lống nằm trong vùng có địa hình núi cao nhiều, độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 900 m. Địa phương gặp rất nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Nơi đây chủ yếu là dân tộc H'Mông sinh sống với 995 hộ với 5.010 nhân khẩu. Đặc sản địa phương chủ yếu rau xanh, đậu các loại, cây ăn quả, cây gia vị, cây dược liệu, cây hương liệu lâu năm, trồng rừng và ươm giống cây lâm nghiệp; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đen và sản xuất giống trâu, bò, lợn, gà đen; dịch vụ du lịch cộng đồng.
Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, những năm qua HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống trở thành đầu mối thu mua với giá ổn định, giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, tránh bị tiểu thương ép giá.
Đặc sản của xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, luôn nhận được sự quan tâm của khách hàng gần xa. Ảnh: M.L
 
Ông Hờ Pà Chù ở bản Mường Lống 2 (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) là thành viên có 3 hecta rừng xen canh, trồng mận, trồng cây dược liệu. Ngày trước, cứ đến mùa mận, năng suất rất cao; tuy nhiên giá bán thấp, chỉ có 10 nghìn đồng/kg. 
Vụ mùa vừa qua, trên diện tích đó, ông Chù tiếp tục chăm sóc vườn mận, kết quả thu hoạch được hơn 3 tấn mận, giá lại cao hơn, đạt 15 đến 20 nghìn đồng/kg bán tại vườn, khiến gia đình ông không khỏi vui mừng. 
"Không chỉ gia đình bán gia đình tôi bán được giá cao, các hộ nông dân còn được HTX bao tiêu toàn bộ, nên không phải lo đầu ra cho sản phẩm nữa. Là thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống, tôi rất may mắn được HTX thu mua, hỗ trợ tiêu thụ. Cuộc sống gia đình tôi khấm khá lên nhờ có HTX", ông Hờ Pà Chù cho hay.
Mận Kỳ Sơn, một trong những đặc sản luôn được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: M.L
 
Cũng giống như ông Hờ Pà Chù ông Cự Bá Cò bản Sà Lầy, xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) là một trong những hộ nuôi giống gà đen lớn nhất tại địa phương. 
Từ khi ông Cự Bá Cò tham gia HTX, gia đình ông không còn lo chuyện tiểu thương ép giá nữa. Cứ đến thời gian xuất chuồng, gà đen của ông được HTX liên hệ thu mua với giá cao để bán cho các thương lái.
Ngoài liên kết trồng rừng, trồng mận, nuôi bò, nuôi gà đen HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống còn hợp đồng với người dân trên địa bàn huyện trồng và bao tiêu các sản phẩm nông sản, đặc sản như: trồng rau, đậu các loại, cây ăn quả, cây gia vị, cây dược liệu, cây hương liệu lâu năm, trồng rừng và ươm giống cây lâm nghiệp; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đen và sản xuất giống trâu, bò, lợn, gà đen…với giá cả cao ổn định, thậm chí cao hơn thị trường.
Người dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An luôn chú ý xây dựng thương hiệu, quảng bá đặc sản địa phương. Ảnh: M.L
 
Đặc biệt, hiện nay HTX có tổ chức quản lý sản xuất không tập trung vùng liên kết 5 ha của 61 hộ dân theo tiêu chuẩn chăn nuôi gà đen đạt OCOP 3 sao, sản xuất rau bản địa an toàn, chăn nuôi bò, bò vỗ béo. 
Các sản phẩm trên được thị trường trong tỉnh và cả nước ghi nhận. Qua đó từng bước khẳng định được giá trị, thương hiệu sản phẩm, đặc sản địa phương mà HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống đã và đang xây dựng.
Từ năm 2022 đến nay, HTX đã liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng trong và ngoài địa phương; Các sản phẩm: gà đen, rau, củ, quả, tour du lịch cộng đồng của hợp tác xã đã được thông tin quảng bá sản phẩm trên trang facebook cá nhân và trang fanpage Phú Vân farmstay; Sản phẩm gà đen đạt OCOP 3 sao vào năm 2022 tại Quyết định số 156/QĐ- UBND. 
Ngoài ra HTX có gần 350 ha diện tích trồng rau, đậu các loại, cây ăn quả, cây gia vị, cây dược liệu, cây hương liệu lâu năm, trồng rừng và ươm giống cây lâm nghiệp, sản lượng trung bình hàng năm từ 380 tấn, cho thu nhập 350 triệu đồng; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đen và sản xuất giống trâu, bò, lợn, gà đen với 20.000 con, doanh thu trung bình khoảng 1,5 tỷ đến 1,8 tỷ, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong và ngoài huyện.
Các sản phẩm đặc sản của xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã được quảng bá rộng rãi qua các cuộc thi. Ảnh: M.L
 
Để được khách hàng ưa chuộng các sản phẩm của mình HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống đã ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học, sử dụng lò ấp trứng công nghiệp để tự sản xuất giống.
Đặc sản Mường Lống, du lịch cộng đồng hướng đi mới xóa đói giảm nghèo huyện biên giới
Đặc biệt, trong hoạt động du lịch cộng đồng có 5 homestay phục vụ lưu trú và dịch vụ du lịch cộng đồng. 
Hiện nay, HTX đang mở rộng quy mô chăn nuôi gà đen và các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng; nuôi trồng các loại nông sản đặc sản tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Hoạt động của HTX ngày càng đa dạng hơn, theo xu hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp gắn tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ phục vụ lợi ích cho hợp tác xã và thành viên; quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. 
HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống đang từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Mỗi sản phẩm đều là tâm huyết của người dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: M.L
 
Có thể nói trong những năm qua HTX đã tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên, đặc biệt là tạo việc làm cho thành viên thuộc hộ nghèo và lao động thường xuyên khu sản xuất của hợp tác xã. Thăm hỏi ốm đau, ủng hộ thành viên gặp hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ các phong trào hoạt động tại địa phương.
Nhờ tham gia vào HTX, các thành viên được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các thông tin, kiến thức về thị trường, liên kết với doanh nghiệp trong khâu cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm. 
Từ đó các hộ sản xuất nhỏ lẻ giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán cũng như xây dựng dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm gà đen đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao (năm 2022-PV), Du lịch cộng đồng Mường Lống đạt sản phẩm OCOP 3 sao (năm 2023-PV) là nền tảng thu hút mở rộng khách hàng tiềm năng, giúp các đối tác yên tâm trong kết nối tiêu thụ, các thành viên mở rộng sản xuất.
Du lịch cộng đồng là hướng phát triển bền vững cho xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: M.L

Ông Lô Văn Phú - Giám đốc HTX Mường Lống cho biết: "Từ khi thành lập đến nay, HTX đã tham gia rất nhiều hội chợ tại các huyện thành trong cả nước nhằm trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản của Mường Lống nói riêng và huyện Kỳ Sơn nói chung. Từ đó có nhiều khách hàng tại các tỉnh thành trong cả nước biết đến đặc sản của chúng tôi, Như: Gà đen Kỳ Sơn, Mận Kỳ Sơn, dược liệu Kỳ Sơn..."
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Việt Hùng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) cho hay: HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống là một trong những HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đầu tư cung cấp dịch vụ đầu vào cho đến bao tiêu sản phẩm cho bà con. 
Đặc biệt, HTX còn phối kết hợp giữa mô hình sản xuất nông nghiệp vào phát triển du lịch cộng đồng nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân. HTX là điểm sáng trong liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản không chỉ riêng xã Mường Lống mà còn cả huyện Kỳ Sơn đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh".
Ông Lô Văn Phú - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống cho hay: "HTX nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mường Lống được thành lập và phát triển từ Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đen xã Mường Lống (Do Hội Nông dân xã Mường Lống thành lập năm 2019 với 30 thành viên là hội viên nông dân trên địa bàn xã Mường Lống).
Trong quá trình hoạt động, Hợp tác xã luôn có mối liên hệ mật thiết với Chi hội nông dân nghề nghiệp; các thành viên Hợp tác xã cũng vừa là hội viên Chi hội nông dân nghề nghiệp, có nhiều đóng góp thiết thực trong công tác hội và các phong trào nông dân như: Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào bảo đảm an ninh quốc phòng.
Từ đó góp phần xây dựng tổ chức hội nông dân xã Mường Lống ngày càng vững mạnh; Năm 2023, Hội Nông dân xã Mường Lống được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác hội và phong trào nông dân.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là một trong 63 Hợp tác xã tiêu biểu trong toàn quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2024 trong Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2024 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, 14/10/1930-14/10/2024.


 

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập133
  • Hôm nay14,548
  • Tháng hiện tại97,049
  • Tổng lượt truy cập13,847,874
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây