Để HTX không còn ‘đơn thương độc mã’ trong liên kết tiêu thụ sản phẩm

Thứ hai - 08/01/2024 04:21 0
Gắn sản xuất với tiêu thụ không thể thiếu vai trò của HTX. Nhưng để HTX làm tốt được điều này thì việc thay đổi tư duy về mô hình HTX cũng như các chính sách hỗ trợ sẽ giúp nhiều HTX làm tốt vai trò bao tiêu, liên kết với doanh nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, ước tính năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD. Trong đó, thủy sản đạt 9 tỷ USD, lâm sản 14,4 tỷ USD, rau quả 5,6 tỷ USD, gạo 4,7 tỷ USD, cà phê 4,1 tỷ USD…

HTX- doanh nghiệp khó 'gặp nhau'

Để có được kết quả này, các HTX đã tham gia tích cực trong xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa, đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất khẩu. Tiêu biểu như HTX công nghệ sinh học ABC (Cần Thơ) đã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo giúp mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng. Hay HTX Kỳ Như (Hậu Giang) xuất khẩu rất tốt các sản phẩm từ cá thát lát…

Thống kê của Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn-Bộ NN&PTNT, cũng cho thấy nếu như năm 2015, chỉ có khoảng 6% HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản thì đến nay đã tăng lên 22,5%. Đặc biệt, có khoảng 500 doanh nghiệp đã tham gia trong HTX. Điều này cho thấy các HTX đang ngày càng lớn mạnh, không ngừng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên thực tế trong năm 2023, có một thực trạng trong ngành nông nghiệp nổi lên đó là tình trạng phát triển nóng diện tích cây sầu riêng và những đợt giảm giá sâu của cây thanh long. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, điều này là do sự phối hợp không chặt chẽ giữa nhà vườn, HTX, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý dẫn đến tính trạng chạy theo số lượng. Đi liền với đó là xảy ra tình trạng cạnh tranh nóng giữa chính các doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà vườn nên dẫn tới tình trạng không bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu ở một số mặt hàng. Trong khi để mở rộng thị trường với mỗi loại nông sản là rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực về thời gian, chi phí của cả HTX, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

-8244-1703840407.jpg

HTX có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị nông sản, thức đẩy xuất khẩu.

Ngoài việc thiếu sự liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, thực tế hiện nay không ít HTX đang gặp khó khăn trong bao tiêu, tiêu thụ nông sản.

Anh Nông Văn Thạch, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Ba Đình (Bạc Liêu), cho biết HTX đang có 584 ha mô hình tôm lúa với các sản phẩm tôm càng xanh vận chuyển sống và cấp đông. Hiện, nguồn lực của HTX có hạn nên rất mong muốn kết nối liên kết được với doanh nghiệp để đi sâu vào sản xuất tôm cấp đông nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Còn bà Phạm Thị Dung, Chủ tịch HĐQT HTX bồn bồn Minh Duy (Cà Mau) cho biết bồn bồn tươi, bồn bồn muối, kim chi bồn bồn của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP nhưng vẫn chưa đưa được vào được siêu thị vì tem nhãn thô sơ. Sản phẩm làm thủ công, bao bì với các thông tin chưa đầy đủ. “HTX mong hỗ trợ tư vấn làm nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác đảm bảo theo tiêu chuẩn của các siêu thị để mở rộng đầu ra”, bà Dung cho biết.

Có những HTX khó khăn trong liên kết là vậy nhưng theo ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thực tế nhiều doanh nghiệp và hiện có những doanh nghiệp dược liệu mà ông biết rất mong muốn liên kết được với các HTX cùng ngành nhưng không dễ. Bởi hiện thông tin, danh sách các HTX nói chung, HTX dược liệu nói riêng chưa được thống kê và công khai rõ ràng nên doanh nghiệp, HTX khó gặp được nhau.

Nhanh nhạy trước các rào cản kỹ thuật

Tại “Diễn đàn kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua HTX” diễn ra ngày 29/12, ông Nguyễn Ái Hữu, nhà sáng lập Worldsoft, cho biết việc HTX khó kết nối với doanh nghiệp bao tiêu một phần là do các HTX, hộ nông dân sản xuất chưa có kế hoạch nên không biết có lời hay không.

Đi liền với đó, vấn đề cập nhật thông tin mới về chính sách hỗ trợ, giá cả, quy trình công nghệ còn chưa nhanh nhạy ở các HTX. Chính vì vậy, mà nhiều thành viên HTX không biết đến những thay đổi về yêu cầu của các nhà xuất khẩu nên không đáp ứng được điều kiện xuất khẩu một cách kịp thời.

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc văn phòng SPS (Bộ NN&PTNT) cho biết khi xuất khẩu sang Anh quốc, lợi thế là Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với quốc gia này nên thuế sẽ bằng 0. Nhưng ngược lại, HTX, doanh nghiệp muốn xuất khẩu được phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch biên giới.

Ông Nam lưu ý, sắp tới thị trường này sẽ gỡ bỏ các chứng nhận kiểm dịch nhưng thay vào thực hiện hậu kiểm. Nên nếu doanh nghiệp, HTX xuất khẩu vào thị trường này có lịch sử không vi phạm về các quy định an toàn thực phẩm thì sẽ được ưu tiên luồng xanh.

Nhưng bên cạnh đó, nước Anh sẽ thực hiện 6 tháng họp một lần để xem xét tăng giảm các quy định xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, doanh nghiệp, HTX cần nắm được để bảo đảm các yêu cầu, quy định trước những thay đổi của thị trường để có thể kết nối, xuất khẩu thuận lợi.

“Doanh nghiệp, HTX hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu nếu biết các thông tin, các thay đổi của thị trường sớm để điều chỉnh sản xuất một cách phù hợp”, Phó Giám đốc văn phòng SPS cho biết.

Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, để thuận lợi trong hợp tác, xuất khẩu, các HTX cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng. Muốn vậy, HTX cần tăng quy mô thành viên để tăng năng lực cạnh tranh bởi theo thống kê của Bộ NN&PTNT, bình quân mỗi HTX nông nghiệp hiện nay có quy mô trung bình 195 thành viên là vẫn còn nhỏ bé. Trong khi không ít HTX mới thành lập có quy mô dưới 50 thành viên, gây khó khăn cho phát triển sản xuất quy mô lớn.

Bà Hoàng Thị Hồng Vân (Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn-Bộ NN&PTNT) cho rằng, các cơ quan quản lý cần giúp HTX tham gia các chuỗi giá trị sản xuất. Muốn vậy, cần đổi mới tư duy trong hỗ trợ HTX. Chẳng hạn như chuyển đổi tư duy win-win trong liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo ra các hệ sinh thái trong sản xuất kinh doanh. Hoặc thực hiện nguyên tắc “trợ giúp trước, quản lý sau để tạo nhiều cơ hội cho HTX phát huy vai trò của mô hình kinh tế thị trường.

Song song đó, để rút ngắn khoảng cách giữa HTX và doanh nghiệp, cần có thông tin cụ thể, chính thống của các HTX đủ điều kiện để khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu có thể kết nối nhanh chóng. HTX cũng cần quản lý và thực hiện sản xuất theo mô hình số bởi theo đại diện HTX rau an toàn Hải Lâm (Củ Chi), việc liên kết bao tiêu với doanh nghiệp cũng như tiếp cận chính sách hỗ trợ của HTX còn gặp khó khăn một phần là vì thủ tục hồ sơ phức tạp, một phần HTX cũng chưa quản lý số hóa hoàn toàn mà đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay6,243
  • Tháng hiện tại273,253
  • Tổng lượt truy cập14,645,932
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây