Ngày 09/11/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5222/QĐ - UBND phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển TTCN - Làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020. Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, mặc dù trong điều kiện bối cảnh kinh tế xã hội của tỉnh, trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự nỗ lực của các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị đào tạo, đơn vị chủ trì thực hiện Đề án, Kết quả thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận
Đó là: Nhận thức của xã hội, người dân, cơ quan, đơn vị về đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển TTCN - Làng nghề đã có những chuyển biến tích cực, số lượng người tham gia đào tạo, tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định ngày càng tăng. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, mạng lưới cơ sở đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được củng cố phát triển; nhìn chung đã hướng đến đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và làm thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận của xã hội về học nghề, lập nghiệp. Kết quả đạt được như sau:
Sau khi Đề án ban hành, Liên minh HTX tỉnh với nhiệm vụ được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai thực hiện Đề án, đã tổ chức Hội nghị quán triệt, tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Đề án bằng nhiều hình thức đến các tổ chức trong hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.
Các Sở, ngành, đơn vị và Cấp ủy, HĐND, chính quyền một số địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo triển khai và có Nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách để triển khai thực hiện Đề án như: Liên minh HTX tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công Thương và đặc biệt các địa phương làm tốt như: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Diễn Châu, Nam Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, thị xã Thái Hòa,...
Khai giảng lớp học trống nấm tại xã Diễn Vạn
Về hình thức đào tạo: Được tổ chức linh hoạt và đa dạng như: Đào tạo chính quy, Đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, Đào tạo lưu động tại các xã, thôn, bản với 10 nhóm nghề chủ yếu như: Mây tre đan, Dệt thổ cẩm, Thêu ren, Mộc mỹ nghệ, Chế biến hải sản, trồng nấm,….
Về kết quả đầu tư và số lượng đào tạo: Năm năm qua, Kinh phí cấp cho đào tạo nghề theo Đề án 5222 là: 49.911 triệu đồng/KH 76.520 triệu đồng, đạt 65,2 % KH, đã đào tạo được 23.712/KH40.000 người (đạt 59,3% theo mục tiêu của đề án 5222). Bình quân hàng năm đào tạo nghề được gần 4.742 lượt người/năm. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của cả tỉnh từ 48% (năm 2015) lên 55% (năm 2020).
Về Chất lượng nghề sau đào tạo: Được nâng lên khá rõ nét. Hàng năm, tỷ lệ học viên trung cấp nghề tốt nghiệp đạt trên 95%, trong đó loại khá giỏi chiếm 30%. Tỷ lệ lao động sau khi học nghề: Biết nghề là 100%; thạo nghề là 65%; giỏi nghề là 15%.
Có khoảng 70-80 % số lao động sau đào tạo có việc làm và có thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/tháng. Thông qua công tác đào tạo nghề đã góp phần cho việc phát triển TTCN và xây dựng làng nghề hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh đã xây dựng và công nhận thêm được 26 làng nghề (đạt 100% so với chỉ tiêu quy hoạch). Đưa tổng số làng nghề toàn tỉnh tính đến nay có 165 Làng.
Về mạng lưới đào tạo nghề: Các đơn vị đã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề theo chỉ tiêu hàng năm mà Đề án đặt ra đó là: Trường Trung cấp Kinh tế, Công nghiệp, Thủ công nghiệp tỉnh Nghệ An, Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông ngiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến công tỉnh, UBND huyện Yên Thành, UBND huyện Con Cuông, UBND xã Quỳnh Diễn huyện Quỳnh Lưu, UBND xã Thọ Thành, huyện Yên Thành và một số HTX, doanh nghiệp…..
Bên cạnh những kết quả trên, công tác đào tạo nghề theo Đề án 5222 vẫn còn một số hạn chế đó là:
Thứ nhất, đánh giá chung thì kết quả thực hiện Đề án chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra về: Kinh phí, số lượng, chất lượng, cơ cấu và năng lực đào tạo của một số cơ sở dạy nghề.
Thứ hai, công tác lựa chọn nghề đào tạo gắn với nhu cầu thị trường chưa rõ nét. Công tác xã hội hóa trong thực hiện đào tạo nghề còn thấp. Một số ngành nghề có nhu cầu khá lớn nhưng phạm vi ngành nghề được đào tạo tại Đề án 5222 lại không có, cơ quan chủ trì chưa tham mưu bổ sung kịp thời vào Đề án.
Thứ ba, nhận thức của Cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ; một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của đào tạo nghề theo Đề án để cung cấp nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, hiệu quả, hiệu lực, năng lực tham mưu, xây dựng chiến lược của công tác quản lý nhà nước trong đào tạo nghề chưa cao, mạng lưới đào tạo nghề còn nhiều bất cập, chất lượng, hiệu quả đã được cải thiện nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu...
Thứ năm, việc huy động nguồn lực đầu tư thực hiện Đề án chưa đạt; ngân sách đầu tư của nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; nhiều địa phương chưa ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai thực hiện Đề án.
Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện Quyết định số 1043/QĐ-UBND ngày 20/3/2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chương trình xây dựng nông thôn mới và nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Mặc dù chưa có định hướng cụ thể về đào tạo nghề của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Cấp ủy, chính quyền các cấp, các Trường, Trung tâm dạy nghề, các HTX, DN quan tâm làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Xác định nhiệm vụ đào tạo nghề là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của Cấp ủy Đảng, chính quyền... trước hết là của các Sở, ngành như: Lao động Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghệp và PTNT, Liên minh HTX tỉnh, của Doanh nghiệp và các HTX....
Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về đào tạo nghề và dạy nghề. Cần chuyển mạnh đào tạo nghề từ theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, từng ngành và từng địa phương.
Thứ ba: Cần tham mưu lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, sự nghiệp đào tạo dạy nghề, từ ngân sách tỉnh, từ chính sách hỗ trợ dạy nghề; huy động các nguồn lực địa phương; nhà tài trợ, liên doanh liên kết, nguồn lực của doanh nghiệp, của người lao động và người học nghề nhằm tăng cường quy mô và chất lượng đào tạo nghề cho lĩnh vực lao động nông thôn.
Thứ tư: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phát triển TTCN và xây dựng làng nghề, tạo điều kiện cho người lao động nông thôn học nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định tại chỗ, nâng cao thu nhập; Quan tâm tham mưu bổ sung kinh phí và định mức dự toán kinh phí sự nghiệp đào tạo nghề.
Thứ năm: Đẩy mạnh phát triển Kinh tế tập thể, HTX, doanh nghiệp ...để làm đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm TTCN, làng nghề. Làm cơ sở vững chắc thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.
Thứ sáu: Giao Liên minh HTX tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan, căn cứ các quy định hiện hành tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tham gia Hội nghị và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 23/4/2020 của UBND tỉnh về về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu xây dựng “Đề án đào tạo nghề cho người lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho các Hợp tác xã, Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025”, Trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Thứ bảy: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động với quy mô lớn hơn, rộng hơn; lựa chọn ngành nghề phù hợp theo nhu cầu phát triển HTX, DN, TTCN, làng nghề; đảm bảo kinh phí để đào tạo nghề, trong đó bố trí kinh phí thu hút thợ giỏi, nghệ nhân để truyền nghề tại chỗ và nhân rộng.
Thứ tám: Căn cứ vào Hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm 2021 và các quy định hiện hành và nhu cầu học nghề của các địa phương, Liên minh HTX tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nghề năm 2021 gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh thông qua theo đúng quy định.