Dự báo thị trường tốt giúp HTX chủ động sản xuất và tiêu thụ

Thứ sáu - 19/04/2024 23:57 0
Nhiều HTX đang rơi vào tình trạng khi giá nông sản cao thì không có để bán nhưng khi giá xuống thấp thì lại dư thừa, hoặc thu hoạch, bán nông sản không đúng thời điểm nên chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Điều này là do việc phân tích, tìm kiếm thông tin, dữ liệu về thị trường còn chưa cặn kẽ.

Giá cà phê hôm 16/4 đã vượt mốc 112.000 đồng tại các vùng trồng trọng điểm, là mức giá kỷ lục trong nhiều năm nay. Nhưng thay vì vui mừng thì không ít nông dân, thành viên HTX lại cảm thấy hối tiếc vì đã bán hết cà phê từ thời điểm giá chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.

Không biết "bám" vào đâu

Ông Nguyễn Văn Tân, thành viên HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) cho biết, ở địa phương, tình trạng nông sản do tư thương định giá chiếm phần lớn. Nông dân, thành viên HTX ít có thông tin để tham khảo giá. Chính vì vậy mà cùng một vụ mùa nhưng hôm trước tiểu thương thu mua với giá này, hôm sau có thể thu mua với giá khác thấp hơn thì người dân hầu hết đều phải chấp nhận vì không biết lấy đâu thông tin để mà mặc cả.

Có thể thấy, nông dân và các HTX thường không nắm hết được các thông tin về thị trường, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Điều này có thể do một số HTX ít đầu tư điều tra, nghiên cứu thị trường, mà chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, theo mùa vụ.

Ông Dương Ngọc Đại, Giám đốc HTX Phượng Hoàng (Lạng Sơn) chia sẻ, việc sản xuất một số loại cây ăn quả của HTX tuy đã có giá trị kinh tế cao hơn so với cây lương thực, nhưng nhiều lúc vẫn bị dội chợ. Ông Đại cho rằng nếu có thể nắm bắt được điều kiện thời tiết, khí hậu, mùa vụ sản xuất một số loại cây ăn quả của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Lào, thì HTX có thể canh thời gian xuống giống, thời điểm thu hoạch, xuất khẩu để được giá cao hơn.

-4983-1713260278.jpg

Dữ liệu thị trường càng cụ thể, người dân, HTX càng chủ động trong sản xuất kinh doanh.

Trong một buổi tọa đàm gần đây, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chỉ ra thực trạng ngành nông nghiệp nói chung và các HTX nói riêng vẫn mù mờ về thông tin, thiếu dữ liệu thị trường dẫn đến tình trạng sản xuất ngắt quãng cung cầu, chuỗi giá trị bị đứt gãy và người dân, thành viên HTX không được hưởng lợi. Trong khi thị trường luôn biến động, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro.

“Khi đầu vào và đầu ra không gặp được nhau thì rủi ro không chỉ có người sản xuất, HTX mà còn mang lại cả rủi ro cho doanh nghiệp, nền kinh tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng việc thiếu thông tin thị trường, sản xuất bị động có nguyên nhân từ HTX nhưng cũng không thể bỏ qua vai trò của những nhà quản lý. Bởi, việc dự báo, đánh giá, phân tích thị trường, ngành nông nghiệp đã có nhưng còn chung chung, chưa cụ thể, chưa phổ biến. Trong khi người dân, HTX cần phải có thông tin, số liệu cụ thể một năm, mỗi tháng, mỗi vụ của từng loại nông sản, từ đó mới có thể tính toán phát triển diện tích bao nhiêu để đáp ứng sản lượng hoặc hợp đồng, cần bao nhiêu vốn, tiêu thụ ở thị trường nào, chế biến bao nhiêu…

Dữ liệu thị trường quan trọng hơn “nhất nước, nhì phân”

Thực tế, nhiều HTX sản xuất thành công hiện nay thường dành nhiều công sức nghiên cứu thị hiếu của khách hàng để biết yêu cầu về kích cỡ, chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói...., từ đó thực hiện sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Như HTX cam sành Sơn Nữ (Tuyên Quang) sau khi bị hơn 20 cửa hàng thực phẩm sạch ở miền Bắc “từ chối” ký hợp đồng tiêu thụ, Ban giám đốc HTX đã tiến hành điều tra, nghiên cứu, phân tích thị trường và nhận thấy, cam sành ở miền Bắc luôn dư thừa vì nhiều địa phương cùng trồng loại cây này nhưng ở miền Nam thì nhu cầu lại cao nhưng không có hoặc có nhưng rất ít cam sành. Trong khi, miền Nam có khí hậu nắng nóng kéo dài.

Do đó, HTX đã xoay chuyển bằng cách đẩy mạnh tìm kiếm, vận chuyển và tìm nhà cung cung cấp ở khu vực miền Nam. Sau khi nghiên cứu thị trường, HTX cũng nhận thấy việc chế biến các sản phẩm từ cam như nước cam lên men, tinh dầu cam, xà bông từ cam… bằng công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ mở rộng đầu ra. Và thực tế này đang giúp HTX Sơn Nữ thu về giá trị kinh tế cao trong phát triển cây đặc sản địa phương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải nông dân, HTX nào cũng làm được như HTX Sơn Nữ. Để nắm bắt được thị trường cần rất nhiều yếu tố, không chỉ dừng lại ở kinh nghiệm, ở độ am hiểu trong lĩnh vực mà HTX sản xuất mà còn liên quan đến nhiều yếu tố chuyên môn mà chỉ những chuyên gia, những nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý... mới có thể làm được.

Chẳng hạn như việc dự báo được giá hồ tiêu thời gian tới tăng hay giảm cần dựa vào rất nhiều yếu tố mà người dân không thể lường hoặc nắm hết được. Cụ thể là ngoài ra hiện tượng El Nino, La Nina, bất ổn địa chính trị thế giới, HTX cần phải nắm bắt được số liệu, quy luật cung cầu. Bởi giá hồ tiêu có quy luật lặp lại 3 lần trong 50 năm qua: mỗi khi cầu lớn hơn cung, giá cả cũng tăng vọt theo, ngược lại khi cung lớn hơn cầu, giá sẽ giảm xuống và duy trì ở vùng đáy.

Không giống như nghệ hay gừng, giá cả tăng lên mỗi năm, các HTX chỉ cần trồng nhiều hơn và năm sau giá lại giảm, thì hồ tiêu cần 3 - 4 năm nữa mới đảm bảo được nguồn cung do tình trạng thiếu diện tích trồng đã xuất hiện từ 3 năm trước. Từ đây, HTX trồng tiêu có thể nắm bắt để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Theo các chuyên gia, trước khi làm bất cứ điều gì, việc có những số liệu thị trường sẽ giúp HTX hạn chế rủi ro. Những HTX hoạt động hiệu quả thường là những HTX xem xét, phân tích số liệu thị trường cẩn thận cùng với các khâu chuẩn bị khác như quy trình sản xuất, công nghệ, nhân sự, pháp lý...

Ông Nguyễn Ái Hữu, Nhà sáng lập CTCP Thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft) cho biết, việc sản xuất theo kiểu “trông trời, trông nắng, trông mây” hiện đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, các dự báo về thị trường cũng cần số hóa, cụ thể và chi tiết hơn để phù hợp với trình độ tiếp nhận của nông dân, HTX. Nếu dữ liệu thị trường chỉ mang tính liệt kê, tổng hợp, không có phân tích, đánh giá cụ thể từng thị trường, từng ngành hàng, không lường trước được những rủi ro thì nông dân, HTX, doanh nghiệp cũng khó có thể có kế hoạch sản xuất rõ ràng. Họ cũng không thể tính toán phương án rải vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, lập kế hoạch tiêu thụ một cách hợp lý.

Nguồn tin: Theo VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay14,085
  • Tháng hiện tại96,586
  • Tổng lượt truy cập13,847,411
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây