Từ những gốc tre, đốt tre tưởng chừng vô tri, vô giác, qua bàn tay tài hoa của người thợ và ý tưởng của ông chủ trẻ Thái Đăng Tiến, đã trở thành sản phẩm mỹ nghệ có giá bán lên tới cả triệu đồng.
Gặp anh Thái Đăng Tiến (36 tuổi) - Giám đốc Hợp tác xã tre Trà Lân, ấn tượng đầu tiên là khá kiệm lời, chú trọng vào hiệu quả công việc hơn là lời nói. Trong xưởng sản xuất, anh Tiến cần mẫn phân tích và "thị phạm" cho công nhân về tạo hình vòi ấm nước bằng đốt ống tre, rồi gật gù khi kỹ thuật của người thợ đã tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu. Chàng giám đốc trẻ kiểm tra một lượt các sản phẩm thô vừa được anh em thợ hoàn thành rồi dẫn chúng tôi đến phòng trưng bày sản phẩm.
Khác với sự trầm lặng lúc ở xưởng, anh Tiến say sưa nói về cây tre quê hương mình, về sản phẩm vừa có tính mỹ thuật vừa có tính ứng dụng cao, về những trở ngại và cả tiềm năng từ loài cây đã đi vào thơ ca của "miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay" này.
Sinh ra và lớn lên ở xã Châu Khê (Con Cuông, Nghệ An), nơi bạt ngàn tre, nứa, mét, anh Tiến chứng kiến những thăng trầm của người trồng tre. Hầu như cây tre ở đây được bán ra thị trường làm nguyên liệu hay vật liệu trong xây dựng, giá trị không cao, nếu không muốn nói là thấp so với chi phí chăm sóc, khai thác, vận chuyển, có chăng là đan lát những vật dụng sinh hoạt tương đối đơn giản như gùi, chõng...
Năm 2009, mặc dù chưa có ý tưởng rõ nét nhưng trong đầu, anh Tiến đã ấp ủ làm thế nào để nâng cao giá trị cây tre, để bố mẹ và những người dân ở đây có thêm thu nhập từ loài cây này. Ý tưởng đó nhanh chóng bị áp lực việc làm, áp lực cơm áo gạo tiền khuất lấp. Tốt nghiệp khoa cơ khí một trường nghề trong tỉnh, anh Tiến chọn con đường xuất khẩu lao động theo xu hướng lúc bấy giờ chỉ với mục tiêu duy nhất là kiếm chút vốn.
Ở Đài Loan, ấp ủ ý tưởng về nâng cao giá trị cây tre lại tiếp tục "cựa quậy" trong giấc ngủ mệt nhoài sau những ngày làm việc với sắt thép. "Ở Đài Loan, người dân chú trọng đến cuộc sống sạch và các tiện ích thân thiện với môi trường. Tôi cực kỳ ngạc nhiên khi từ thân tre hay những thứ tưởng như vứt đi như gốc tre, mắt lẻ..., họ biến thành các sản phẩm vừa có tính mỹ thuật, vừa có tính ứng dụng cao, tất nhiên, giá không hề rẻ một chút nào", anh Tiến nhớ lại.
Sau 2 năm làm việc ở Đài Loan, anh Tiến trở về cùng ít vốn liếng không được như kỳ vọng nhưng bù lại, anh học hỏi được nhiều về ý thức kỷ luật, về kế hoạch xây dựng cuộc sống và những manh nha về hướng đi cho cây tre quê mình. Nhưng từ ý tưởng đến thực tiễn là một khoảng cách quá dài, với một người "tay ngang" như anh Tiến, khi cơm áo vẫn đè nặng trên vai. Anh Tiến quyết định mở một quán sửa xe máy nho nhỏ để có thu nhập.
Từ cây tre, qua bàn tay tài hoa của người thợ đã trở thành sản phẩm có tính mỹ thuật và ứng dụng cao.
Thỉnh thoảng người ta thấy ông chủ đóng cửa hàng "biến mất" vài ngày, có khi đến cả tuần. Không ai biết rằng, trong những ngày đó, anh Tiến rong ruổi khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc học hỏi về kỹ thuật chế tạo để hiện thực giấc mơ biến gốc tre, mắt tre vô tri, vô giác thành tiền. Mọi thứ không đơn giản như anh Tiến hình dung, để biến những gốc tre thành sản phẩm, ngoài yếu tố thuộc về năng khiếu nghệ thuật như tạo hình, mỹ thuật, còn là các ứng dụng khoa học kỹ thuật, bao gồm máy móc thiết bị, xử lý nguyên liệu, đánh bóng, phun sơn, thị trường tiêu thụ... Mất 2 năm học hỏi, nghiền ngẫm, âm thầm thực hành, không biết bao nhiêu lần hì hục ngồi làm rồi vứt đi, anh Tiến quyết định dốc toàn bộ vốn liếng mua máy móc để khởi nghiệp từ cây tre.
Năm 2020, anh Tiến thành lập Hợp tác xã mang thương hiệu Trà Lân Bambo - gắn với một địa danh quật khởi trong cuộc chiến chống quân xâm lược, gửi gắm nhiều khát vọng về sức bật và bay lên của cây tre Việt. Ý tưởng táo bạo của chàng đảng viên trẻ nhận không ít sự nghi ngại xen lẫn lo lắng của bố mẹ, gia đình. "Quyết định ở thời điểm đó cũng khá mạo hiểm, bởi nguyên liệu đầu vào thì sẵn nhưng đầu ra lại rất khó. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chi phí sản xuất cao, vượt quá nhu cầu của khách hàng bình dân nhưng lại khó tiếp cận khách hàng có tiềm lực kinh tế, khi sản phẩm nhập khẩu có nhiều ưu thế về mẫu mã, chất lượng, độ bao phủ rộng khắp. Làm có thể thất bại, nhưng không làm thì không bao giờ thành công", anh Tiến chia sẻ.
Doanh nghiệp của anh Tiến lúc cao điểm tạo việc làm cho 10 lao động trực tiếp và nhiều lao động thời vụ. Hiện, cơ sở sản xuất có 6 lao động thường xuyên, phần lớn là người yếu thế trong xã hội. Trên sàn nhà, giữa ngổn ngang nguyên liệu là những chiếc nạng gỗ. Vào làm việc với sự tập trung cao độ và sự chuẩn xác của đôi tay, dường như, các công nhân này quên hết những bất hạnh, thiệt thòi mà số phận giáng xuống người họ, bằng cách này hay cách khác. "Không phải là lao động được tuyển vào khi đã lành nghề đâu, tôi phải đi vận động mấy lần, thuyết phục, phân tích mãi các anh em mới chịu ra khỏi rừng, về đây làm đấy. Thời điểm đó, tôi đang là cán bộ Đoàn ở địa phương, chứng kiến những người trẻ vì số phận không may mắn mà buông xuôi, thực sự tôi không đành lòng. Tôi muốn anh em có một cái nghề, có thu nhập ổn định để tự tin hơn trong cuộc sống. Hồi đấy chưa ai biết nghề, phải hướng dẫn từng li, từng tí, rồi lo ăn, lo ở. Giờ thì anh em thành thợ lành nghề cả rồi", anh Tiến chia sẻ.
Cần những chiếc mắt cành tre để tạo hình vòi ấm nước, anh La Văn Thắng (bản Châu Sơn, Châu Khê) tắt máy, chống đôi nạng, di chuyển đến khu vực tập kết nguyên liệu. Vụ tai nạn 8 năm trước đã cướp đi chân trái của người đàn ông dân tộc Đan Lai này. Mặc cảm tật nguyền, gánh nặng cho gia đình, anh Thắng như co mình lại, ru rú trong chốn "thâm sơn cùng cốc". Việc duy nhất người đàn ông này có thể làm là chống nạng vào rừng đặt bẫy thú, cũng không màng đến việc làm như thế là vi phạm pháp luật.
Cuộc sống buồn tẻ và chật vật của anh Thắng sẽ mãi tiếp diễn như thế, nếu anh Tiến không vào, thuyết phục ra làm việc tại xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. "Hồi đó tôi có biết làm gì đâu, máy móc không rành, chưa kể làm mỹ nghệ không phải ai cũng có năng khiếu. Phân vân lắm, nhưng rồi tặc lưỡi "cứ thử đi, mất gì đâu, không làm được ta lại về trong khe". Khăn gói ra đây, anh Tiến bao ăn ở, cầm tay chỉ việc, lúc đầu cũng chật vật lắm, lâu rồi cũng quen", anh Thắng cười hiền, kể.
Vài ba tháng, anh Thắng mới nghỉ ít ngày về thăm vợ con. Vợ anh không có công việc ổn định, 3 con còn nhỏ, bởi vậy khoản thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng của anh Thắng là nguồn thu lớn nhất của cả gia đình. Từ một người "ngoại đạo", anh Thắng hiện là thợ tiện chủ lực của xưởng.
Tương tự anh Thắng, anh Nguyễn Văn Hùng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gắn bó với cây tre và làm ra những sản phẩm có giá trị kinh tế từ cây tre quê mình. Anh Hùng có năng khiếu nghệ thuật, từng học một trường văn hóa nghệ thuật trước khi về quê kiếm sống bằng nghề MC, hát đám cưới, sự kiện... Nhưng một vụ tai nạn đã khiến cuộc đời anh rơi vào "hố sâu" tuyệt vọng. Những người làm nghệ thuật lại càng mặc cảm hơn khi bỗng chốc trở thành người tàn phế. Anh Hùng chán nản, buông xuôi, mặc cảm... Có khi anh tìm đến rượu để quên đi nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần vẫn luôn "gặm nhấm" bản thân mỗi giờ, mỗi phút.
Rồi cũng chính trong những bữa rượu ấy, anh Tiến ngỏ lời mời anh đến làm việc tại xưởng. Lời mời đầy tin tưởng của người em đã mở ra bước ngoặt mới trong cuộc đời người đàn ông đang chìm sâu trong sự mặc cảm, tự ti. 3 năm làm việc tại đây, anh Hùng không chỉ là một người thợ tiện lành nghề, những năng khiếu nghệ thuật trước đây cũng được phát huy trong khả năng tạo hình, chế tác... để làm ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo từ những gốc tre, mắt tre. Cũng nhờ năng khiếu ăn nói, anh Hùng còn là "chủ lực" trong các lần công ty đưa sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm công thương nghiệp trong, ngoài tỉnh.
Ba trong số 6 công nhân tại xưởng sản xuất của anh Thái Đăng Tiến là người không may bị mất một chân...
"Đối với những người như chúng tôi, có công việc ổn định với mức lương đủ chi tiêu cho bản thân và hỗ trợ một phần cho gia đình, đó là điều may mắn. Tiến không chỉ giúp đỡ chúng tôi việc làm mà còn giúp đỡ, hỗ trợ nhiều về mặt tinh thần, tình cảm, để chúng tôi có thể tự tin về bản thân", anh Hùng tâm sự.
Cũng chính cái tình, cái nghĩa dành cho những người như anh Hùng, anh Thắng mà những nhân công này luôn gắn bó, hết lòng với công việc, với người chủ, cũng là người anh em của họ. Ngược lại, anh Tiến luôn trân trọng đóng góp của người lao động và tìm mọi cách để nâng cao thu nhập cũng như điều kiện sống cho họ. Hiện người lao động trong xưởng của anh Tiến có mức thu nhập 5,6-6 triệu đồng/tháng, được đóng bảo hiểm đầy đủ. Hiện, chàng giám đốc trẻ tuổi đang có kế hoạch tăng lương, như một cách tri ân, động viên những người thợ, người anh em đã "đồng cam, cộng khổ" trên bước đường khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu tre Trà Lân của mình.
Các sản phẩm từ tre của Trà Lân Bambo đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nguyên liệu sẵn có, chẳng bao giờ cạn, sản phẩm sau nhiều lần cải tiến, hoàn thiện đã dần đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu cả về chất lượng, hình thức, mẫu mã và có tính ứng dụng cao, mức giá từ vài trăm đến hơn một triệu đồng/sản phẩm, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường. Ngoài các sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày như ấm, chén, đũa, hộp đựng bút, đựng tăm..., anh Tiến chú trọng đến các sản phẩm du lịch, mỹ nghệ có tính nghệ thuật cao. Anh tìm đến các khu du lịch, các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành để giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm từ tre hợp xu hướng tiêu dùng thân thiện và bảo vệ môi trường, dần được khách hàng và đối tác chấp nhận. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây tre mang thương hiệu Trà Lân Bambo đã có mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế... hay các khu du lịch lớn trong và ngoài tỉnh.
Mỗi năm, xưởng sản xuất của anh Tiến sử dụng khoảng 100 tấn nguyên liệu thô. Ngoài việc tận dụng nguyên liệu sẵn có, để chủ động hơn, anh liên kết với 30 hộ dân trồng 100ha cây mét bản địa, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Với ưu điểm như độ đanh, cứng, thịt dày, thân tre bản địa được cung ứng cho các cơ sở sản xuất thanh tre ghép hay bột giấy. Với mô hình "4 mục tiêu", anh Tiến không chỉ chủ động nguồn nguyên liệu, cung ứng cho các cơ sở sản xuất khác, vừa tạo việc làm và thu nhập cho bà con dân bản.
Các sản phẩm từ tre không ngừng thay đổi, nâng cao chất lượng, mẫu mã, anh Tiến mạnh dạn mở hướng, liên kết với các làng nghề về đan lát để sản phẩm nội thất, nhà tre,... Tuy nhiên, để làm ra sản phẩm với mức giá phù hợp túi tiền của đại đa số khách hàng, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, nhân công, tỉ suất lợi nhuận không đáng kể. Chàng đảng viên trẻ tuổi có những ý tưởng dài hơi hơn cho sản phẩm từ cây tre Việt.
"Ở thị trường trong nước, sản phẩm của một đơn vị trẻ như Trà Lân Bambo thì sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn không cao. Thị trường nước ngoài mới có thể mang lại tỉ suất lợi nhuận cao, hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Âu... Hiện chúng tôi đang hướng tới liên kết với một số doanh nghiệp về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài", anh Tiến thông tin.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Đỗ Diệp